Hiện nay, trên 3 tuyến xe buýt do Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hoàn Mỹ vận hành, khai thác tại Quảng Trị có 277 điểm dừng đón trả khách, tuy nhiên chỉ mới đầu tư xây dựng được 5 nhà chờ phục vụ hành khách. Những điểm dừng còn lại chưa có nhà chờ gây khó khăn cho hành khách, đặc biệt là trong các ngày mưa và nắng nóng.
Phó Giám đốc Ban Quản lý, bảo trì giao thông (QLBTGT) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, 3 tuyến xe buýt do Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hoàn Mỹ vận hành, khai thác là Đông Hà - Vĩnh Chấp; Đông Hà - Hải Lăng; Cùa - Đông Hà - Cửa Tùng. Việc đưa các tuyến xe buýt vào khai thác giúp người dân thuận tiện trong việc di chuyển, tiết kiệm chi phí, nâng cao an toàn giao thông, hạn chế các tác động của thời tiết, góp phần hoàn thiện, tăng cường tính kết nối của toàn mạng lưới vận chuyển xe buýt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Từ đó, giảm bớt áp lực phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, chi phí xã hội, xây dựng văn minh giao thông đô thị.
Nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại bằng xe buýt của người dân, cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông, năm 2020 Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Trị dự kiến đầu tư xây dựng thêm 13 nhà chờ xe buýt tại các vị trí có lưu lượng khách cao từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế và xã hội hóa theo Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật số 589/QĐ-SGTVT ngày 13/3/2020 với tổng mức đầu tư gần 540 triệu đồng (bình quân 42 triệu đồng/nhà chờ).
Mới đây, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đã áp dụng bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát để đánh giá thực trạng về mức độ tiếp cận giao thông tại tỉnh Quảng Trị cho thấy, hiện có rất nhiều điểm cần cải thiện như nhà chờ xe buýt, vỉa hè công cộng, các điểm dừng đỗ xe… Để tăng cường khả năng tiếp cận giao thông đối với các công trình công cộng cho tất cả mọi người, trong đó có người khuyết tật và các đối tượng yếu thế trong xã hội tại tỉnh Quảng Trị, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng đã tài trợ cho tỉnh Quảng Trị thực hiện 3 nhà chờ xe buýt trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là xây dựng 1 nhà chờ mới tại vị trí trước trụ sở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (Quốc lộ 9, thành phố Đông Hà); cải tạo 1 nhà chờ trước cổng Bệnh viên Đa khoa tỉnh và 1 nhà chờ tại công viên Lê Duẩn đối diện chợ Đông Hà theo đúng tiêu chuẩn giao thông tiếp cận phổ quát thông qua Ban QLBTGT - Sở GTVT Quảng Trị.
Theo đó, nhà chờ xe buýt được xây mới có diện tích hơn 11m2 , mái bằng tôn vươn ra hơn 2 m, nền lát gạch, ghế ngồi chờ bằng ống inox, bảng chỉ dẫn lộ trình xe buýt. Còn với các nhà chờ được cải tạo thì kéo dài phần nhà chờ từ 4m lên 6,5m; thay thế mái che cũ rộng 1,85 m bằng mái che rộng 2,35 m; đổ bê tông, lát gạch nền; cải tạo lại vỉa hè với lối lên xuống nhằm phục vụ cho người khuyết tật được tiếp cận hệ thống xe buýt.
Việc xây dựng các nhà chờ xe buýt này theo tiêu chí tiếp cận phổ quát về mức độ tiếp cận giao thông đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, thẩm mỹ cũng như yếu tố tiếp cận cho mọi người. Các nhà chờ, ngoài chức năng là đầu mối đón nhận hành khách, bảo đảm an toàn vận hành cho xe buýt, xây dựng hình ảnh các điểm dừng, nhà chờ, thì còn góp phần tích cực trong quảng bá, giới thiệu xe buýt thân thiện, kết nối thuận tiện, an toàn với hành khách.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, các nhà chờ này là mô hình đầu tiên tại Quảng Trị, sắp đến Sở GTVT tiếp tục nhân rộng trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ người khuyết tật được tiếp cận dịch vụ giao thông thuận lợi hơn. Việc thực hiện mô hình nhà chờ xe buýt tiếp cận phổ quát này cũng góp phần cho tỉnh Quảng Trị thực hiện theo Quyết định số 753/ QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 1/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật.
Giám đốc Sở GTVT Trần Hữu Hùng cho biết, việc xây dựng nhà chờ xe buýt nhằm đảm bảo công tác chuẩn bị tốt cho khâu đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông; đảm bảo tính đồng bộ cho quy hoạch lâu dài các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh; tăng cường cơ sở vật chất cho đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo nếp sống văn minh, đóng góp cải tạo bộ mặt kiến trúc đô thị, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Bên cạnh đó hằng năm Quảng Trị đón hàng trăm ngàn lượt du khách, cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa. Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn cũng như đảm bảo khả năng tiếp cận giao thông đối với các công trình công cộng hỗ trợ người khuyết tật và các đối tượng yếu thế trong xã hội, sở mong muốn các cơ quan, đơn vị quan tâm, đầu tư thêm các kết cấu hạ tầng và phương tiện giao thông để người dân có thêm điều kiện thuận lợi khi tham gia giao thông.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)