Bộ đội biên phòng tuyên truyền chấm dứt nạn tảo hôn ở A Vao

Nguyễn Thành Phú |

Xã A Vao, huyện Đakrông (Quảng Trị) có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Pa Kô. Hiện tại, tuy tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã được chấm dứt song tình trạng tảo hôn thì vẫn còn xảy ra. 

Trước thực trạng đó, Đồn Biên phòng A Vao đã phối hợp chặt chẽ với địa phương và các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn cũng như hậu quả và những hệ lụy của tình trạng này, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn trên địa bàn.

Do điều kiện kinh tế khó khăn nên người dân vẫn còn lam lũ với nương rẫy, đời sống lạc hậu, quanh năm hầu như ít ai có dịp đi xa khỏi bản làng nên nhiều người, nhiều gia đình còn thiếu thông tin, kiến thức, còn duy trì một số hủ tục, vì vậy còn nhiều trường hợp học sinh gái bỏ học để lấy chồng sớm.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã A Vao, huyện Đakrông Hồ Thị Thoa cho biết: “A Vao là một xã vùng cao biên giới, cách xa trung tâm huyện, kinh tế phát triển chậm, hệ thống giao thông còn bất cập nên người dân chưa được tiếp cận nhiều với cuộc sống hiện đại cũng như pháp luật về tảo hôn. Cùng với đó, quan niệm gả con gái sớm để nhận vật phẩm “Bỏ của” từ nhà trai vẫn đang tồn tại trong một bộ phận người dân nên tình trạng tảo hôn vẫn cứ diễn ra”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao tích cực giúp những bạn trẻ lao động, sản xuất pháttriển kinh tế để họ không còn lấy chồng sớm - Ảnh: N.T.P
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao tích cực giúp những bạn trẻ lao động, sản xuất pháttriển kinh tế để họ không còn lấy chồng sớm - Ảnh: N.T.P

Trước thực trạng đó, Đồn Biên phòng A Vao đã tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Cán bộ, chiến sĩ đã đến tận từng hộ dân để nói cho dân hiểu tác hại của nạn tảo hôn. Hướng dẫn cho người dân cách làm ăn, cách sống văn minh, xóa bỏ hủ tục…

Thiếu tá Nguyễn Văn Chinh, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng A Vao cho biết: “Sau những năm tháng kiên trì tuyên truyền, hiện nay nhận thức về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết của bà con nơi đây đã được nâng lên rất nhiều.

Người dân đã không còn lấy nhau trong cùng một dòng họ, việc kết hôn hiện nay đã được thế hệ trẻ hiểu và thực hiện khá tốt. Người dân tuân theo quy định của pháp luật về kết hôn, hôn nhân… Tuy vậy, năm 2022, toàn xã vẫn còn xảy ra 9 trường hợp tảo hôn trong số gần 150 cặp thanh niên kết hôn”.

Anh Hồ Văn Tơn, sinh năm 1985 ở thôn Ra Ró, xã A Vao kết hôn vào năm 25 tuổi, vợ chồng anh sinh được 1 con trai, 1 con gái. Nhờ kết hôn đủ tuổi quy định nên anh có điều kiện học tập để hiểu biết về pháp luật, về khoa học kỹ thuật trong chuyển dịch cây trồng, vật nuôi. Việc sinh ít con cũng đã giúp kinh tế gia đình anh ổn định.

Anh Tơn chia sẻ “Nhìn gương bố, mẹ em lấy nhau khi tuổi mới 12 lại đẻ nhiều con nên cuộc sống khổ lắm. Mấy năm trước, mùa rẫy mới chưa đến mà trong nhà đã không còn gạo để ăn, cứ phải chờ Nhà nước cứu trợ nên em sợ lắm. Khi em mới 14 tuổi, bố, mẹ đã bắt em cưới vợ nhưng em không chịu vì em nghĩ mình phải học cái chữ thì mới mong hết đói khổ được chứ lấy vợ sớm thì cái khổ nó cứ đi theo mãi. Mình khổ rồi con mình cũng khổ theo”.

Để có được những gương sáng trong suy nghĩ và hành động như anh Hồ Văn Tơn, trong thời gian qua, nhất là khi Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” được ban hành, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao đã phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức 736 buổi tuyên truyền cho hơn 6 nghìn lượt người nghe.

Có nhiều trường hợp, các anh đã phải đến tận nhà tuyên truyền, vận động để người lớn không bắt con cháu mình phải lấy chồng sớm.

Chủ tịch UBND xã A Vao Hồ Văn Hùng cho biết “Được nghe các anh ở Đồn Biên phòng A Vao cùng các cấp tuyên truyền, vận động, ở xã bây giờ tình trạng tảo hôn đã giảm nhiều, còn hôn nhân cận huyết đã chấm dứt hoàn toàn. Mình tin cứ như thế này, chắc chắn xã sẽ không còn xảy ra tình trạng tảo hôn trong thời gian tới”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tạo điều kiện để người dân tộc Vân Kiều ở Vĩnh Linh đảm bảo thu nhập, ổn định đời sống

Nguyễn Trang |

Trong số gần 53.000 người tham gia hoạt động kinh tế, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) có trên 2.500 lao động người dân tộc Vân Kiều, tập trung tại 3 xã miền núi, đông nhất ở xã Vĩnh Ô.

Diễn đàn “Tảo hôn - Nỗi lo không của riêng ai”

Huyền Trang |

Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đakrông (Quảng Trị) phối hợp Phòng Dân tộc huyện vừa tổ chức diễn đàn “Tảo hôn - nỗi lo không của riêng ai” năm 2022.

Chống tảo hôn bằng công nghệ số

Tây Long |

Hiện nay, ở các bản làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Trị, tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra. Để không còn những lời ru buồn, thời gian qua, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội và Tổ chức Plan International tại Việt Nam đã đưa công nghệ số vào phòng chống tảo hôn thông qua nền tảng trực tuyến “Em vui”. Nhận thấy đây là cách làm hay, Tỉnh đoàn và các địa phương, đơn vị liên quan đã nỗ lực phối hợp đưa “Em vui” đến với thanh thiếu nhi.

Tập trung giám sát thực hiện giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Trần Cát Linh |

Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra ở các xã vùng sâu, vùng xa. Đây là vấn nạn gây ra nhiều hệ lụy làm suy giảm chất lượng giống nòi, ảnh hưởng đến sự phát triển KT - XH của không chỉ trên địa bàn tỉnh mà trên cả nước. Để hạn chế tình trạng này và tiến tới giải quyết dứt điểm nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên phạm vi cả nước, ngày 14/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”. Sau gần 7 năm thực hiện đề án, tỉnh Quảng Trị đạt những kết quả đáng ghi nhận.