Xác thực hàng chính hãng - giải pháp bảo vệ người tiêu dùng

Như Quỳnh |

QR Code (Quick Response Code), hay còn được biết đến với tên gọi là mã phản hồi nhanh, là một loại mã vạch 2 chiều có thể được quét bằng máy đọc mã vạch hoặc smartphone sử dụng ứng dụng chuyên biệt. Việc sử dụng QR Code ngày càng phổ biến hơn với người tiêu dùng để xác thực hàng chính hãng, giúp bảo vệ người tiêu dùng và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái.


Tạo thói quen quét QR Code

Hiện nay, người tiêu dùng đang dần hình thành thói quen truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm ngày càng dễ dàng, chỉ cần đưa camera của chiếc điện thoại thông minh quét mã QR Code in sẵn trên bao bì sẽ biết được nguồn gốc sản phẩm, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh như Co.opmart, Winmart..., hầu hết thực phẩm tươi sống, nông sản đều được gắn mã QR Code trên bao bì. Mỗi lần đi siêu thị mua hàng hóa, chị Dương Khuyên (ở Phường 5, TP. Đông Hà) đều có thói quen tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm trước khi quyết định chọn mua một món hàng nào đó.

Chị Khuyên cho biết: “Trước đây khi mua hàng, tôi rất khó phân biệt được hàng thật, hàng giả, nhưng nay chỉ cần quét mã vạch trên bao bì sản phẩm thì các thông tin nhận được rất nhanh chóng, đầy đủ như đơn vị cung cấp, nguyên liệu, hạn sử dụng... Hy vọng thời gian tới, việc gắn mã QR Code truy xuất nguồn gốc các sản phẩm sẽ ngày càng phổ biến hơn, nhất là với hàng hóa bán ở chợ, của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ”.

Người tiêu dùng luôn quan tâm đến thông tin nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm thông qua QR Code khi mua sắm tại các siêu thị. Ảnh: P.V
Người tiêu dùng luôn quan tâm đến thông tin nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm thông qua QR Code khi mua sắm tại các siêu thị. Ảnh: P.V

Thời gian gần đây, có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc tạo QR Code cho sản phẩm của mình. Các sản phẩm được dán QR Code thường nhận được sự quan tâm và sự lựa chọn mua của nhiều người tiêu dùng hơn.

Ngoài lý do giá cả và mẫu mã bên ngoài, người tiêu dùng đã quan tâm hơn đến việc xem sản phẩm được sản xuất ở đâu, tiêu chuẩn chất lượng như thế nào, doanh nghiệp nào sản xuất, thông tin về nguyên liệu, quy trình vận chuyển, nhà phân phối và cửa hàng bày bán sản phẩm. Điều này đảm bảo quyền lợi chính đáng của người mua hàng. Ngoài ra, việc công khai và minh bạch về thông tin sản phẩm cũng giúp doanh nghiệp tạo được sự tin tưởng từ phía người tiêu dùng.

Theo ông Đào Ngọc Hoàng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm và hàng hóa không chỉ là một nhu cầu cần thiết đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc công khai và minh bạch các thông tin liên quan đến quá trình sản xuất, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này góp phần tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao vị thế của sản phẩm.

Năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5883/KH-UBND ngày 21/12/2020 về thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức xem xét dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa lên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh và Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Đem lại niềm tin cho người tiêu dùng

Nhằm kết nối tốt hơn giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo cơ hội lớn cho việc ứng dụng các công nghệ số, Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương đã xây dựng và đi vào vận hành hệ thống xác thực hàng chính hãng thông qua hệ thống truy xuất nguồn gốc QRCode trong thương mại điện tử (truyxuat.gov.vn).

Việc triển khai và đi vào vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc được căn cứ theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, với một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ số để xác thực sản phẩm là hàng chính hãng, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị trên môi trường điện tử.

Bằng cách quét mã QRcode trên hệ thống này, khách hàng có thể biết được nguồn gốc của sản phẩm, thông số kỹ thuật và nhiều thông tin quan trọng khác. Hệ thống truyxuat.gov.vn vừa có chức năng xác thực hàng chính hãng, vừa có chức năng chống giả. Công nghệ QRCode động trên hệ thống “truyxuat.gov.vn” được quản lý chặt chẽ, bảo đảm các tiêu chí về bảo mật, giới hạn số lần truy xuất, chống đoán trước.

Ngoài ra, với công nghệ QRCode tĩnh, sản phẩm được giới thiệu và dẫn tới trang web của nhà cung cấp sản phẩm hoặc một trang giới thiệu sản phẩm. Code tĩnh được in kèm để làm chức năng truy xuất nguồn gốc. Theo đó, người tiêu dùng có thể “check” nhiều lần trên code tĩnh này trước khi mua hàng để biết thông tin về nhà sản xuất, thông tin sản phẩm...

Như vậy, việc xây dựng hệ thống xác thực hàng chính hãng thông qua QRCode của Bộ Công thương sẽ giúp kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi, xác minh nguồn gốc của hàng hóa. Đây không chỉ là giải pháp để các doanh nghiệp tạo niềm tin cho khách hàng mà còn giúp bảo vệ uy tín của sản phẩm và doanh nghiệp. Mã QRcode không chỉ giúp người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi mua sắm, mà còn giúp cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng hơn trong công tác chống lại nạn hàng giả, hàng nhái đang diễn ra trên thị trường nhằm tạo nên một môi trường kinh doanh, mua sắm thông minh, an toàn và minh bạch.

Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm giúp khách hàng có cái nhìn toàn diện hơn về sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua sắm. Người tiêu dùng có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó nâng cao niềm tin vào các sản phẩm có gắn tem truy xuất nguồn gốc.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Kích cầu tiêu dùng nội địa đã được nhiều quốc gia triển khai nhằm phục hồi sau đại dịch COVID-19

An Thái |

Lộ trình kích cầu tiêu dùng nội địa đã được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai đặc biệt trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng về đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng

PV |

Tăng trưởng Việt Nam phục hồi tích cực, quý sau cao hơn quý trước: GDP quý 1 tăng 3,32%, quý 2 tăng 4,14% và quý 3 tăng 5,33%. Tính chung 9 tháng, GDP Việt Nam tăng 4,24%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trong khu vực.

Sức tiêu dùng tăng cao dịp năm mới gây áp lực lên lạm phát ở Lào

PV |

Các nhà kinh tế Lào lo ngại rằng sự gia tăng chi tiêu của các hộ gia đình và cơ quan trong dịp Tết năm mới Bun Pimay có thể đẩy giá lương thực lên cao và khiến lạm phát tăng trở lại.

Trồng rau sạch hướng đến sức khỏe người tiêu dùng

Nam Phương |

Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng rau sạch, thực phẩm an toàn của người tiêu dùng, thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất rau sạch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ra đời. Những mô hình này không chỉ đảm bảo cung cấp rau sạch đến bàn ăn của mỗi gia đình, góp phần tạo ra một xã hội khỏe mạnh mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người nông dân.