Gần 40% - 50% thành viên các tổ bảo vệ rừng của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông (Quảng Trị) từng một thời trực tiếp/gián tiếp vào rừng đốn gỗ, săn bắt thú rừng hoặc có vợ đang phải chấp hành án phạt tù trong vụ án “Hủy hoại rừng”. Bây giờ, tất cả họ đều trở thành những thành viên nòng cốt, nhiệt tình trong các tổ bảo vệ rừng của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông.
Dưới ánh nắng chói chang như đổ lửa của một ngày đầu hè, chúng tôi theo Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm khu vực Hồng Thủy Nguyễn Xuân Tuấn đến thăm gia đình anh Hồ Văn Ác ở bản Cựp, xã Húc Nghì, huyện Đakrông. Anh Ác là chồng của bị cáo Hồ Thị N., hiện đang chấp hành án phạt tù trong vụ án “Hủy hoại rừng” xảy ra vào tháng 5/2020. Hiện tại, anh là thành viên tích cực, năng nổ của Tổ bảo vệ rừng bản Cựp.
Trong căn nhà sàn nằm giữa bản Cựp, anh Ác trầm ngâm nhớ lại, cách đây 4 năm (năm 2020), vợ anh là chị N. do thiếu hiểu biết về Luật Lâm nghiệp nên đã có hành vi “Hủy hoại rừng”, bị tuyên mức án 42 tháng tù giam; phạt tiền 101 triệu đồng...
Ngày chị N. đi chấp hành hình phạt, anh xoay xở đủ nghề để nuôi 7 đứa con thơ dại. Khó khăn cũng dần qua khi chỉ còn vài tháng nữa là chị N. chấp hành xong án phạt tù để trở về với chồng con, với bản làng. Năm 2023, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông đã tạo điều kiện cho anh Hồ Văn Ác tham gia Tổ bảo vệ rừng bản Cựp. Tổ này được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ 1.364 ha rừng.
Tham gia tổ bảo vệ rừng, anh Ác được tập huấn, tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật Lâm nghiệp và các quy định về bảo vệ rừng. Vì thế, anh càng hiểu hơn về giá trị to lớn của rừng đối với cộng đồng cũng như gia đình anh. Hơn 1 năm qua, anh Ác cùng Tổ bảo vệ rừng bản Cựp đã in dấu chân trong rừng xanh, núi thẳm để bảo vệ những cánh rừng xanh thắm.
Được biết, chỉ trong vòng 2 năm (từ năm 2019 đến năm 2020) trên địa bàn 2 xã vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông là xã Tà Long, Húc Nghì có 5 trường hợp vi phạm pháp luật do hành vi “Huỷ hoại rừng”.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng rừng bị xâm hại là do nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân trên địa bàn huyện Đakrông còn hạn chế; một số người đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở các xã vùng đệm còn duy trì tập quán canh tác lạc hậu, đốt rừng làm nương rẫy; các chủ rừng chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, thậm chí buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ rừng nên tình trạng xâm hại rừng xảy ra một thời gian dài mới được phát hiện.
Lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách còn mỏng, địa bàn quản lý rộng, ranh giới các loại rừng còn chưa rõ ràng nên hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng của các lực lượng chức năng chưa cao. Công tác phân loại cắm mốc ranh giới, phân định các loại rừng, lâm phần của các chủ rừng trên thực địa chưa rõ ràng...
Ông Nguyễn Xuân Tuấn cho biết, riêng Tổ bảo vệ rừng bản Cựp được chia thành 3 nhóm và lập 1 chốt để bảo vệ rừng. Hằng tháng, tổ bảo vệ rừng chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ 1.364 ha rừng được giao.
Các thành viên của tổ thường thay phiên nhau tiến hành kiểm tra, tuần tra rừng; bình quân mỗi thành viên có 2 ngày trong tuần đi kiểm tra, tuần tra rừng. Với cán bộ kiểm lâm địa bàn, thời gian ở rừng với các tổ bảo vệ rừng còn nhiều hơn ở nhà. Nhiều hôm đi bộ hàng chục cây số đường rừng, hai đầu gối đau nhức ê ẩm, toàn thân mệt lả nhưng vì đã trót yêu nghề, yêu rừng nên phải chấp nhận.
Ngoài ra, cán bộ kiểm lâm địa bàn thường xuyên cùng với các thành viên các tổ bảo vệ rừng bám sát địa bàn, tuyên truyền cho người dân hiểu được các chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao ý thức sẵn sàng tố giác tội phạm; các vụ vi phạm đều được xử lý nghiêm minh, tạo tính răn đe... nên tình trạng xâm hại rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông được hạn chế đến mức thấp nhất.
“Vì lực lượng kiểm lâm mỏng nên nếu không có các tổ bảo vệ rừng thì khó hạn chế, ngăn chặn triệt để các vụ xâm hại rừng trên lâm phần Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông quản lý, bảo vệ ”, ông Tuấn cho biết.
Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông Hà Văn Bắc, hơn 80% dân số trong vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, việc mưu sinh dựa vào tài nguyên thiên nhiên nên ít nhiều gây áp lực trong công tác bảo vệ rừng.
Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông có 12 biên chế, trong đó chỉ có 8 kiểm lâm phụ trách địa bàn. Như vậy, bình quân mỗi kiểm lâm phụ trách địa bàn phải quản lý, bảo vệ diện tích rừng khoảng 5.000 ha. Những năm qua, nếu không có 16 tổ bảo vệ rừng với hơn 260 thành viên ở các thôn, bản thì lực lượng kiểm lâm ở đây khó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
“Điều đặc biệt là trong số hơn 260 thành viên các tổ bảo vệ rừng có đến 40% - 50% người từng có thời gian vào rừng đốn gỗ, săn bắt thú rừng.
Khi trở thành thành viên của các tổ bảo vệ rừng thì chính họ rất năng nổ, nhiệt tình trong công tác bảo vệ rừng. Đây là những “cánh tay” đắc lực giúp lực lượng kiểm lâm đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả tình trạng xâm hại, hủy hoại rừng.
Các thành viên của tổ bảo vệ rừng có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ rừng, không chặt phá rừng. Luân phiên tuần tra, không cho người vào rừng khai thác, săn bắn trên diện tích rừng được bảo vệ; về mùa khô hanh chủ động các phương án trực phòng cháy rừng, khoanh vùng những nơi có nguy cơ cháy cao, tham mưu UBND xã, kiểm lâm địa bàn xây dựng các phương án phòng, chống cháy rừng...”, ông Bắc chia sẻ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)