Chó nghiệp vụ được đào tạo, huấn luyện bài bản đã và đang là những “cộng sự” đắc lực của lực lượng biên phòng trong bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Tại Đội Trinh sát đặc nhiệm, Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động thuộc Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Trị, “vũ khí đặc biệt” này đã góp phần không nhỏ vào các chiến công trong trinh sát, thám thính và truy bắt tội phạm trên tuyến biên giới Việt - Lào.
Đội Trinh sát đặc nhiệm, Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động (thuộc BĐBP tỉnh) được biên chế 9 chó nghiệp vụ để cơ động thực hiện các nhiệm vụ dọc tuyến biên giới Việt Nam - Lào.
Theo Đội phó Đội Trinh sát đặc nhiệm, Thiếu tá Trần Văn Hậu, những chú chó nghiệp vụ ở đây đều đã được huấn luyện một cách bài bản, có sức chịu đựng rất cao và chấp hành nghiêm mệnh lệnh.
Quá trình thực hiện các nhiệm vụ như tuần tra, truy vết, phục kích, chó nghiệp vụ đều tham gia rất hiệu quả. “Chó nghiệp vụ trước khi bàn giao đã được huấn luyện các bài chiến đấu, rèn thể lực, tạo sức bền bỉ, dẻo dai một cách bài bản.
Tại đơn vị, chúng tôi chỉ huấn luyện củng cố để duy trì sức chiến đấu cho những “chiến sĩ đặc biệt” này. Trong đó, tập trung chủ yếu rèn luyện kỷ luật, nhảy chui qua vòng, nằm sát đất, bò trên địa hình; thực tập các tình huống giả định… tất cả đều được các “khuyển binh” thực hành một cách thuần thục, bài bản”, Thiếu tá Hậu thông tin.
Đằng sau sự tinh nhuệ, dũng mãnh của các chú chó nghiệp vụ tại Đội Trinh sát đặc nhiệm là công sức, sự nhiệt huyết của những người “thầy” nuôi dạy chó. Cùng tham gia một buổi tập củng cố của các “chiến sĩ đặc biệt” này mới thấy hết sự vất vả của cán bộ huấn luyện ở đây.
Huấn luyện viên chó nghiệp vụ Đội Trinh sát đặc nhiệm, Trung úy Nguyễn Quang Toàn chia sẻ, tại đơn vị, mỗi cán bộ, chiến sĩ được phân công một chó nghiệp vụ để chăm sóc, huấn luyện và dẫn dắt khi có nhiệm vụ.
Anh được phân công chú chó A Pơ từ năm 2020. Đây là “chiến sĩ” thuộc chó chiến đấu thực hiện các nhiệm vụ truy vết theo nguồn hơi, lùng sục khám nghiệm hiện trường, tham gia phục kích.
“Khi mới tiếp cận, những chú chó này thân hình khá to lớn và khả năng chiến đấu với tính sát thương cao, nên tôi cũng có chút lo lắng. Tuy nhiên, qua thời gian, cùng sự kiên trì và tình yêu mến dành cho những “người bạn trung thành” đã giúp tôi đạt hiệu quả hơn trong việc huấn luyện.
Đối với A Pơ cũng như các chó nghiệp vụ khác, trong việc chăm sóc, chúng tôi đặc biệt quan tâm với tiêu chuẩn ăn theo quy định là 2 bữa/ngày.
Thời gian cơ động làm nhiệm vụ sẽ bổ sung thêm thức ăn khô dinh dưỡng. Ngoài thời gian huấn luyện củng cố, tôi phải đảm bảo đủ thời gian cho “khuyển binh” đi dạo, vệ sinh”, Trung úy Toàn cho biết.
Nhiệm vụ chính của chó nghiệp vụ tại Đội Trinh sát đặc nhiệm là bảo vệ, cảnh giới các mục tiêu quan trọng; tuần tra, kiểm soát địa bàn; tham gia mật phục, truy kích, đánh bắt giữ các đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; tham gia diễn tập, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Thời gian qua, “vũ khí đặc biệt” của đơn vị đã góp công lớn trong nhiều nhiệm vụ.
Điển hình, vào năm 2020, chó nghiệp vụ của lực lượng biên phòng đã góp phần không nhỏ trong việc tham gia tìm kiếm các nạn nhân xấu số trong vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra ở khu vực đóng quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337; bảo vệ thành công các hoạt động nằm trong Chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ Nhất được tổ chức tại huyện Hướng Hóa và Sê Pôn (Savannakhet, Lào) vào tháng 12/2021; tham gia diễn tập khu vực phòng thủ huyện Đakrông năm 2022…
Đáng chú ý, thời gian qua, “vũ khí đặc biệt” của lực lượng biên phòng trên tuyến biên giới đã tham gia tuần tra, mật phục, đấu tranh chống các loại tội phạm, buôn lậu trên 30 đợt/60 lượt chó chiến đấu thực hiện.
Đơn cử, vào ngày 21/6/2021, lực lượng chó nghiệp vụ của Đội Trinh sát đặc nhiệm đã phối hợp triển khai đánh bắt thành công vụ án liên quan đối tượng người Lào vận chuyển số lượng lớn ma túy qua biên giới.
Kết quả, tại khu vực cách mốc quốc giới 597 về phía Việt Nam hơn 20 m, gần Cửa khẩu phụ Cheng thuộc xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, đối tượng Xêng Phêng Say, trú tại bản Sọp, huyện Sê Păng Phay, tỉnh Khăm Muộn (Lào) vận chuyển trái phép 38.000 viên ma túy tổng hợp hiệu WY bị lực lượng biên phòng Quảng Trị bắt quả tang khi đang tìm cách đưa số ma túy này vượt biên vào Việt Nam tiêu thụ.
Trải dọc trên dặm dài biên cương phía Tây Quảng Trị, những huấn luyện viên và chó nghiệp vụ Đội Trinh đặc nhiệm, Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động thuộc BĐBP tỉnh vẫn đang ngày đêm tích cực luyện rèn, thực hiện những chuyến tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc quốc giới; truy vết nguồn hơi hỗ trợ công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu; phục kích, phát hiện, bắt giữ những đối tượng xâm nhập và các loại tội phạm khác…
Qua đó, đóng góp lớn vào nhiệm vụ giữ gìn bình yên biên giới quê hương.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)