Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã ký văn bản số 1724/QÐ-BVHTTDL, Ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030 nhằm thực hiện Quyết định số 96/QĐ-TTg của Thủ tướng về nội dung trên; góp phần thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định số 2238/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ).
Vụ Gia đình là đơn vị đầu mối, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ và kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả, tổng hợp đề xuất, kiến nghị với Bộ trưởng về các biện pháp cần thiết, bảo đảm Kế hoạch được thực hiện hiệu quả và đồng bộ.
Kế hoạch đề cập đến nhiều nội dung thực hiện, trong đó có việc tiếp tục đổi mới công tác truyền thông nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về tầm quan trọng của giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Bên cạnh đó là việc nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình gia đình tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau; phê phán các hành vi lệch chuẩn, vi phạm chuẩn mực đạo đức, giá trị văn hóa truyền thống và các hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết…
Trong kế hoạch cũng nêu việc phát triển mạng lưới cộng tác viên tham gia tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lý tưởng, đạo đức, lối sống cho các thành viên trong gia đình; tổ chức chiến dịch truyền thông vào các dịp Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hằng năm phù hợp điều kiện thực tiễn nhằm tạo sự lan tỏa, hiệu ứng xã hội mạnh mẽ tôn vinh giá trị gia đình.
Tiếp theo là đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về gia đình, trong đó tập trung rà soát, xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn, triển khai, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình, bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Các bên liên quan xây dựng, ký kết các chương trình phối hợp liên ngành về thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; xây dựng và nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ về gia đình tiêu biểu, hạnh phúc, kiểu mẫu.
Kế hoạch cũng hướng tới việc phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho các thành viên trong gia đình. Đó là việc phát huy hiệu quả sử dụng của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao góp phần xây dựng con người Việt Nam khỏe mạnh về thể chất và tinh thần.
Tiếp đến củng cố vai trò của hệ thống nhà văn hóa, nhà truyền thống, thư viện cơ sở, các thiết chế công trình văn hóa, lịch sử; phát triển đa dạng các loại hình, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các sinh hoạt cộng đồng khác trong việc giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, chuẩn mực ứng xử văn hóa cho các thành viên gia đình, nhất là thế hệ trẻ; lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình vào hoạt động của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Kế hoạch cũng nêu việc phát huy vai trò của gia đình trong giáo dục đạo đức, lối sống, gồm công tác truyền thông vận động ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi trong gia đình phát huy vai trò, trách nhiệm, nêu gương trong giáo dục đạo đức, lối sống, chuẩn mực văn hóa ứng xử trong gia đình nhằm giáo dục toàn diện và hài hòa về đức, trí, thể, mỹ cho thế hệ trẻ thanh, thiếu niên, nhi đồng.
Các đơn vị chức năng tổ chức các hoạt động triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình giai đoạn 2022 - 2025; 2025 - 2030 nhằm thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 70% và đến năm 2030 đạt trên 90% hộ gia đình đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng hướng đến mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực và hiệu quả cho công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác gia đình…
(Nguồn: Ngày nay)