Tuần qua, một sự kiện được dư luận cả nước quan tâm, đó là Hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Dư luận quan tâm đến hội nghị này không chỉ bởi Đảng, Nhà nước mới đây đã xử lý nghiêm những vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao mà còn là quá trình từ khi thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng (PCTN) đến nay, công tác PCTN đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Một con số thống kê cho thấy nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là các cơ quan chức năng trong xử lý nghiêm minh nhiều vụ án, vụ việc, cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực. Qua 10 năm (2012 -2022) thực hiện PCTN, tiêu cực, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Những kết quả trên nói lên một điều, công cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực của Đảng, Nhà nước đã đi đúng hướng, theo đúng phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chức năng, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với các doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Dù Đảng, Nhà nước đã xử lý nghiêm khắc những vụ việc tham nhũng, tiêu cực nhưng trong thực tế vẫn xảy ra một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao ở trung ương và địa phương; thậm chí trong hoàn cảnh đang xảy ra COVID-19, cả nước tập trung phòng, chống đại dịch thì một số người có chức quyền, người làm công tác quản lý ngành y lại có những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật.
Có thể nói công cuộc PCTN, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta thời gian qua là sự nỗ lực lớn, kết quả đem lại bước đầu khôi phục lòng tin trong Nhân dân. Tuy vậy các thế lực thù địch vẫn ra sức chống phá, lúc nào họ cũng tìm mọi cách để phủ nhận những kết quả đạt được của Đảng, Nhà nước. Trước đây khi xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, họ cho rằng Đảng, Nhà nước ta không chống được tham nhũng. Khi thấy những kết quả mạnh mẽ trong PCTN, nhiều đối tượng bị bắt, xét xử nghiêm minh, kể cả cán bộ cấp cao, họ lại cho rằng đó chỉ là thực hiện đấu đá nội bộ, phe cánh; thâm hiểm hơn, họ còn lập luận rằng chế độ một đảng không thể chống được tham nhũng, mặc dù việc PCTN không liên quan gì đến thể chế chính trị.
Đây cũng là vấn đề mà các ngành chức năng cần coi trọng công tác tuyên truyền, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, chống phá; tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, đó chính là việc làm có sức thuyết phục, khôi phục niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực, trong đó có công cuộc đấu tranh loại bỏ tham nhũng, tiêu cực.
Nhiệm vụ trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác PCTN, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng với quyết tâm chính trị, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa. Kinh nghiệm công tác PCTN thời gian qua đã cho thấy cần tập trung cho công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước trong việc tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm.
Đặc biệt thời gian gần đây, đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở cần được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Cùng với việc rà soát, hoàn thiện hệ thống thể chế về PCTN, tiêu cực, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chức năng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của Nhân dân, thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; tập trung kiểm soát chặt chẽ quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn để PCTN, tiêu cực…
Có như thế thì tham nhũng, tiêu cực mới từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi, để xây dựng bộ máy nhà nước nói riêng, hệ thống chính trị nói chung ngày càng liêm chính, tận tụy phục vụ Nhân dân, tất cả hướng đến mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)