Trong bốn mùa của năm, mùa xuân có lẽ được thi ca ưu ái hơn cả. Xuân chính là nguồn cảm hứng bất tận cho các thi sĩ. Thơ xuân đã trở thành dòng chảy với nhiều cung bậc cảm xúc, phong phú cả về hình thức lẫn nội dung biểu đạt. Trong không khí ngập tràn sắc xuân, phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc chuyện trò với hai nhà thơ: NGUYỄN HỮU QUÝ và VÕ VĂN LUYẾN để cùng lắng nghe xuân về trên những vần thơ.
- Theo vòng quay thời gian, mỗi năm có bốn mùa với những nét rất riêng. Vậy nhưng, mùa xuân lại trở thành nguồn cảm hứng bất tận. Theo nhà thơ, tại sao lại có sự “ưu ái” ấy?
- Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Với thi ca, bốn mùa đều có thể trở thành nguồn cảm hứng của sáng tạo. Và hình như mùa nào cũng có những thi phẩm nối tiếng. Trời phú cho thi sĩ trái tim nhạy cảm, rất dễ ngân rung theo sự chuyển đổi của mùa. Tuy vậy, với mùa xuân thì sự ưu ái của thi nhân dường như nhiều hơn cả. Cũng đúng thôi, mùa xuân khởi đầu cho một năm, sau những giá lạnh hiu hắt, rét buốt, vạn vật và con người bước vào một không gian mới ấm áp, bừng sáng, tươi đẹp hơn. Tất cả như đang được làm mới, được sinh sôi trong những dung dưỡng nhiều yêu thương và hy vọng. Con người sống giữa trời đất bắt nhịp được vào tiết điệu, hương sắc của thiên nhiên. Vậy nên, không có gì lạ khi các thi nhân, nhạc sĩ phải lòng nàng xuân. Mùa xuân vừa là nguồn hứng cảm vừa là chất liệu trữ tình cho những thi phẩm ra đời.
- Nhà thơ Võ Văn Luyến: Với tôi, mùa xuân chính là mùa của tình yêu. Trong mùa xuân, tất cả trở nên mầu nhiệm, biến ảo lạ lùng: Có tiếng chim hót ở trong lồng ngực; có nét đào đậu giữa môi ngoan; có nét mai màu áo dịu dàng... Người và hoa, xuân sắc chảy tràn đường quê, ngõ phố. Cây cối tự nhiên và con người bừng lên sức sống mới. Vũ điệu bất tử ấy dệt gấm, thêu hoa cứ như tinh anh kết tụ, nên mầm nên nụ. Đi giữa đường xuân, đi giữa dựng xây. Đây đó mọc lên những căn nhà khang trang, xinh xắn, rất đỗi diệu kỳ mà cũng lắm gian nan. Quên đi bận rộn, lòng bình tâm lắng lại đôi chút, ta sẽ nghe từ những tổ ấm ríu ran hạnh phúc. Mùa xuân, mùa giao cảm con người với tạo vật. Mùa không của riêng ai. Thế nên, người làm thơ chỉ làm cái việc phô diễn những rung cảm khó cầm lòng được ấy bằng những con chữ đặt lên trang giấy.
- Dấu ấn, hơi thở mùa xuân được thể hiện đầy cảm hứng như thế nào trong thơ ca Việt Nam hiện đại, thưa hai nhà thơ?
- Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Tôi nghĩ, thơ ca là nơi lưu giữ tâm hồn dân tộc lâu bền nhất. Dân tộc Việt, trong đó có các thi nhân, tâm hồn luôn hướng đẹp nên đã có những sáng tác hay về mùa xuân. Với các nhà thơ Việt Nam hiện đại, thơ viết về mùa xuân thường gắn với nỗi lòng hay những tâm sự của mình trong dòng chảy cuộc sống được chiếu xạ bởi bấy nhiêu thăng trầm lịch sử. Những nhà thơ nổi tiếng trước năm 1945 thường mượn xuân để diễn tả cái ý nhị của yêu đương hay nỗi buồn nhân thế. Tôi nhớ một Nguyễn Bính chân quê bị nàng xuân hút hồn đắm đuối: “Chiều xuân lưu luyến không đành hết/ Lơ lửng mùi sương phảng phất mưa…”; yêu một Huy Cận mượt mọng cùng trăng xuân: “Sông là người đẹp khỏa thân/ Áo đêm xuân khéo mượt mà dải tơ…”; mê một Xuân Diệu si cuồng nồng nã: “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần/ Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa…”; lắng một Chế Lan Viên thấy mình như vô nghĩa trước đời buồn nhưng vẫn thảng thốt khi xuân về: “Ai biết hồn tôi si mộng ảo/ Ý thu góp lại cản tình xuân” và thật thiếu sót lớn nếu không nêu danh Hàn Mặc Tử đã dâng cho muôn đời một “Mùa xuân chín” trữ tình bất hủ, một Vũ Đình Liên đầy tâm cảm trong hồn dáng một “Ông đồ” yếu thế; một Đoàn Văn Cừ lưu lại cho hậu thế một “Chợ tết” đầy màu sắc thôn dã Việt xưa…
Dòng thơ xuân chảy dọc hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc cũng lấp lánh những tên tuổi sáng giá như: Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Chính Hữu, Chế Lan Viên, Thanh Hải… Thơ xuân thời điểm này thường mang âm hưởng sử thi, anh hùng ca nâng bước những đoàn quân ra trận. Thơ ngợi ca Tổ quốc anh hùng, khắc họa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ dũng cảm, lạc quan. Trong thơ kháng chiến, có những mùa xuân ra trận phơi phới. Một hiện tượng thi ca không thể bỏ qua là những bài thơ chúc Tết của Bác Hồ và những bài thơ xuân của Tố Hữu. Tôi vẫn chưa quên những đêm giao thừa hồi hộp đón chờ Bác đọc thơ trên Đài Tiếng nói Việt Nam hay tìm đọc những bài thơ xuân của Tố Hữu trên báo. Sau này, công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng xuất hiện nhiều bài thơ về mùa xuân đất nước, trong đó có biên giới và biển đảo.
- Nhà thơ Võ Văn Luyến: Xin được phép mạn đàm đôi chút về những vần thơ mang hơi thở mùa xuân đi vào trí nhớ của những cây bút quen thuộc với Quảng Trị. Ngày xuân nhấp chén trà thơm, đốt nén nhang cung kính thắp lên bàn thờ tổ tiên ông bà, lòng khấn nguyện năm mới “thần vui gõ cửa”, nhân yên vật lợi, quốc thái dân an. Những câu thơ như cánh én từ xa xôi bay về, chao liệng giữa “đồng xanh tâm hồn” dậy tràn yêu thương và khát vọng. Trước khi có ngày hôm nay, quê hương, đất nước ta có một thời trời xuân u ám, môi hoa sầu héo tâm can: “Tôi có chờ đâu, có đợi đâu/ Đem chi xuân đến gợi thêm sầu” (Chế Lan Viên). Đất nước ngừng tiếng súng, phút giây xao xuyến gồng gánh nhau về dựng lại quê hương sau hoang tàn đổ nát, đã nghe tiếng chim hót làm ấm bầu trời, đã nghe cây lúa dậy thì con gái, đã nghe bát ngát say nồng sắc quê lan tỏa: “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trời sông núi có chia đâu” (Tế Hanh). Theo vòng tuần hoàn của trời đất, vòng luân hoán của kiếp người. Sự sống vẫn không ngừng tiếp diễn, trái tim vẫn hồi hộp xao xuyến đón xuân như thuở yêu đầu: “Mùa xuân lên đồi cỏ thơm/ Mùa hạ nhìn trời mây khói/ Mây tím chân cầu tím núi/ Đông xa ngày trắng mưa dầm/ Nhìn trời ngẩn ngơ anh nói/ Mới thôi mà đã một năm” (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Nhưng theo quan niệm Tây phương, con người mới là trung tâm của vũ trụ. Trung tâm của trung tâm ấy không ai khác những bóng hồng làm nên sắc xuân lung linh ảo diệu và dựng dậy bao nhiêu thương mến ngập tràn: “Có buổi chiều nào như chiều qua/ Lòng tràn đầy thương mến/ Mang cả xuân thì em đến/ Thắm nồng như một bông hoa” (HPNT). Mùa xuân diệu kỳ đến thế nên dễ hiểu vì sao nhà thơ tài hoa mang họ Hồ của núi rừng Quảng Trị đã “quyết liệt”: “Người ta đi hái lộc xuân/ Còn tôi đi xóa lỗi lầm mùa đông”.
Mùa xuân trong thơ của những cây bút Quảng Trị kể cả những nhà thơ trong nước lấy cảm hứng từ mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này thật đa sắc, đa thanh. Từ xuân Quảng Trị, người đọc thấy xuân đất nước, xuân dân tộc. Bởi, Quảng Trị hội đủ những đau thương mất mát, hội đủ những ký thác lương tâm thời đại, những hy sinh lẫm liệt, những bất khuất ngoan cường, những khát vọng của độc lập tự do và hạnh phúc. Những tên tuổi như: Chế Lan Viên, Dương Tường, Vĩnh Mai, Thanh Tịnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường… tự thân họ không chỉ góp phần mang mùa xuân về cho thơ mà còn có cả những cống hiến mùa xuân cuộc đời.
- Được biết, bản thân nhà thơ cũng có nhiều sáng tác về mùa xuân, rất mong nhà thơ chia sẻ với độc giả Báo Quảng Trị?
- Nhà thơ Võ Văn Luyến: Với tôi, thơ xuân luôn là cảm hứng mỗi khi Tết đến Xuân về. Tôi có một chùm thơ xuân với nhiều tác phẩm như: “Chớm xuân”, “Khi xuân ra đời”, “Mẹ ơi! Xuân đến rồi kìa”, “Ngẫu đề”, “Chim, đất và mùa xuân”, “Mùa xuân về cưới”, “Cầm tuổi vào mùa”, “Con cà con cuống”, “Nhớ rét ngọt”, “Tóc mai xuống phố”… Tôi xin mang đến một chút không khí xuân qua bài “Chớm xuân”: “Châm chấm nụ. Nẻo mùa lên ngọn tóc. Gió/ Cõng ngày đi biệt dấu. Ngõ rêu chờ/ Mẹ lụm cụm thổi khuya vào hương lửa/ Mắt đèn chong sương khói lẫn. Xa mưa...”. Hay trong bài thơ “Tóc mai xuống phố”: “Chừng như mùa xuân rất gần/ Gần như thơ dại, gần như ngày chớm/ Gần như huy hoàng, gần như tuổi bướm/ Vẽ đường bay chập chờn/ Gió hát màu mạ non/ Cánh đồng cong tầm lá vẫy/ Mắt ướt loang sương/ Chân mày trầm ngãi/ Em xa/ Cò trắng ngẩn ngơ áo nõn hai tà/ Váng phèn gót mưa nhớ vừa thất bát/ Trúc xinh một mình ca dao bay mất/ Cau ngõ đứng chờ/ Tóc mai xuống phố!”
- Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Hơi lạ một chút là dù cũng rất yêu mùa xuân nhưng trong sáng tác tôi thường hơi nghiêng về mùa thu và mùa đông. Cái man mác mùa thu hay hanh hao mùa đông làm tôi xao xác hơn hay sao đấy. Tuy vậy tôi cùng có những bài thơ xuân được bạn đọc ít nhiều chú ý, đơn cử như: “Tháng Giêng” và “Mùa xuân Trường Sa”. Bài “Tháng Giêng” có những câu tôi thích: “Tháng Giêng tôi nhớ dịu dàng/ Sầu đông chưa tím, nắng vàng đang non/ Tháng Giêng rét mướt vẫn còn/ Còn ai đan áo mắt mòn chân mây/ Tháng Giêng mưa lẫn vào cây/ Cây thơm vào tóc, tóc bay vào mùa/ Hội làng kẻ đón, người đưa/ Dịu dàng tôi đợi sao chưa thấy về”. Bài “Mùa xuân Trường Sa” tặng những người lính trẻ đang làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo Tổ quốc: “Đảo, đảo mọc thành chùm/ Lính làm hoa cho bể / Mùa xuân Trường Sa trẻ/ Như binh nhất, binh nhì… hay Sóng, sóng dội bốn bề/ Đảo chìm và đảo nổi/ Thương nhau thì em nhé/ Cưỡi sóng tìm nhau thôi…”. Một niềm vui nho nhỏ đối với tôi là bài “Tháng Giêng” từng được ngâm, được hát theo các làn điệu dân ca trên Đài Tiếng nói Việt Nam, còn bài “Mùa xuân Trường Sa” được các nhạc sĩ Vũ Hùng, Trần Thị Tuyết, Quỳnh Hợp phổ nhạc.
- Từ góc độ của người sáng tác, theo nhà thơ, phải làm như thế nào để có thêm nhiều mùa xuân về cả nghĩa đen, nghĩa bóng trong thi ca Quảng Trị?
- Nhà thơ Võ Văn Luyến: Tôi nghĩ để có thêm “nhiều mùa xuân” chắc chắn phải có sự hô ứng, đồng lòng của nhiều người, cộng với “cơ chế” mở đường, tạo điều kiện cho vườn thơ xuân Quảng Trị có được hoa thơm trái ngọt. Nhưng nói gì thì nói, người thơ phải biết tự nâng mình lên, bằng vốn sống và vốn tri thức, chứ không thể “ăn thịt mình” . Đấy là kiểu ngồi ăn núi lở và không đi xa được. Thơ đại chúng mạnh hơn thơ tinh hoa. Và cách hiểu thơ đại chúng cũng bị lệch lạc, hạ thấp tiêu chí nghệ thuật vốn là yêu cầu không thể bỏ qua của văn chương đích thực. Về khách quan, cần có những cú hích thường xuyên, liên tục từ Hội VHNT, từ các cơ quan báo, đài, tạp chí, từ các cấp, ban, ngành hữu quan và cần xây dựng nền tảng văn hóa từ cơ sở, tạo sự tương tác hai phía để thúc đẩy phong trào và từng bước nâng cao tầm đón nhận từ người thưởng thức. Sáng tác, quảng bá đi đôi với các hoạt động phê bình trao đổi mới làm cho thi ca Quảng Trị đổi mới và phát triển được.
- Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Quảng Trị là vùng đất yêu thương. Qua chiến tranh, giông bão con người vùng đất này càng nhân hậu, lạc quan, trọng tình, trọng nghĩa, trọng tài. Trong cảm nhận của tôi về Quảng Trị là như thế. Mùa xuân Quảng Trị mang trong nó nhiều yêu thương, sự biết ơn và hy vọng. Đó cũng là những tốt đẹp ta nên và cần hướng tới trong tâm thức và hành động của cuộc sống đời thường và sáng tạo thi ca. Tôi từng nghĩ, trước khi viết hãy sống đẹp, sống cho mình và cho nhiều người. Những bài thơ đẹp và hay về mùa xuân không thể khởi nguồn từ dã tâm tăm tối, thù hận. Những thi phẩm ấy chỉ được cất cánh từ cái tâm sáng như sự tử tế của một con người đích thực như Nguyễn Du từng đúc kết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
- Xin cảm ơn hai nhà thơ!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)