Từ đầu năm 2023 đến nay, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nhiều chuyển biến tích cực.
Năng lực, trách nhiệm của lực lượng thi hành công vụ trên lĩnh vực này được chú trọng. Ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của người dân từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, trên thực tế công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn một số tồn tại như nguy cơ về tai nạn giao thông chưa được giải quyết dứt điểm, một số bất cập về hạ tầng giao thông chậm khắc phục.
Năm 2023, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh được kiềm chế và giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2022; số vụ tai nạn giao thông giảm 10,3%, số người chết giảm 17,5%, số người bị thương giảm 6,4%. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đáng quan tâm là tai nạn giao thông tuy được kiềm chế và kéo giảm qua từng năm nhưng thiếu bền vững và tiềm ẩn nguy cơ gia tăng.
Nguyên nhân là do công tác quản lý nhà nước về TTATGT có nơi còn thiếu chặt chẽ, hạ tầng giao thông còn hạn chế; hệ thống vận tải hành khách công cộng phát triển chưa đồng bộ, trong khi số lượng phương tiện giao thông ngày càng nhiều làm tăng áp lực cho giao thông đường bộ. Nhận thức pháp luật, ý thức, kỹ năng tham gia giao thông của một số người dân còn hạn chế.
Để kiềm chế tai nạn giao thông, trước mắt cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tuyến đường trọng điểm nhằm kết nối hiệu quả giữa giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không, từng bước giảm áp lực cho giao thông đường bộ.
Các đơn vị, lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT tăng cường phối hợp rà soát, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức giao thông, giải quyết dứt điểm các điểm tiềm ẩn tai nạn trên các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát để phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông.
Đặc biệt, trước tình hình TTATGT trên địa bàn hai huyện Hướng Hóa và Đakrông diễn biến phức tạp, Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1009/ KH-CAT-PX08, ngày 10/8/2023 về chuyển hóa địa bàn, tuyến trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Với các biện pháp quyết liệt, tình hình TTATGT trên địa bàn hai huyện Hướng Hóa và Đakrông bước đầu đã có chuyển biến tích cực.
Tai nạn giao thông giảm so với thời gian trước liền kề; tình trạng thanh thiếu niên điều khiển phương tiện tụ tập, phóng nhanh, vượt ẩu, đánh võng được kiềm chế, ngăn chặn dứt điểm; những bất cập về tổ chức giao thông được đề xuất để giải quyết kịp thời. Kết quả đó khẳng định sự quyết liệt, kịp thời, đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các đơn vị trong quá trình thực hiện kế hoạch.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, các lực lượng, trong đó có lực lượng cảnh sát giao thông đã tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động tiếp nhận, xử lý tin báo, phản ánh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông.
Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ hơn 70 vụ, trong đó có nhiều vụ vận chuyển trái phép chất ma túy, pháo nổ, ngoại tệ... góp phần đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hoạt động của các loại tội phạm, cùng các lực lượng trong toàn Công an tỉnh giữ gìn bình yên cuộc sống.
Trên cơ sở kết quả đạt được và tình hình TTATGT trên địa bàn hiện nay, Công an tỉnh quán triệt cấp ủy, chỉ huy công an các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh đối với nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an toàn giao thông. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng; sự phối hợp hiệu quả với các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo đảm TTATGT. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo đảm TTATGT có trình độ nghiệp vụ, năng lực, bản lĩnh, đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thực hiện nghiêm quy chế dân chủ, công khai, minh bạch các hoạt động liên quan đến TTATGT; kịp thời tiếp nhận, xử lý phản ánh của Nhân dân, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông. Nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình về an toàn giao thông, đặc biệt là chương trình, mô hình về TTATGT tại địa bàn có đồng bào dân tộc và giáo dân sinh sống.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ giám sát, phát hiện xử lý vi phạm về TTATGT. Tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, khép kín địa bàn, xử lý nghiêm các vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, tải trọng nhằm giảm tai nạn giao thông một cách bền vững, hướng đến xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn hóa, trật tự, kỷ cương.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)