Cứ mỗi độ đất trời xám xịt một màu u ám, nghe đài báo mưa lớn kéo dài trong khu vực, ba lại chuẩn bị dây dợ cột lại những vì kèo, chằng kéo những cái cột của mái nhà tranh để chuẩn bị đương đầu với lốc tố.
Mẹ thì đưa bao bầu khô treo trên giàn bếp xuống, mua thêm tôm tép khô, mắm ruốc để ăn trong những ngày nước lên.
Con sông Hiếu ngày thường hiền hòa, trong xanh uốn khúc yêu kiều qua làng thì đến mùa lụt nước đục ngầu, cuồn cuộn như chạy trốn một sự cuồng nộ từ dãy Trường Sơn xuôi về. Khi nhà cửa, mắm muối đã chuẩn bị xong xuôi, ba mẹ nhìn con nước để đoán xem năm nay lụt to hay nhỏ, thời tiết thế này lúa có kịp gặt hay không…
Ông Tư hàng xóm chạy qua bảo cả làng ai cũng quyết cắt lúa sớm, để nước lụt về không còn hạt nào mà ăn. Thế là làng lại thêm một năm nữa cắt lúa trong mưa gió, bão tố để mong có một mùa vụ đủ trang trải áo cơm.
Những ngày đó tôi thường ở nhà một mình trông em và nấu cơm. Giữa gió mưa rét mướt, bếp như mẹ hiền làm ấm những đôi tay run rẩy, làm hồng đôi má kháu khỉnh của trẻ con. Ngọn lửa rơm vàng ươm, khói làm mắt cay xè.
Tôi nhớ hình ảnh mẹ cúi xuống bếp thổi lửa, những tàn tro dính đầy trên tóc. Tóc mẹ bạc, tàn tro cũng màu bàng bạc chẳng biết thứ nào là dấu vết thời gian của người đàn bà quanh năm xoay vần bên bếp lửa để có miếng ngon cho chồng con!
Cuối cùng con nước lũ cũng đã về mấp mé ngang sân nhà. Từng ngọn rau muống chập chờn theo sóng nước. Đàn gà con theo mẹ nhảy lên chuồng heo kêu hoảng loạn, đàn vịt thì bơi lội thích thú, riêng con trâu thì điềm nhiên như chằng sợ chuyện gì. Dường như phận nhà nông thì năm nào cũng thế, cày bừa, gieo gặt và bão lụt là chuyện như cơm bữa, chẳng có gì mà phải ngạc nhiên!
Dòng sông mênh mông nước, cuộn đỏ như mang hết sỏi đá của núi rừng về biển. Những đám lục bình trôi lênh đênh, cỏ lá, cây cành từ thượng nguồn kéo về làm nên cuộc thiên di như được hẹn từ năm ngoái. Trong những thứ đó, củi rều là thứ người dân quê tôi quan tâm. Thứ lau sậy từ rừng thiêng xa xôi trôi về đây để một mai hóa kiếp ngọn lửa trong mái nhà tranh. Củ khoai sẽ chín, nồi bầu khô sẽ chín trong ngọn lửa củi rều như một đặc ân của đất trời khi nổi cơn vần vũ.
Những cây xào dài kéo đám củi rều vào bờ trước dòng nước cuộn chảy, thanh niên trong làng đều tập trung ra vớt củi đông như hội. Khi rơm rạ đã hết, củi rều là nhiên liệu tuyệt vời của nhà nông. Khói bếp từng nhà lại bốc cao mang theo mùi ngai ngái, khét lẹt của củi rều, tiếng nổ lốp đốp. Mẹ bảo: “Mùa gặt có lửa rơm, mùa lũ có củi rều, lửa quanh năm vẫn cháy”. Tôi lãng mạn bảo: “Cái tinh túy của núi rừng trong thân củi dường như còn đây”. Bên bếp lửa, nồi cơm nấu giữa con nước lụt bốc khói nghi ngút, vẫn cà dưa, mắm muối mà ấm lòng, đầy bụng cho những ngày dông gió…
Những vệt khói ám trên giàn bếp bám dày theo thời gian. Bao nhiêu rơm rạ, củi rều của từng mùa gặt, mùa lũ thay nhau hóa kiếp làm nên áng khói trong những chiều đông. Mẹ không còn, ba không còn, căn nhà xưa liêu xiêu nắng gió giờ đã cho một người bà con ở nhờ, trông nom.
Cũng trong một chiều mưa gió, vợ bật lửa ga nấu bữa cơm chiều cho một mái ấm ở nơi thành phố. Lửa đượm vàng có khác gì lửa của ngày thơ?