Trồng rau sạch hướng đến sức khỏe người tiêu dùng

Nam Phương |

Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng rau sạch, thực phẩm an toàn của người tiêu dùng, thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất rau sạch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ra đời. Những mô hình này không chỉ đảm bảo cung cấp rau sạch đến bàn ăn của mỗi gia đình, góp phần tạo ra một xã hội khỏe mạnh mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người nông dân.

Để người tiêu dùng không “ngại” dùng rau “chợ”

Tan tầm, chị Trần Thị Thanh Huyền, hiện đang sống tại TP. Đông Hà, tranh thủ qua siêu thị Vinmart trên đường Hùng Vương để mua thực phẩm, rau củ về làm cơm tối.

Vừa lựa đồ, chị vừa chia sẻ, để đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, bữa cơm nào của gia đình chị cũng phải có món rau. Trước đây, khi chưa có siêu thị, các cửa hàng rau sạch, chị sử dụng rau được bày bán ở chợ. Thế nhưng một lần không may ăn rau xào bị ngộ độc khiến chị sợ cho đến bây giờ. “Dù đã lựa chọn kỹ nhưng lần ngộ độc đó khiến tôi bị ám ảnh, từ đó rất ngại mua rau ở chợ về dùng.

Nhờ trồng rau theo mô hình hữu cơ, các gia đình trong nhóm sản xuất rau an toàn tại thôn Nhật Lệ, xã Cam Thủy, có thu nhập ổn định - Ảnh: T.P
Nhờ trồng rau theo mô hình hữu cơ, các gia đình trong nhóm sản xuất rau an toàn tại thôn Nhật Lệ, xã Cam Thủy, có thu nhập ổn định - Ảnh: T.P
Sau này, khi có siêu thị Vinmart, tôi tin tưởng hơn khi mua các loại rau. Giá cả có thể cao hơn ngoài chợ nhưng chất lượng được đảm bảo”, chị Huyền nói. Tâm lý mua và sử dụng rau sạch của chị Huyền có lẽ là tâm lý chung của nhiều bà nội trợ trên địa bàn. Bởi vì lợi nhuận mà nhiều loại thực phẩm kém chất lượng, rau bẩn vẫn được bày bán tràn lan trên thị trường, điều này khiến người tiêu dùng nảy sinh tâm lý ngại mua rau được bày bán tại chợ.

Không riêng chị Huyền mà ngày nay, phần lớn người tiêu dùng, đặc biệt là các bà nội trợ rất chú trọng đến việc lựa chọn thực phẩm sạch, rau sạch để nấu những bữa ăn ngon, đảm bảo sức khỏe cho gia đình. Nắm bắt được nhu cầu đó, cuối tháng 3/2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, đã thành lập nhóm sản xuất rau an toàn trên địa bàn thôn Nhật Lệ.

Nhóm sản xuất rau sạch có sự tham gia của 11 thành viên. Đây đều là những người đã từng có kinh nghiệm trồng cây rau màu trước đó nhưng chủ yếu trồng theo kiểu truyền thống, tương đối manh mún, nhỏ lẻ.

Mô hình được thành lập với mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc sản xuất rau hữu cơ, đồng thời trang bị kiến thức, kỹ năng trồng, chăm sóc rau sạch để các thành viên có thêm công việc với nguồn thu nhập ổn định, ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Là một trong những thành viên đầu tiên tham gia vào nhóm sản xuất rau an toàn, đến nay, chị Lê Thị Hồng đã có hơn 1 sào đất chuyên trồng các loại rau: muống, cải, dền, mồng tơi, ném lá...

“Trước đây, toàn bộ diện tích đất này không được sử dụng nên cỏ dại mọc um tùm. Từ khi tham gia cùng mọi người trong nhóm, tôi đã biết cách trồng rau luôn tươi xanh mà không cần phải sử dụng đến phân bón hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Các loại rau trong nhóm được bán cho người dân trong vùng hoặc đưa đi tiêu thụ tại các điểm chợ trên địa bàn, được người tiêu dùng tin tưởng ưu tiên chọn lựa.

Mùa nào loại rau nấy, trung bình chúng tôi trồng khoảng 20 ngày đã cho thu hoạch. Từ khi chuyển sang trồng rau sạch, kinh tế của gia đình tôi đã tăng lên so với trước”, chị Hồng nói. Không riêng chị Hồng mà các thành viên khác trong nhóm sản xuất rau an toàn trên địa bàn thôn Nhật Lệ cũng đã được tạo điều kiện để xây dựng vườn rau sạch ngay tại gia đình mình. Tổng diện tích sản xuất rau sạch trên địa bàn thôn hiện đạt khoảng 8,5 ha, tạo việc làm và thu nhập ổn định từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/tháng/người.

Nhân lên những vườn rau an toàn

Rau sạch được nhiều người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn - Ảnh: T.P
Rau sạch được nhiều người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn - Ảnh: T.P
Từ thành công của nhóm sản xuất rau an toàn trên địa bàn thôn Nhật Lệ, vừa qua, Hội LHPN xã Cam Thủy đã ra mắt mô hình sản xuất rau an toàn trên địa bàn thôn Lâm Lang với tổng diện tích 9,5 ha.

Mô hình này có sự tham gia của 15 thành viên. Chủ tịch Hội LHPN xã Cam Thủy Lê Thị Hà cho hay, hiệu quả mà 2 nhóm sản xuất rau an toàn mang lại không chỉ tạo việc làm thường xuyên và nguồn thu ổn định cho các hội viên tham gia mà còn đáp ứng được nhu cầu sử dụng rau sạch của người dân trong và ngoài địa bàn.

“Từ chỗ ít quan tâm trồng rau sạch trong vườn để cải thiện bữa ăn, đến nay, việc trồng rau sạch đã trở thành thói quen của chị em. Những hộ có nhiều đất thì trồng rau bán quanh năm, hộ đất ít cũng trồng rau đủ ăn trong gia đình, vừa tiết kiệm chi tiêu, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thời gian tới, để sản phẩm rau an toàn được tiêu thụ rộng rãi, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất rau an toàn; lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh nâng cao năng lực quản lý và điều hành tổ, quy trình sản xuất rau an toàn, sản xuất theo chuỗi giá trị, kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại rau màu, một số loại rau mới. Đồng thời sẽ tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm xây dựng thương hiệu rau an toàn, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về thực phẩm sạch”, chị Hà chia sẻ.

Cũng với mục đích cung cấp sản phẩm rau sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều năm qua, chị Trương Thị Ly A, hiện đang sống tại Phường 5, TP. Đông Hà, đã nghiên cứu và sản xuất các loại rau mầm sạch như: lúa mạch, cải trắng, đậu đen, đậu đỏ, giá đỗ và nấm sò.

Chia sẻ với chúng tôi, chị A cho hay: “Rau mầm dễ trồng và tốt cho sức khỏe vì chứa nhiều vitamin, axit amin và khoáng chất, có tác dụng chữa bệnh, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, làm giảm cholesterol trong máu, làm chậm quá trình lão hóa, phòng ngừa bệnh tim mạch, tốt cho bệnh tiểu đường…

Những tác dụng này ai cũng biết nhưng loại rau này chỉ thực sự mang lại giá trị dinh dưỡng khi trồng theo hướng hữu cơ, canh tác an toàn. Vì vậy, tôi muốn xây dựng mô hình trồng rau mầm sạch để cung cấp cho thị trường, người tiêu dùng nguồn thực phẩm chất lượng nhất”. Với phương châm “Uy tín đi đôi với chất lượng”, kể từ khi bắt đầu khởi nghiệp, chị Ly A đã đặt ra nguyên tắc “5 KHÔNG”, bao gồm: không dùng đất mà dùng xơ dừa để trồng; không dùng nước nhiễm bẩn; không dùng hạt giống biến đổi gen; không dùng chất kích thích tăng trưởng; không dùng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

Do đó, rau mầm do cơ sở Đức Tín của chị Ly A sản xuất luôn đảm bảo được độ sạch, an toàn. Mô hình nhà rau tuy nhỏ nhưng đa dạng các loại với giá cả phải chăng, được nhiều khách hàng yêu thích, chọn lựa thường xuyên. Trung bình mỗi tháng, công việc này mang lại cho chị nguồn thu nhập ổn định trên 7 triệu đồng.

Mô hình rau mầm sạch của chị Ly A luôn đặt sức khỏe của người tiêu dùng lên hàng đầu - Ảnh: T.P
Mô hình rau mầm sạch của chị Ly A luôn đặt sức khỏe của người tiêu dùng lên hàng đầu - Ảnh: T.P
Chị Nguyễn Thị Lý, hiện đang sống tại TP. Đông Hà, một trong những khách hàng thường xuyên của cơ sở Đức Tín cho biết: “Rau là một món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của gia đình tôi. Trước đây mỗi lần đi chợ, tôi phải đắn đo, lựa chọn rau rất kỹ mới dám mua vì sợ thuốc trừ sâu. Nhưng từ khi biết và sử dụng rau mầm do chị Ly A sản xuất, tôi cảm thấy rất yên tâm về nguồn gốc, chất lượng”.

Tuy nhiên, làm thế nào để rau sạch do người dân sản xuất được đại đa số người tiêu dùng tin tưởng đón nhận vẫn là vấn đề mà nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm. Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Thanh Hà cho hay: “Những năm qua, để khuyến khích hội viên phụ nữ nói riêng và người dân trên địa bàn toàn tỉnh nói chung trồng rau sạch, Hội LHPN các cấp thường xuyên tuyên truyền, tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật sản xuất rau theo hướng hữu cơ cho hội viên.

Đặc biệt, để tránh tình trạng bán rau sạch được bày bán nhỏ lẻ, lẫn lộn với rau bẩn tại các chợ, hội đã kết nối, giới thiệu các sản phẩm rau sạch của các nhóm, tổ hợp tác do hội viên phụ nữ làm chủ đến với khách hàng lớn như siêu thị Coop.mart, Khách sạn Công đoàn hay Nhà hàng Cơm niêu Yên Loan...

Sự kết nối đó giúp rau sạch do chị em canh tác được tiếp cận với các thị trường lớn và đông đảo người tiêu dùng”. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cũng cho biết thêm, thời gian tới, hội sẽ tiếp tục kết nối trong khâu tiêu thụ rau sạch, giúp các mô hình sản xuất rau an toàn được nhân rộng trên địa bàn tỉnh để góp phần đảm bảo sức khỏe cho mỗi cá nhân, gia đình, xã hội, đồng thời hướng tới một nền sản xuất sạch và bền vững.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Thu nhập khá từ trồng rau sạch

Kăn Sương |

“Được địa phương quan tâm tạo điều kiện tham gia lớp học nghề về kỹ thuật trồng trọt, tôi đã đầu tư làm đất để sản xuất rau sạch với các loại giống chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng. Nhờ thời tiết, chất đất phù hợp, bình quân mỗi năm tôi sản xuất 2 vụ, sau khi trừ chi phí lãi gần 100 triệu đồng”, chị Trần Thị Búp ở thôn Tân Linh, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) vui vẻ cho biết về hiệu quả của mô hình rau sạch được mình trồng khá bài bản trên vùng đất khó này.

Chuyên gia lên tiếng khuyến cáo người dân các biện pháp bảo vệ sức khỏe khi trời liên tục nồm ẩm

Thanh Mai |

Người dân hạn chế đi ra ngoài nhất là người già và trẻ em, cần thường xuyên theo dõi về chất lượng không khí.

Cách chọn măng khô không hóa chất, an toàn cho sức khỏe

Tô Hội |

Măng khô là món ăn phổ biến của ngày Tết vì rất giàu chất xơ, tốt cho tiêu hóa. Nhưng ăn phải măng khô chứa lưu huỳnh hay hóa chất bảo quản lại rất nguy hại cho sức khỏe.

Việt Nam rất hiếm rau sạch!

Thanh Mai |

Các chuyên gia cũng cho rằng việc phân biệt và chọn được mớ rau sạch là điều không dễ dàng.