Ưu tiên đón phụ nữ có thai, đang nuôi con nhỏ từ vùng dịch về quê

Diệp Trương |

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương đang thực hiện giãn cách phải có sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành khác trong việc tổ chức đưa đón người dân từ vùng dịch trở về quê.

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vào chiều 16/8 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo, yêu cầu các địa phương phải phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức đưa đón người dân từ vùng dịch trở về quê, đặc biệt phải chú ý ưu tiên đón những phụ nữ có thai, đang nuôi con nhỏ.

Tại cuộc họp, các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo, chuyên gia nhận định dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tên cả nước.

Người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh về Bến Tre thực hiện cách ly tập trung theo qui định. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)
Người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh về Bến Tre thực hiện cách ly tập trung theo qui định. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Hiện tại, nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 17/7 (theo Văn bản số 969/TTg-KGVX), đã kéo dài thêm 14 ngày kể từ ngày 31/7 (theo Công điện số 1063/CĐ-TTg); tiếp tục căn cứ vào tình hình trên địa bàn để chủ động thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn.

Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia giao cho Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình tại 8 tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang; quyết không để dịch bệnh xâm nhập từ nước ngoài và các địa phương khác trong cả nước vào 8 tỉnh này.

Đồng thời, Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ cần tổ chức kiểm soát chặt chẽ khu vực các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận; không để dịch COVID-19 từ các tỉnh phía Nam (đang thực hiện giãn cách xã hội) lây lan ra các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội phải thực hiện nghiêm, không để người dân tự ý đi ra khỏi địa bàn, nơi cư trú. Trường hợp một số người dân đã đi sang các địa phương khác thì Bộ Quốc phòng chỉ đạo để đưa vào các khu cách ly tập trung của quân đội.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu: “Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội phải có sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố khác trong việc tổ chức đưa đón người dân từ vùng dịch trở về quê. Đặc biệt, phải chú ý ưu tiên đưa đón phụ nữ mang thai sắp đến kỳ sinh và những phụ nữ đang nuôi con nhỏ."

Hiện tại, một số địa phương tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội khiến đời sống một số nhân dân đã và đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, các ý kiến tại cuộc họp thống nhất rằng các tỉnh, thành phố này phải triển khai các gói hỗ trợ thực chất theo quy định của Trung ương cũng như các gói hỗ trợ và sự chi viện từ cộng đồng, đảm bảo mọi người dân không bị đói, bị thiếu chỗ ở, tất cả đều nhận được sự trợ giúp y tế khi có yêu cầu.

Tại cuộc họp các chuyên gia bày tỏ lo ngại trước tình trạng tập trung đông người sau khi Thành phố Hồ Chí Minh triển khai một số phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin chưa vận hành thông suốt.

Trong khi đó, hàng nghìn lao động ngoại tỉnh dồn về một số cửa ngõ để đi về quê sau khi có thông tin thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg thêm 1 tháng nữa.

Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng trên là do thành phố kéo dài thời gian giãn cách xã hội nhưng chưa triển khai đồng bộ, thông tin kịp thời đến người dân về chính sách hỗ trợ thiết thực của thành phố để hỗ trợ mọi người dân (nhất là người lao động ngoại tỉnh không có việc làm) về chỗ ở, trợ cấp lương thực, thực phẩm cũng như chăm sóc y tế cần thiết.

Người dân Quảng Trị về từ Thành phố Hồ Chí Minh xuống tàu tại ga Đông Hà. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Người dân Quảng Trị về từ Thành phố Hồ Chí Minh xuống tàu tại ga Đông Hà. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Bên cạnh đó, các ý kiến cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh cần phải chấn chỉnh lại hoạt động của các chốt kiểm soát đi lại trong khu vực nội thành, từ cấp xã/phường đến quận/huyện; đã để xảy ra tình trạng người dân tự ý rời thành phố về các địa phương.

Nếu tình trạng trên tiếp tục kép dài thì sẽ khiến thành quả phòng, chống dịch cũng như nỗ lực chấn chỉnh, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội trong nhiều tuần trước đây của thành phố sẽ bị lãng phí. Trong khi đó, nếu không quản lý chặt chẽ những người tự đi từ vùng có dịch trở về các địa phương thì những người này có thể trở thành nguồn lây nhiễm mới trong cộng đồng.

Trên thực tế, phần lớn ổ dịch xuất hiện tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ đều có liên quan đến những người đi về từ vùng dịch ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… Khi kiểm soát được số người về từ các địa phương có dịch thì tình hình dịch bệnh ở các tỉnh Tây Nam Bộ đã diễn biến theo chiều hướng tốt hơn.

Về tiêu chí kiểm soát được dịch bệnh để dừng thực hiện giãn cách xã hội của một số địa phương, các ý kiến cho rằng cần phân làm hai nhóm: các địa phương chưa phải thực hiện và các địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Bộ Y tế cần hoàn thiện các tiêu chí cụ thể để một địa phương được coi là đã kiểm soát được dịch bệnh, như số ổ dịch mới phát sinh trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây; việc xác định ngay các trường hợp F1, F2... trong một khoảng thời gian; năng lực chuẩn bị và tỷ lệ sử dụng thực tế của các khu thu dung, điều trị F0…

Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất giao cho Bộ Y tế khẩn trương tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để có hướng dẫn chính thức về các tiêu chí xác định một địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh và được phép dừng áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg.

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông làm đầu mối xây dựng các công cụ, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch, tích hợp thành một nền tảng thống nhất. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ xây dựng và hoàn thiện các ứng dụng chưa đáp ứng tốt yêu cầu phòng, chống dịch. Một số ứng dụng khi được triển khai, đưa vào vận hành thì chưa ổn định, chưa thông suốt, chưa liên thông tích hợp; trong khi đó đã xuất hiện thêm các ứng dụng có liên quan đến công tác phòng, chống dịch do một số ngành, địa phương triển khai, thiếu sự thống nhất.

Về vấn đề này, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phát triển công cụ chống dịch bám sát thực tiễn, thiết thực, hiệu quả, thống nhất, thông suốt toàn hệ thống; thuận lợi, dễ sử dụng với người dân; tránh tình trạng nhiều ứng dụng không liên thông, tích hợp.

 (Nguồn: TTXVN)

TAGS

4 người dân Quảng Trị vừa trở về quê bằng tàu hỏa dương tính với SARS-CoV-2

Quang Hiệp |

Ngày 16/8/2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Quảng Trị cho biết, trong 6 trường hợp có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 mới được ghi nhận trên địa bàn, có 4 trường hợp vừa trở về quê bằng tàu hỏa, xuống ga Đông Hà vào lúc 15 giờ, ngày 15/8/2021.

Tạo việc làm ổn định cho người lao động trở về quê hương

Tú Linh |

Vừa qua, hơn 2.000 lao động từ các tỉnh, thành phía Nam trở về Quảng Trị tránh COVID-19, trong số họ nhiều người quyết định ở lại quê tìm việc làm.

Chùm ảnh: Chuyến tàu tình nghĩa thứ 2 đưa người dân Quảng Trị về quê

Thy Nhung |

Chuyến tàu nghĩa tình thứ hai do tỉnh Quảng Trị phối hợp với ga Sài Gòn thực hiện, đưa 496 người dân về quê. 

Chuyến tàu chuyên biệt đưa người dân Quảng Trị từ các tỉnh phía Nam về quê

Vân Sơn |

Ngày 14/8, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tiếp tục tổ chức đoàn tàu chuyên biệt thứ 4 đưa 420 công dân Quảng Trị đang học tập, sinh sống, làm việc tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam về quê. Trước đó, VNR đã tổ chức 3 chuyến tàu chuyên biệt đưa 1.500 công dân Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị về quê.