Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Triệu Phong (Quảng Trị) lãnh đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo vệ môi trường sống cho người dân. Theo đó, các cấp, ngành, địa phương trong huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cơ sở sản xuất- kinh doanh, chăn nuôi, chế biến lương thực, thực phẩm, công nghiệp, TTCN, nuôi thủy sản, làng nghề... thực hiện đúng quy định về bảo vệ môi trường.
Đến nay, cơ sở sản xuất- kinh doanh, nuôi thủy sản thuộc đối tượng có đăng ký thủ tục môi trường thực hiện đầy đủ, đúng nội dung bảo vệ môi trường đã cam kết. Cơ sở có gây tác động đến môi trường đều có biện pháp thu gom, phân loại, lưu giữ, tái chế, thu hồi hoặc xử lý chất thải đúng quy định.
Các hộ tuân thủ quy hoạch nuôi thủy sản của huyện nên nước thải được xử lý qua ao lắng và dùng chất khử trùng diệt khuẩn trước khi thải ra môi trường. Toàn huyện có 25.600 hộ, cơ sở chăn nuôi, trong đó đã có 75% đảm bảo các quy định về vệ sinh thú y, chăn nuôi và bảo vệ môi trường.
Các làng nghề đều được UBND huyện phê duyệt phương án bảo vệ môi trường, trong đó hai làng nghề sản xuất bún ở xã Triệu Sơn được phê duyệt năm 2019, làng nghề truyền thống nước mắm Gia Đẳng, xã Triệu Lăng năm 2022; làng nghề truyền thống nón lá Bố Liêu, xã Triệu Hòa năm 2023.
Theo đó, hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề gồm hệ thống thu gom nước thải, nước mưa, có bố trí thùng rác để tập kết chất thải rắn, sau đó được vận chuyển về bãi rác trung tâm huyện để xử lý đúng quy định. Các cơ sở sản xuất trong làng nghề hoạt động với quy mô nhỏ, lượng nước thải sản xuất phát sinh ít, khoảng 12m3 /ngày đêm đều được người dân xây dựng công trình xử lý tại chỗ như hầm biogas, ao tuần hoàn sinh thái, hoặc sử dụng men vi sinh đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với việc bảo vệ môi trường trong sản xuất- kinh doanh, các địa phương, cơ quan, đơn vị phát động nhiều phong trào như “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngôi nhà xanh” “5 không 3 sạch”, “Câu lạc bộ bảo vệ môi trường”, theo đó đã đẩy mạnh trồng cây xanh, vệ sinh đường làng ngõ xóm, kênh mương, ao hồ và các khu vực công cộng.
Toàn huyện đã xây dựng được các tuyến đường xanh, sạch, đẹp, tuyến đường hoa với tổng chiều dài gần 300 km với các loại cây như kim phượng, hoàng yến, hoa giấy, hoa trang xanh tốt, ra hoa nhiều tháng trong năm.
Đối với việc xử lý nước thải, các khu dân cư đều có hệ thống tiêu thoát nước, không có tình trạng ứ đọng gây ô nhiễm môi trường. Định kỳ hằng tuần, hằng tháng, các địa phương tổ chức nạo vét khai thông cống rãnh, phát bụi rậm, vệ sinh cải thiện cảnh quan môi trường.
Điều đáng ghi nhận nữa là cấp ủy, chính quyền các xã triển khai cho các thôn thực hiện quy ước, hương ước bảo vệ môi trường và được UBND huyện phê duyệt gắn với quy ước, hương ước văn hóa.
Hằng năm, các địa phương phát động Tết trồng cây và hưởng ứng thực hiện đề án trồng 1 tỉ cây xanh theo chủ trương của Chính phủ. Đến cuối năm 2023, đất trồng cây xanh sử dụng nơi công cộng tại các điểm dân cư nông thôn đạt trung bình 2,6m2 /người.
Việc xử lý rác thải luôn được huyện Triệu Phong quan tâm đúng mức, nhờ đó tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định. Tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện khoảng 31,1 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị khoảng 3,1 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 28 tấn/ngày.
Để xử lý số lượng rác thải này, các xã đã thành lập tổ, đội thu gom và hợp đồng với Trung tâm Môi trường và Đô thị huyện vận chuyển về bãi rác trung tâm huyện để xử lý. Thời gian qua, tỉ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn đạt 87%, khu vực đô thị đạt 91%.
Đối với rác thải từ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và chất thải rắn y tế được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 1.000 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng đúng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Năm 2023, huyện Triệu Phong bố trí kinh phí và hợp đồng với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh thu gom với tổng khối lượng 464,5kg bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng để xử lý.
Đối với chất thải rắn y tế, khối lượng phát sinh khoảng 12kg/ngày chủ yếu từ Trung tâm Y tế huyện, phòng khám tư nhân, trạm y tế xã, thị trấn. Toàn bộ lượng chất thải rắn nguy hại của ngành y tế được thu gom, vận chuyển về Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải xử lý, đảm bảo vệ sinh theo quy định.
Thực hiện chuẩn gia đình văn hóa nông thôn mới, đến nay, tỉ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo “3 sạch” ở các xã đạt gần 100%. Tỉ lệ hộ dân thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt 40,13%.
Nhận thức được tác hại do rác thải nhựa gây ra, huyện Triệu Phong đã phát động các xã thực hiện phong trào chống rác thải nhựa, qua đó có nhiều tổ chức, cá nhân triển khai thu gom, tái sử dụng, xử lý theo quy định.
Trường học và các thôn thực hiện mô hình “Ngôi nhà xanh” để phân loại rác thải nhựa bán cho nơi thu mua phế liệu chuyển đến cơ sở tái chế. Hiện nay, tỉ lệ chất thải nhựa phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định đạt hơn 55%.
Thời gian tới, huyện Triệu Phong tiếp tục đẩy mạnh rà soát, thu gom và vận chuyển kịp thời lượng rác thải các xã, thị trấn về các bãi rác để xử lý, đồng thời tăng cường vệ sinh môi trường tại khu vực trung tâm, khu dân cư, chợ, đẩy mạnh xử lý môi trường chăn nuôi ở nông thôn, đầu tư nâng cấp các bãi rác, xử lý đúng quy định rác y tế và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Về lâu dài, huyện Triệu Phong sẽ chuyển rác thải về bãi rác tập trung của tỉnh để xử lý.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)