Xây dựng và nhân rộng các mô hình nông sản sạch

Bá Thuần |

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã triển khai các nhóm giải pháp thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp và bước đầu đạt được những kết quả phấn khởi. Trong đó đáng chú ý là đã xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết, tạo ra sản phẩm sạch, mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Ông Trần Kim Phúng ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) cho hay: Trước đây, gia đình tôi trồng cam theo phương thức truyền thống, năng suất thấp và vườn thường bị nhiễm các loại sâu bệnh gây hại nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Từ năm 2018, được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, sau khi được tập huấn kỹ thuật, tôi đã chuyển 2,5 ha trồng theo hướng hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng, thuốc trừ cỏ. Cùng với sử dụng phân bón Ong biển, tôi mua cá ủ lên men làm phân hữu cơ cộng với ủ phân chuồng bón cho cây và sử dụng chế phẩm sinh học làm từ ớt, gừng, tỏi phòng trừ sâu bệnh. Nhờ đó, cam vườn tôi vừa cho sản lượng cao khoảng 40 tấn/ha, lại vừa bán được giá, bình quân 20 đến 25.000 đồng/ kg, đặc biệt tiêu thụ nhanh, sau khi trừ chi phí mỗi ha lãi 200- 250 ngàn đồng.

Các sản phẩm nông sản sạch sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên -Ảnh: LÊ AN​
Các sản phẩm nông sản sạch sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên -Ảnh: LÊ AN​

Còn ông Phan Văn Trung ở xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh không giấu được niềm vui kể cho chúng tôi nghe rằng: Sau khi cán bộ kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp huyện về hướng dẫn các biện pháp thâm canh trồng cây mướp đắng, để tạo ra sản phẩm sạch, tôi cùng với 40 hộ trong thôn Lại An làm nhà lưới, sử dụng chế phẩm sinh học, ủ phân chuồng làm phân bón, dùng tỏi, rượu và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học phòng trừ côn trùng và các loại sâu bệnh. Đặc biệt, nắm vững quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, lên luống, chăm sóc, thu hoạch, phân loại quả, tiêu thụ, chọn quả làm giống cho vụ sau nên giá trị kinh tế mang lại không chỉ cho năng suất cao, thu nhập lớn hơn nhiều so với trước đây mà quan trọng hơn là tạo ra sản phẩm sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Không chỉ chuyển đổi các loại cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ, mấy năm trở lại đây, nhiều nơi ở tỉnh Quảng Trị đã chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại gắn với an toàn sinh học, đặc biệt nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có chất lượng. Ông Lê Xuân Lộc, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Lăng cho biết: Nghề nuôi tôm ở xã Triệu Lăng phát triển mạnh từ năm 2010 cho đến năm 2015, năm 2016 bị sự cố môi trường biển phải gián đoạn. Từ năm 2017, người dân khôi phục và mở rộng diện tích lên trên 60 ha, trong 3 năm qua, sản lượng thu hoạch hơn 650 tấn, giá trị thu nhập sau khi trừ chi phí hơn 30 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho trên 300 lao động địa phương. Đáng chú ý là năm 2018, xã đã triển khai thành công dự án ương, nuôi tôm 2 giai đoạn sử dụng chế phẩm sinh học đã hạn chế thấp nhất rủi ro và nâng cao sản lượng lên 40 tấn/ha/vụ, cao gấp 2 lần so với cách nuôi truyền thống. Từ hiệu quả đó, đến nay xã đã nhân rộng được 5 mô hình trên địa bàn và đã khẳng định sự thành công của mô hình này.

Ở tỉnh Quảng Trị, trong những năm gần đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thực hiện các chính sách ưu đãi theo các nghị quyết của HĐND tỉnh, ưu tiên hỗ trợ và mở các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cho các HTX và người dân thay đổi tư duy sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình tạo ra nông sản sạch. Đặc biệt, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Cho đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã xây dựng vùng cam sạch chuyên canh 20 ha, mở rộng diện tích lúa hữu cơ 2 vụ hơn 405 ha, hồ tiêu 170 ha, cây dược liệu 60 ha, cà phê 19 ha, thanh long 15 ha, chanh leo 80 ha. Đồng thời, từng bước xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, các mô hình này đã mang lại hiệu quả trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường, đem lại thu nhập cao cho người dân.

Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, một trong những giải pháp quan trọng được ngành quan tâm đó là đã chuyển đổi hình thức sản xuất từ số lượng sang chất lượng, sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, các mô hình đang có quy mô nhỏ, một số dự án liên kết với doanh nghiệp trong thực tế đang gặp không ít khó khăn. Song xác định đây là hướng đi tất yếu, phù hợp, trong những năm tới, ngành sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp. Trước hết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho đội ngũ cán bộ của các cấp chính quyền, hợp tác xã và bà con nông dân hiểu rõ, nắm chắc về vấn đề sản xuất hữu cơ. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, đề nghị bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ và khuyến khích thực hiện sản xuất theo phương pháp này, tăng cường cán bộ kỹ thuật về tận cơ sở để cùng địa phương hướng dẫn quy trình sản xuất, hỗ trợ kinh phí tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nhân rộng các mô hình đã khẳng định có hiệu quả trong những năm qua cũng như xây dựng thêm một số mô hình cây trồng, vật nuôi mới. Mặt khác, tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi, thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và cả nước ngoài đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, chú trọng hơn nữa việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, kết nối cung cầu, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Truyền thông Thái Lan ấn tượng với chiến lược gạo của Việt Nam

Ngọc Quang |

Bài viết đăng trên tờ Bangkok Post cho rằng Việt Nam đang ở vị thế tốt để tận dụng những cơ hội này và đây là kết quả tích cực có được nhờ luôn nỗ lực cải thiện chất lượng và chủng loại gạo.

Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trong năm 2021

PV |

Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, nước này đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trong năm 2021, cao hơn 5% so với năm 2020.

Thái Lan dự báo triển vọng xuất khẩu gạo vẫn ảm đạm trong năm 2021

Ngọc Quang |

Xuất khẩu gạo của Thái Lan trong năm 2021 vẫn ảm đạm với mức tốt nhất chỉ là 6,5 triệu tấn, tăng nhẹ so với mức ước tính 5,8 triệu tấn với giá trị từ 110-120 tỷ baht (3,65-3,98 tỷ USD) trong năm 2020.

Gạo - mũi nhọn của ngành nông nghiệp năm 2021

Nguyễn Văn Lợi |

Dự báo năm 2021, xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục chiếm ngôi vị số 1 thế giới, giá gạo Việt Nam tiếp tục ổn định ở mức cao.