Trần Bình - Một hồn thơ Quảng Trị

Phạm Xuân Dũng |

  (Nhân đọc tập thơ "Những cảm xúc gọi tên" của Trần Bình)

Trần Bình vốn vậy. Anh sống vui vẻ, trải lòng, có vẻ như không mấy vướng bận những chuyện tuế toái đời thường. 

Anh viết cũng vậy, thấy rung động là cầm bút làm thơ ghi lại những cảm xúc và trải nghiệm của mình, những ấn tượng nhiều khi tươi rói và tràn đầy thi hứng. Anh làm thơ mà không mấy bận tâm mình có phải là nhà thơ hay không. Tôi thích điểm này của Trần Bình, một hồn thơ dân dã. Và cũng từ góc nhìn này có lẽ nhiều người đã nhận ra đây chính điểm mạnh và đồng thời nó cũng bộc lộ  những hạn chế của nhà thơ Trần Bình. Đó là hai mặt của một vấn đề trong con người sáng tác của thi sĩ Trần Bình.

Đây là tập thơ thứ ba của anh. Anh  tâm sự có thể đây là tập thơ "tổng kết" của mình. Tôi thì không nghĩ vậy. Một người trải qua bạo bệnh như anh vẫn sáng tác thì có nghĩa là không bao giờ xa được Nàng Thơ trừ phi cô ấy lạnh nhạt với Trần Bình. Nên tôi trộm nghĩ anh sẽ còn nặng nợ với Nàng Thơ.

 

Khi anh viết về những điều sâu nặng nhất của quê nhà thì Trần Bình có những vần thơ xúc động tâm can, được nhiều người đọc nhớ đến như những bài: "Cò ơi, thao thiết", "Không ngẫu nhiên bạn chọn nơi chốn trở về"... Có những câu thơ vẻ ngoài mộc mạc nhưng khi đọc lên thì gõ mạnh vào tri giác con người, cảm hoài về một niềm quê chao chạnh: “Khát những tiệc tùng phố xá/ Gồng mình che giấu nét quê" (Cò ơi, thao thiết). 

 

Anh là người con rứt ruột của làng quê. Nên chi "Giếng cổ Gio An" phảng phất chất ca dao của một thi nhân biết tạ ơn làng:

Sóng sánh một triền nước trong

Tóc em nghiêng xõa bên dòng thanh tao

Người ơi Giếng tự thuở nào

Mà xanh mát rượi, mà xao xuyến tình...

Ngàn năm Giếng Trạng, Giếng Kình

Giếng Son, giếng Gái… cho mình đợi nhau

Trải bao hiểm hoặc cơ cầu

Chiến tranh đạn lửa trơ màu đá gan

Còn đây giếng cổ Gio An,

Ngọt trong nguồn cội ngàn năm vẫn đầy...!

Nhiều lúc nhà thơ đã có cách ngắt nhịp để mong mỏi làm mới thơ mình cũng từ nguyên thủy ca dao, đó là một ý thức tìm tòi trong lao động nghệ thuật nghiêm túc bởi chưng lục bát là một thử thách không nhỏ đối với người sáng tác:

Chỉ là đá

với thời gian

Lối đi mòn vẹt

vết chân con người

Qua bao vật đổi sao dời

Còn đây dấu tích từ thời cổ nhân

Chỉ là đá với thời gian

Con đường

Lát những nhọc nhằn xa xưa

Trơ gan với nắng cùng mưa

Cho ta có Giếng bây giờ:

Gio An

Chỉ là đá

với thời gian

Chắn che giọt nước Ba zan

ngọt ngào

Làm nên Giếng

tuổi ngàn năm

Làm nên

đồng bãi, xóm làng, quê hương.

Chỉ còn đá

với thời gian

Cho ta tìm lại

cội nguồn …

Đá ơi!

(Chỉ là đá)

 

Cũng là viết về quê hương nhưng bài thơ lục bát "Cửa Tùng" như là chân dung tự họa của nhà thơ, đó là  một người thơ lực lưỡng, bạo liệt, đã yêu là say đắm hết mình:

Một đêm với Biển và Trăng

Với Cheo Leo quán, Cửa Tùng và Em

Tình như lửa mới vừa nhen

Ai mang thổi gió cháy mềm bờ yêu

Mê ly hừng hực thuỷ triều

Mặn mòi sóng quấn liêu xiêu bãi Còng!

Dắt nhau dạo Cát một vòng

Đêm vui thắt yếm dát cong môi trầm.

Nhà thơ Trần Bình có những thành công đáng ghi nhận như khi anh ký họa nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính bằng thơ. Bài thơ ngắn với câu kết bất ngờ và ấn tượng:

"Những Khoảnh khắc" dễ gì có được

Nếu Nghệ sĩ chẳng lao lên

Với cái máy ảnh của mình cùng hiểm nguy trận mạc

Ông đã làm như thế

Với" Nụ cười Thành Cổ" *

những ngày đạn bom...

Phía sau tấm huân chương

là một người đàn ông

Một người đàn ông

đứng thẳng!

(Bên nghệ sĩ chiến tranh Đoàn Công Tính)

Ưu điểm của thơ Trần Bình là hồn thơ tự nhiên, sáng tác nhi nhiên, ít khi làm dáng, uốn lượn nên thơ mạnh về trực cảm. Nhưng ở mặt khác, vẫn có những sáng tác thể hiện sự trăn trở, lao lực kiếm tìm một cách nói mới. Đó là một ý thức rất nên trân trọng dù không phải lúc nào cũng có được những bài thơ như ý. Có một Trần Bình không theo lối đi quen thuộc trong nỗ lực làm mới mình khi viết "Những cảm xúc gọi tên":

"Và những ngón tay tài hoa lựa phím

Và những đắm mê trói buộc hồn anh

Để một chút vỡ oà

tinh khiết…

trong lành…!

Day dứt ơi! Những nuối tiếc tìm về

Giá như mình còn trẻ

Giá như tiếng đàn kia đốt được lên

Và em nữa, đam mê bùng cháy hết..."

Làm thơ đúng nghĩa là một công việc vất vả, khó nhọc. Điều này càng trở nên là một thử thách lớn khi nhà thơ Trần Bình gặp sự cố nặng nề về sức khỏe. Tuy vậy anh vẫn kiên cường vượt qua bão giông số phận và tiếp tục sáng tác. Đó là tâm huyết với đời, với thơ khiến chúng ta cảm động. Đến tập thơ này thì đã thấy một Trần Bình bên cạnh một người thơ năng lượng cảm xúc dồi dào, mạnh về trực giác còn có Trần Bình khác nữa mở rộng đề tài và phương thức phản ánh với nhiều suy tưởng, đem lại những cảm giác mơí lạ và ý vị. Bằng cách sống và sáng tác trong tuổi xế chiều nhiều biến động, Trần Bình là một minh chứng bằng xương bằng thịt, bằng thơ hiển hiện trong ta về một bi kịch lạc quan giữa cõi ta bà.

Và chúng ta đã gặp lại Trần Bình...

TAGS

Xây dựng, sửa chữa 19 nhà Đại đoàn kết trước tết Nguyên đán

Văn Tiến |

Từ nguồn hỗ trợ gần 1 tỉ đồng của huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, UBMTTQVN huyện Đakrông (Quảng Trị) đang triển khai xây dựng, sửa chữa 19 ngôi nhà Đại đoàn kết cho những hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai trên địa bàn huyện. Đây là những hộ dân thuộc diện khó khăn, nằm ở khu vực sông suối hoặc vùng có nguy cơ sạt lở đất đá.

Nhà thơ Chế Lan Viên, từ quê hương đã hóa tâm hồn

Nguyễn Bội Nhiên |

Nhà thơ Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 23-10-1920, quê ở làng An Xuân, xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Một thời, chế Lan Viên theo cha sống ở Nghệ An, Bình Định, lớn lên và đi học ở Quy Nhơn, Hà Nội rồi sau đó làm báo, dạy học, hoạt động văn học. Từ đó, lịch sử văn học Việt Nam có Chế Lan Viên, một nhà thơ lớn, nhà nghiên cứu lý luận, nhà phê bình văn học nghệ thuật hiện đại với các bút danh Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Ma là các địa danh ở tỉnh Quảng Trị cùng các bút danh Chàng Văn, Oah (tức là Hoan)

Không gian lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên

Thanh Hải |

Công trình Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên được khởi công xây dựng vào đầu tháng 3/2019 do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư. Công trình có thiết kế mô phỏng theo lối kiến trúc nhà rường truyền thống, mái lợp ngói ba gian, gồm: gian thờ và nghi thức; gian trưng bày tác phẩm, hiện vật của nhà thơ Chế Lan Viên và gian trưng bày các tác phẩm nghiên cứu, phê bình viết về nhà thơ. Phía trước nhà lưu niệm có tiền đình và các hạng mục phụ trợ khác như sân vườn, cây xanh… Tổng mức đầu tư công trình 3,6 tỉ đồng, trong đó 30% ngân sách tỉnh, 20% ngân sách huyện Cam Lộ, còn lại 50% từ nguồn vận động xã hội hóa.

Thương vệt khói ám của ngày thơ

Yên Mã Sơn |

Cứ mỗi độ đất trời xám xịt một màu u ám, nghe đài báo mưa lớn kéo dài trong khu vực, ba lại chuẩn bị dây dợ cột lại những vì kèo, chằng kéo những cái cột của mái nhà tranh để chuẩn bị đương đầu với lốc tố.