Huyện Cam Lộ (Quảng Trị) có diện tích rừng tương đối lớn với hơn 20.400 ha nên công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn đang gặp không ít khó khăn.
Đặc biệt, tình trạng nắng nóng liên tục kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm làm tăng nguy cơ cháy rừng. Để chủ động thực hiện hiệu quả công tác PCCCR, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do cháy rừng gây ra, UBND huyện Cam Lộ đã triển khai kế hoạch ứng phó hiệu quả với cháy rừng trong mùa khô 2024, trong đó quan tâm khoanh vùng từng khu vực trọng điểm để chủ động xây dựng phương án ứng phó.
Huyện xác định 3 vùng trọng điểm rừng trồng các xã: Cam Tuyền, Cam Thuỷ, Thanh An và phân trường Bắc của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 với tổng diện tích rừng 9.100 ha. Trong đó có hơn 150 ha rừng thông nhựa dễ cháy vào mùa khô. Vùng trọng điểm cháy rừng ở khu vực đồi Fuler, Bản Chùa của xã Cam Tuyền, khu vực này địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Khu vực rừng trồng giáp các khu dân cư của xã Thanh An do diện tích rừng manh mún nên các hộ gia đình chỉ xử lý thực bì sau khai thác bằng lửa dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao.
Vùng 2 gồm phần lớn là rừng trồng của Trung tâm KHLN Bắc Trung Bộ, xã Cam Hiếu, thị trấn Cam Lộ, với tổng diện tích rừng khoảng 1.500 ha. Hệ thống giao thông trong khu vực này khá thuận lợi cho việc sử dụng xe chữa cháy tiếp cận khu vực cháy. Vùng trọng điểm cháy rừng tập trung khu vực thôn Nam Hiếu, Rào Trù, xã Cam Hiếu.
Vùng 3 là rừng trồng của các hộ gia đình xã Cam Thành, Cam Chính, Cam Nghĩa, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9, Trại giam Nghĩa An với diện tích khoảng 8.000 ha. Địa hình ở đây bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn chủ yếu chữa cháy bằng thủ công, xe cứu hoả vào chữa cháy rất khó. Vùng trọng điểm cháy rừng tập trung ở khu vực rừng thông của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 ở xã Cam Thành, khu vực rừng trồng Dự án ADB xã Cam Chính, khu vực rừng trồng dự án ADB và dự án 661, xã Cam Nghĩa.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết: “Huyện đã phê duyệt phương án chuẩn bị cơ sở vật chất đáp ứng công tác PCCCR trong mùa khô 2024 gồm các đường cứu hỏa, đường ranh cản lửa, chòi canh, điểm tiếp nước chữa cháy... Nguyên tắc chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ”. Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về mọi mặt. Đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, phương tiện, tài sản của Nhân dân và người tham gia chữa cháy. Trong trường hợp cháy rừng xảy ra trên diện rộng có nguy cơ gây thảm họa dẫn đến tình trạng khẩn cấp thì việc chữa cháy rừng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp”.
Theo phương án chữa cháy, cơ quan, đơn vị liên quan khi nhận được tin báo về cháy rừng xảy ra trên địa bàn thuộc quyền quản lý phải nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ đến tổ chức chữa cháy, đồng thời báo cho các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm khác biết để sẵn sàng chi viện lực lượng chữa cháy; trường hợp cháy rừng xảy ra ngoài địa bàn được phân công quản lý thì sau khi nhận được tin báo cháy phải bằng mọi cách nhanh chóng báo cho các cơ quan, đơn vị quản lý địa bàn nơi xảy ra cháy biết để xử lý và tham gia chữa cháy rừng.
Mọi thông tin cháy rừng, ban chỉ đạo phát triển lâm nghiệp bền vững cấp xã phải kịp thời báo cáo nhanh cho ban chỉ đạo phát triển lâm nghiệp bền vững cấp huyện biết để theo dõi và có phương án hỗ trợ.
Khi xảy ra cháy rừng, nhận được lệnh huy động chữa cháy, các tổ chức, cá nhân khẩn trương phối hợp với lực lượng kiểm lâm, lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương và chủ rừng kịp thời đưa ra phương án xử lý các đám cháy, tham gia dập tắt các đám cháy rừng. Đơn vị được điều động tham gia chữa cháy tự đảm bảo phương tiện, công cụ chữa cháy cho lực lượng mình tham gia.
Lực lượng ứng cứu chữa cháy tại hiện trường chấp hành nghiêm túc sự chỉ huy, điều hành của người chỉ huy cao nhất tại hiện trường. Tùy tình hình cụ thể, tính chất, quy mô đám cháy địa hình, tốc độ gió, tốc độ lan tràn của đám cháy mà chỉ huy, huy động phương tiện cơ giới để chữa cháy cho hiệu quả. Các đơn vị tham gia chữa cháy rừng chuẩn bị sẵn sàng nước uống, thuốc men, y tế kịp thời sơ cứu tại chỗ những người do chữa cháy bị thương, bị bỏng, bị ngất...
Ông Hoàng Ngọc Tiến, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Cam Lộ cho biết: “Khi xảy ra cháy rừng, việc thống nhất vị trí tổng chỉ huy công tác điều hành chữa cháy rất quan trọng. UBND huyện đã quy định phân công trách nhiệm cụ thể: nếu chủ rừng là cơ quan, tổ chức thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy chữa cháy. Trưởng thôn, bản tại nơi xảy ra cháy có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy. Nếu chủ rừng là hộ gia đình hoặc cá nhân thì trưởng thôn, bản hoặc người được uỷ quyền tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy. Người đứng đầu đơn vị kiểm lâm hoặc người được uỷ quyền tại nơi xảy ra cháy có trách nhiệm là đầu mối nắm bắt, tổng hợp tình hình, mức độ cháy để tham mưu người chỉ huy cao nhất quyết định phương án, phương pháp chữa cháy rừng hiệu quả nhất.”.
Ngoài ra, UBND huyện tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác PCCCR bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên hệ thống loa FM của huyện, xã; tuyên truyền lưu động, lồng ghép vào cuộc họp của các hội, đoàn thể, họp thôn...với nội dung phong phú; sửa chữa và làm mới bảng quy ước bảo vệ rừng, bảng dự báo cấp cháy rừng, biển cấm lửa...để nâng cao ý thức của cán bộ, Nhân dân trong công tác PCCCR. Lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ việc phát dọn, đốt thực bì trong các hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)