Vượt khó tìm nguồn viện trợ từ nước ngoài

Tây Long |

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do COVID-19 nhưng thời gian qua, các cấp, sở, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh, đặc biệt là Sở Ngoại vụ luôn nỗ lực vượt qua mọi rào cản để làm tốt công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Nỗ lực ấy đã mang về kết quả đáng ghi nhận.


Trong cuộc họp vừa diễn ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam thể hiện rõ sự vui mừng khi hay tin trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trên địa bàn vẫn có nhiều bước tiến. Một trong những điểm sáng khẳng định sự nỗ lực của các cấp, sở, ngành, đơn vị liên quan, đặc biệt là Sở Ngoại vụ là đã vận động mới 9 dự án, viện trợ phi dự án phi chính phủ nước ngoài trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn.

Tổng số vốn mà nhà tài trợ cam kết hỗ trợ tỉnh đến năm 2025 xấp xỉ đạt 40,7 triệu USD. Nguồn tài trợ này sẽ được dành hoạt động khảo sát, rà phá bom mìn; giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn; hỗ trợ nạn nhân bom mìn; tư vấn kỹ thuật, tập huấn… Mới đây nhất, đầu năm 2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa cam kết hỗ trợ tỉnh hơn 1,3 triệu USD để phát triển năng lực Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh (QTMAC) giai đoạn 2022 - 2025.

Từ nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài, học sinh trên địa bàn tỉnh được tham gia các hoạt động giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn - Ảnh: T.L
Từ nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài, học sinh trên địa bàn tỉnh được tham gia các hoạt động giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn - Ảnh: T.L

Từng nhiều năm gắn bó với công tác ngoại vụ trước khi trở thành Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Hoàng Nam hiểu rất rõ những khó khăn trong công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, đặc biệt là vận động viện trợ phi chính phủ. Vào thời điểm COVID-19 diễn biến phức tạp, khó khăn ấy nhân lên gấp đôi. Cũng như ở Việt Nam, đại dịch đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều nước trên thế giới. Trong làn sóng ấy, nhiều nhà tài trợ đã và đang chìm giữa khó khăn. Vì vậy, một số nhà tài trợ phải gác lại dự định, kế hoạch. Trên địa bàn, có dự án đang triển khai đã bị cắt giảm ngân sách, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động.

So với các tỉnh, thành khác trong nước, Quảng Trị còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn thu ngân sách của tỉnh hạn chế. Bà con trên địa bàn, đặc biệt là người khuyết tật, nạn nhân bom mìn, da cam, trẻ em vùng cao… đã và đang đối diện với nhiều nỗi lo toan. Vì vậy, sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, cuộc sống người dân nói riêng. Thời gian qua, từ nguồn vốn viện trợ, nhiều chương trình, dự án đã được triển khai, mang lại hiệu quả cao. Vì thế, chính quyền và người dân địa phương rất mong đợi sự “tiếp sức” từ nguồn viện trợ nước ngoài.

Nhận thức rõ điều đó, ngay khi COVID-19 bùng phát, các cấp, sở, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh, đặc biệt là Sở Ngoại vụ đã xác định phải triển khai việc vận động viện trợ phi chính phủ với phương châm: “Dịch bệnh gây khó khăn gấp đôi thì ta phải nỗ lực gấp ba”. Để duy trì các nguồn viện trợ cũ, lãnh đạo Sở Ngoại vụ chỉ đạo làm tốt hơn nữa công tác quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ. Hiện nay, toàn tỉnh có 34 tổ chức phi chính phủ nước ngoài và 23 tổ chức quốc tế đang hoạt động trên địa bàn ở hầu khắp các lĩnh vực như: Bảo trợ xã hội, biến đổi khí hậu, cấp học bổng, y tế, khắc phục hậu quả chiến tranh…

Phát huy vai trò, vị trí của mình, Sở Ngoại vụ đã tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và tổ chức quốc tế hoạt động. Lãnh đạo sở chủ động ban hành công thư gửi tổ chức đã đăng ký địa bàn nhưng vẫn chưa triển khai hoạt động nào. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý có hiệu quả hoạt động và tuyên truyền, hướng dẫn chủ trương, chính sách, pháp luật đến các tổ chức phi chính phủ.

Với sự nỗ lực vượt bậc, các cấp, sở, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh, đặc biệt là Sở Ngoại vụ đã giải quyết nhanh nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn viện trợ từ nước ngoài. Vừa qua, do các nguyên nhân khách quan, một số dự án đang triển khai bị nhà tài trợ cắt giảm ngân sách hoạt động. Được sự chỉ đạo của cấp trên, Sở Ngoại vụ đã tích cực phối hợp với các tổ chức, dự án liên quan nỗ lực tìm kiếm nguồn viện trợ khác. Lãnh đạo sở cũng sớm đề nghị các dự án tiến hành điều chỉnh cơ cấu ngân sách và nhân sự. Kết quả của sự nỗ lực là dự án QTMAC đã nhận được sự hỗ trợ từ nhà tài trợ mới đến hết năm 2025. Dự án RENEW được bổ sung kinh phí cho hợp phần rà phá. Về phần mình, Tổ chức MAG tìm được nguồn vốn đảm bảo cho các hoạt động dự kiến bị cắt giảm trước đó.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, cùng các sở, ngành, đơn vị, địa phương, Sở Ngoại vụ đã ban hành kế hoạch hằng năm để thực hiện chương trình xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Từ đây, hành lang pháp lý cho công tác vận động viện trợ phi chính phủ sớm được hình thành. Không dừng lại ở đó, Sở Ngoại vụ đã xây dựng được mối quan hệ tốt với các cơ quan đối ngoại trung ương, nhà tài trợ, tổ chức phi chính phủ. Nhờ thế, nhiều nhà tài trợ, tổ chức phi chính phủ đã bắt tay hỗ trợ tỉnh trong các lĩnh vực. Mới đây nhất, thông qua sự hỗ trợ của Ban Điều phối viện trợ Nhân dân - PACCOM, tỉnh đã kết nối hợp tác thành công với tổ chức The Dariu Foundation (Thụy Sĩ). Bước đầu, các đối tác phía tỉnh đã ký kết thỏa thuận khung hợp tác với tổ chức để làm cơ sở cho việc bổ sung Quảng Trị vào địa bàn hoạt động của tổ chức.

Nỗ lực vận động viện trợ phi chính phủ của các cấp, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh, đặc biệt là Sở Ngoại vụ đã mang lại kết quả đáng mừng. Theo Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Triều Thương, năm 2021, trên địa bàn có 103 chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài được triển khai với số vốn giải ngân đạt hơn 20,1 triệu USD. Trong số đó, có 46 chương trình, dự án mới được vận động. So với cùng kỳ năm trước, số dự án viện trợ và tổng giá trị viện trợ mới giảm. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thử thách do COVID-19 gây ra, đây được đánh giá là kết quả đáng mừng. Kết quả ấy đã và đang trở thành động lực thôi thúc các cấp, sở, ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn, đặc biệt là Sở Ngoại vụ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để mở ra những những cánh cửa mới từ nguồn vốn vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Vận động 2.530 tỉ đồng viện trợ không hoàn lại để khắc phục hậu quả bom mìn

Tây Long |

Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Trị, tính riêng 10 năm triển khai chương trình hành động khắc phục hậu quả bom mìn quốc gia, bên cạnh ngân sách nhà nước hỗ trợ, tỉnh Quảng Trị đã xúc tiến, vận động được 109 dự án viện trợ không hoàn lại cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Tổng kinh phí huy động được từ các dự án lên đến hơn 110 triệu USD, tương đương 2.530 tỉ đồng.

Quảng Trị là điểm sáng về thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài

Trúc Phương |

Ngày 13/12, Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 với chủ đề “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương”.

Nhật Bản quyết định viện trợ lô vaccine Covid-19 thứ năm cho Việt Nam

Thanh Mai |

Đây thành quả vận động cấp cao, nỗ lực của tổ công tác chính phủ về ngoại giao vaccine.

Hơn 720.000 liều vaccine do Mỹ viện trợ đã tới Việt Nam

Viên Viên |

Chưa đầy 24 giờ sau tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ, 500.000 liều vaccine Pfizer thuộc lô viện trợ 1 triệu liều đã về tới TP.HCM và 270.000 liều khác tới Hà Nội.