Đakrông là huyện nghèo thuộc Chương trình 30a của Chính phủ với 12/13 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (gọi tắt Chỉ thị số 40), hoạt động tín dụng chính sách xã hội (CSXH) trên địa bàn huyện đã thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào công cuộc giảm nghèo bền vững.
Dẫn chứng cho chúng tôi một vài số liệu để thấy được sự đóng góp quan trọng của nguồn vốn tín dụng CSXH đối với sự phát triển của địa phương, ông Ngô Văn Bảo, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đakrông nhấn mạnh, so với năm 2014 (thời điểm chưa có Chỉ thị 40), đến nay dư nợ cho vay CSXH toàn huyện đạt trên 540 tỉ đồng, tăng gần 400 tỉ đồng.
Hiện có hơn 8.200 hộ gia đình được vay vốn tín dụng chính sách ưu đãi của nhà nước để phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ quy mô dư nợ tăng trưởng nhanh mà chất lượng tín dụng chính sách cũng được duy trì tốt với 180/180 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) xếp loại tốt. Nguồn vốn ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đến nay không có nợ quá hạn. Nguồn vốn này đã góp phần giúp huyện đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm là 15%, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo bình quân giảm trên 5%/năm.
Trước đây, một số cấp ủy đảng, chính quyền, hội, đoàn thể ở Đakrông chưa thấy được tầm quan trọng của tín dụng CSXH trong phát triển kinh tế, chưa biết cách tận dụng vốn để xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội; nhận thức về nguồn vốn vay này của người dân còn hạn chế; chất lượng tín dụng chưa đồng đều, một số xã còn phát sinh nợ xấu, tồn đọng nợ quá hạn, một số tổ TK&VV quản lý nguồn vốn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả.Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Đakrông đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Đakrông đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ngành, tổ chức phối hợp Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể, sát với thực tiễn.
Đến nay, hoạt động tín dụng CSXH trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các địa phương, đơn vị. Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn của một huyện miền núi nghèo nhưng hằng năm UBND huyện đều cân đối nguồn thu của địa phương để bổ sung nguồn lực cho Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện với tổng số tiền 2,4 tỉ đồng.
Nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở trong hoạt động tín dụng CSXH, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn ngày càng dễ dàng tiếp cận và sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi của nhà nước.
Theo chân cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đakrông, chúng tôi đến thăm gia đình anh Hồ Văn Quang, ở thôn Gia Giã, xã Hướng Hiệp. 8 năm trước, gia đình anh Quang là hộ nghèo. Tuy nhiên, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng CSXH và chăm chỉ lao động, nay gia đình anh đã vươn lên hộ sản xuất có thu nhập khá với nguồn thu ổn định từ 80 -100 triệu đồng. “Cuộc sống của gia đình tôi đã có những thay đổi rõ rệt. Vợ chồng tôi đã làm được căn nhà kiên cố thay cho căn nhà tạm bợ, dột nát trước đây. Chúng tôi cũng bắt đầu có tiền dành dụm, nuôi 3 con ăn học. Tất cả có được là nhờ vào 3 lần vay vốn của ngân hàng CSXH để đầu tư sản xuất”, anh Quang bộc bạch.
Thuộc diện hộ nghèo, năm 2016, anh Quang được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Đakrông để mua 1 con bò giống và trồng khoảng 3 ha rừng tràm. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ hội nông dân xã, thời gian đầu, anh “lấy ngắn nuôi dài” bằng việc nuôi lợn, gà, trồng sắn, thời gian rảnh thì đi phát rừng thuê cho hộ khác để kiếm thêm thu nhập.
“Vợ chồng tôi dành dụm chi tiêu tiết kiệm từng đồng để trả lãi đầy đủ và tham gia gửi tiền tiết kiệm đều đặn hằng tháng theo quy ước hoạt động của tổ vay vốn. Sau 5 năm, con bò giống đã sinh sản thêm 3 con, rừng cũng đến kỳ gần khai thác, chúng tôi đã bán bớt một phần bò và rừng trả hết nợ cho ngân hàng” anh Quang nhớ lại. Đến năm 2022, vợ chồng anh tiếp tục vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm để mở rộng diện tích rừng.
Hiện gia đình anh có 5 ha rừng tràm. Nhờ chăm chỉ lao động, biết cách tính toán để trả nợ ngân hàng, mới đây anh tiếp tục được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đakrông cho vay thêm 50 triệu đồng nguồn vốn chương trình sản xuất, kinh doanh để mở rộng chăn nuôi bò.
Theo anh Quang, để có được cuộc sống như hiện nay là nhờ đồng vốn của ngân hàng CSXH, vì vậy anh luôn tham gia sinh hoạt tổ TK&VV định kỳ đầy đủ. Tại các phiên sinh hoạt tổ, anh luôn chủ động trao đổi kinh nghiệm hay trong sản xuất, hỗ trợ người dân trong thôn cùng nhau sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của nhà nước để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.
Để có sự thay đổi đáng kể trong hoạt động tín dụng CSXH ở huyện miền núi này, Bí thư Huyện ủy là người trực tiếp vào cuộc chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách theo tinh thần Chỉ thị số 40.
“Tôi luôn cố gắng bố trí thời gian, sắp xếp công việc hằng năm tham dự phiên họp triển khai nhiệm vụ đầu năm của Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện để nắm bắt tình hình, chỉ đạo và định hướng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn kịp thời, hiệu quả”, ông Nguyễn Trí Tuân, Bí thư Huyện ủy Đakrông cho biết.
Ban Thường vụ Huyện ủy, HĐND, UBND huyện luôn xác định vai trò của tín dụng CSXH đối với sự phát triển KT-XH của huyện hết sức quan trọng. Do vậy, Huyện ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 tại địa phương, đồng thời chỉ đạo Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, quyết định của HĐQT và ban đại diện HĐQT cấp trên.
Cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, quan tâm rà soát, xác nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách kịp thời, bình xét cho vay một cách minh bạch, công khai và cam kết trách nhiệm quản lý tốt nguồn vốn tín dụng CSXH trên địa bàn. Các địa phương đều tạo điều kiện về cơ sở vật chất để Ngân hàng CSXH huyện đảm bảo hoạt động giao dịch định kỳ hằng tháng tại trụ sở UBND cấp xã an toàn, hiệu quả.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)