Khác với trước kia, hiện nay, ngày càng nhiều bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường đã thử sức khởi nghiệp bằng nhiều cách, qua đó học hỏi vô vàn điều hay. Tín hiệu đáng mừng ấy bắt nguồn từ nỗ lực ươm mầm khởi nghiệp trong trường học của các cấp bộ đoàn.
Đến nhiều ngôi trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hôm nay, không khó để nghe học sinh chia sẻ những câu chuyện về khởi nghiệp.
Khác với trước kia, phần lớn học sinh hiện nay đã ý thức sâu sắc tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp. Đó cũng chính là lý do mà những diễn đàn xoay quanh chủ đề khởi nghiệp do các nhà trường, đoàn trường tổ chức thường thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh.
Đáng mừng hơn, tuy đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng một số cá nhân, nhóm học sinh đã mạnh dạn khởi nghiệp, có đồng vào, đồng ra, giúp ba mẹ vơi bớt phần nào nỗi vất vả. Với sự thống nhất cao, nhiều chi đoàn học sinh đã tổ chức, triển khai những hoạt động khởi sự kinh doanh để có tiền hỗ trợ người nghèo.
Nói về “luồng gió mới” đang tỏa lan trong các trường học kể trên, thầy giáo Lê Mậu Thành, Bí thư Đoàn trường THPT Trần Thị Tâm, huyện Hải Lăng chia sẻ, đây là điều khiến nhiều người công tác trong ngành sư phạm vui mừng.
Tính đến nay, thầy Thành đã công tác trong ngành giáo dục 14 năm, trong đó có 8 năm vừa dạy vừa làm thủ lĩnh đoàn. Là giáo viên môn công nghệ - công nghiệp, thầy hiểu sâu sắc ý nghĩa của việc khởi nghiệp đối với các bạn trẻ.
“Lâu nay, nhiều người cho rằng, việc khởi nghiệp chỉ nên dành cho những người dạn dày về tuổi tác, chí ít cũng là sinh viên sau khi ra trường. Quan điểm đó đã cũ. Ngay trên ghế nhà trường, học sinh hoàn toàn có thể khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công nếu được trang bị tốt kiến thức, kỹ năng. Khởi nghiệp sẽ giúp các em có thêm nhiều trải nghiệm quý giá. Vì thế, tôi cho rằng, việc ươm mầm khởi nghiệp trong trường học là rất cần thiết”, thầy Thành chia sẻ quan điểm.
Suy nghĩ như thế nên Bí thư Đoàn trường THPT Trần Thị Tâm Lê Mậu Thành rất mừng khi nhận được chủ trương phát triển câu lạc bộ (CLB) khởi nghiệp trong trường học. Ngay sau khi nhận được công văn của đoàn cấp trên, thầy Thành đã xin ý kiến và được lãnh đạo nhà trường chấp thuận về việc thành lập CLB.
Đầu năm 2023, CLB Hướng nghiệp, khởi nghiệp Trường THPT Trần Thị Tâm ra đời trong sự háo hức, mong chờ của cả thầy lẫn trò. Với sự tham gia của 36 thành viên, hằng quý, CLB đều đặn tiến hành sinh hoạt. Vào những ngày lễ lớn hay sự kiện quan trọng, CLB thường có những hoạt động hay để thu hút các nhân tố mới.
Thầy Thành cho biết: “Sức hút của CLB mạnh mẽ hơn tôi tưởng. Các em học sinh tham gia sinh hoạt định kỳ và các hoạt động bên lề rất đông đủ, đầy hào hứng. Từ hoạt động của CLB, một số học sinh trường chúng tôi đã khởi nghiệp theo cách riêng”.
Cũng như ở Trường THPT Trần Thị Tâm, thầy và trò Trường THPT Triệu Phong, huyện Triệu Phong dành nhiều tâm huyết cho hoạt động của CLB Khởi nghiệp.
Cuối năm 2022, khi đoàn trường thành lập CLB, các thủ lĩnh đoàn đều lo không huy động được nhiều thành viên tham gia. Ai cũng quan ngại CLB sẽ “sớm nở, tối tàn”. Lo lắng là vậy nên các cán bộ Đoàn trường THPT Triệu Phong rất mừng khi có ngày càng nhiều học sinh xin vào CLB. Kết quả đó có được là từ những hoạt động khởi nghiệp thú vị mà ban chủ nhiệm, thành viên CLB tổ chức.
“Với lứa tuổi học sinh, chúng tôi không đặt ra những yêu cầu quá cao trong khởi nghiệp. Tuy nhiên, một số học sinh đã mang đến nhiều bất ngờ cho chúng tôi sau khi mạnh dạn khởi nghiệp. Đơn cử như một nhóm học sinh của trường đã làm những món đồ trang trí từ len, được rất nhiều khách hàng yêu thích, đặt mua”, Bí thư Đoàn trường THPT Triệu Phong Nguyễn Ngọc Tuyến cho biết.
Ngoài hai ngôi trường kể trên, thời gian qua, nhiều CLB khởi nghiệp đã được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả tại các đơn vị, địa phương trong tỉnh. Kết quả ấy có được là nhờ sự nỗ lực thắp sáng ngọn lửa khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên của Tỉnh đoàn. Nhận thức rõ ý nghĩa của việc khởi nghiệp, từ nhiều năm về trước, các thủ lĩnh đoàn trong tỉnh đã triển khai những kế hoạch, giải pháp để thúc đẩy đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp.
Được sự tiếp sức của đoàn, không ít bạn trẻ đã khởi nghiệp thành công. Tuy nhiên, kết quả ấy chưa làm các cán bộ đoàn hài lòng. Ai cũng trăn trở tìm cách khai mở khát vọng khởi nghiệp trong thêm nhiều đoàn viên, đặc biệt là học sinh.
Sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, các cán bộ Tỉnh đoàn nhanh chóng xác định giải pháp, cách làm cụ thể.
Buổi đầu, khi kế hoạch triển khai, các cán bộ đoàn vấp khá nhiều luồng ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng, nhiệm vụ của học sinh là học và chỉ học. Khởi nghiệp là việc chưa thực sự phù hợp với lứa tuổi, điều kiện, tâm lý... của học sinh. Cũng vì thế, có ý kiến dự báo các CLB khởi nghiệp trong trường học sẽ “sớm nở, tối tàn”.
Trước tình hình ấy, các cán bộ đoàn đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức mọi người. Song song với đó, nhiều mô hình mới, hoạt động hay đã được họ khai sinh, tạo sức hút mạnh mẽ. Từ sự chỉ đạo của đoàn cấp trên, các đoàn trường học mạnh nhanh chóng được lựa chọn để xây dựng mô hình điểm.
Không chỉ động viên, khuyến khích, cán bộ đoàn cấp trên còn thường xuyên tìm hiểu, hỗ trợ hoạt động của những CLB khởi nghiệp đầu tiên thành lập trong trường học. Từ đây, những bài học kinh nghiệm nhanh chóng được rút ra. Nhờ thế, càng về sau, việc thành lập các CLB khởi nghiệp trong trường học càng trở nên thuận lợi.
Em Lê Nhật Phong, học sinh Trường THPT Trần Thị Tâm cho biết: “Qua thực tế ở trường, em thấy việc thành lập CLB khởi nghiệp có ý nghĩa rất lớn đối với học sinh. Bản thân em luôn chờ đợi những buổi sinh hoạt của CLB khởi nghiệp của đoàn trường”.
Theo chị Nguyễn Thị Vĩnh An, Trưởng Ban Phong trào Thanh thiếu nhi trường học Tỉnh đoàn, đến nay, toàn tỉnh có 70 câu lạc bộ khởi nghiệp được hình thành trong các trường THCS, THPT. Sau khi thành lập, các CLB đã đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả. Phần lớn CLB đã tổ chức những chương trình, hoạt động hay giúp học sinh hiểu rõ, ý thức sâu sắc hơn về việc khởi nghiệp. Tham gia CLB, các em học sinh có thêm động lực và nhiều kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và có những trải nghiệm quý giá.
“Những tín hiệu đáng mừng kể trên là động lực để chúng tôi tiếp tục nhân rộng mô hình CLB khởi nghiệp trong trường học. Chúng tôi mong rằng các CLB sẽ trở thành một “vườn ươm khởi nghiệp”, giúp học sinh vươn đến những đỉnh cao hơn”, chị An chia sẻ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)