Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực trong tình hình mới.
Chỉ thị được ban hành trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về công tác PCTN, tiêu cực đến toàn thể cán bộ, đảng viên. Vấn đề quan tâm hiện nay là phải đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; bồi dưỡng kiến thức PCTN cho cán bộ, đảng viên; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, trước hết là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Những năm qua, công tác PCTN, tiêu cực được các cấp ủy đảng chỉ đạo thực hiện, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai thực hiện đồng bộ, nhất là công khai, minh bạch về giải quyết thủ tục hành chính; đền bù giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội; tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ quan, lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Từ đầu năm 2021 đến nay, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được quan tâm thực hiện, cơ quan chức năng đã khởi tố 2 vụ/3 bị can. Trong đó, điển hình là vụ Nguyễn Ngọc Hoàng, tổ trưởng tổ tín dụng Phòng giao dịch Nam Cửa Việt thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Triệu Phong bằng nhiều thủ đoạn khác nhau đã chiếm đoạt của 46 cá nhân số tiền trên 4 tỉ đồng. Tòa án nhân dân hai cấp đã xét xử 2 vụ án tham nhũng, đó là các vụ án: Nguyễn Đình Bảo, Đặng Quang Đức “tham ô tài sản”. Trong 9 tháng đầu năm đã thu hồi số tiền tham nhũng gần 400 triệu đồng. Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Vấn đề đặt ra hiện nay là công tác PCTN, tiêu cực vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; các thủ đoạn tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thực sự gương mẫu, còn tình trạng nể nang, né tránh trong phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Số vụ việc tham nhũng phát hiện qua thanh tra, kiểm tra và tự phát hiện tại nội bộ cơ quan, đơn vị còn ít. Để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, tiêu cực, trong thời gian tới người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải xác định công tác PCTN, tiêu cực là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Hằng năm, căn cứ kết quả công tác PCTN, tiêu cực để xác định tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức; cung cấp thông tin về quy hoạch, chính sách trong quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng; kết quả giải quyết đơn thư; thủ tục hành chính, sử dụng ngân sách, tài sản công, kinh phí chi tiêu nội bộ, các chính sách an sinh xã hội, thi đua, khen thưởng..., tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân tham gia giám sát việc triển khai thực hiện. Công khai, dân chủ trong công tác tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức; điều chuyển, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có hành vi tham nhũng, uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng.
Mặt khác, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng. Thực hiện nghiêm việc kê khai, công khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên. Các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm, đúng pháp luật những vụ việc, vụ án tham nhũng. Thực hiện nghiêm công tác thi hành án và thu hồi tài sản. Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi “tham nhũng vặt”; loại bỏ các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng trong công tác PCTN, tiêu cực; động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng vai trò của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; đề cao tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh với hành vi tham nhũng, tiêu cực.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)