Cơm gạo

Hòn Cuội |

Mấy năm gần đây trời hạn dữ! Cái nắng rót từ trên cao xuống và cỏ cây héo úa, đất đai nứt nẻ, nhiều cánh đồng phải bỏ hoang. Dân quê tôi phải bỏ ruộng đi kiếm cơm ở những miền đất khác. Họ ở tận miền Nam xa xôi, đêm đêm ngủ vẫn nhớ về một vùng quê khát cháy.

Có khi đứa bạn điện về hỏi, mùa màng năm ni ra răng? Lúa có được không? Có mưa không? Có nước tưới tiêu không? Từng tràng câu hỏi đều liên quan đến cuộc đời nông dân chân lấm tay bùn. Ở quê năm nay thất bát. Câu trả lời đó làm cuộc hội thoại giữa hai người lỗi đi mấy nhịp, chúng tôi lặng im hồi lâu. Chẳng biết bạn nghĩ gì. Còn tôi, tôi nhớ quay nhớ quắt từng cánh đồng xanh mượt mà của mười năm về trước. Những mùa vàng ngày ấy đã qua, cái thời mưa thuận gió hòa chóng vánh như kỷ niệm niệm đẹp trên chuyến tàu. Gánh nặng cơm gạo giờ dán lên đôi mắt mạ và bao nhiêu người dân vùng quê khi chưa hết sự mừng vì cơn mưa ngang qua thì lại héo hắt trước nạn gió về làm rơi hết phấn hoa trên lúa. Tôi bị ám ảnh bởi chữ cơm gạo, nó bám riết theo tôi cả khi đã xa làng.

Ảnh: Nông Văn Dân
Ảnh: Nông Văn Dân

Bữa cơm chiều, mạ bưng chén cơm mắt rưng rưng nhìn nắng. Lòng tôi không khỏi xốn xang. Mạ đang nhớ một cái gì đó, có thể là nhớ cha. Hơn chục năm rồi trong những câu chuyện buồn vui của gia đình chúng tôi thường nhắc đến cha. Nhất là trong bữa ăn. Thân gầy rạc của cha phải cày ruộng lo cơm gạo nuôi chúng tôi khôn lớn từng ngày. Những vất vả lo toan cho đàn con làm sao chúng tôi quên được.

Cha tôi tồn tại trong chúng tôi qua cuộc sống thường ngày. Chữ tình có neo thì có nặng, mạ nhắc tới chuyện cơm gạo trong những ngày lụt lội. Ngày lụt năm đó cha tôi lụy đò vượt sông để đi mua gạo tới tận chợ Phiên. Cha tôi xuất thân là con nhà khá giả, cuộc sống đủ đầy của đứa con trai duy nhất trong một gia đình khiến sau này cha phải nhọc nhằn khoai sắn thay cơm. Cả gia sản của một gia đình trung nông nội tôi mang ủng hộ cách mạng. Mái nhà bị giặc Pháp đốt cháy rừng rực, nội tôi cũng hy sinh ngày đó. Chiến tranh, nhiều gia đình lâm vào đời sống cơ cực. Biết cha đã từng có một cuộc sống đủ đầy. Bởi thế suốt cả hành trình dài của đời sống vợ chồng, dù khó khăn mấy mạ cũng kiếm gạo nấu cơm cho cha. Cơm và thịt lợn luộc, ngày chí ít một bữa. Chuyện bây giờ nghe đơn sơ, giản dị nhưng ngày xưa mà khẩu phần ăn như thế thật là sang đãi. Vậy mà mạ tôi lại làm được điều đó với cha, bằng cách riêng của mình.

Tôi không được thừa hưởng duyên phận của cha. Có khi nằm trên chiếc giường của cha và mạ, tôi nghĩ rằng hơi ấm xa xưa đó vẫn còn đâu đây. Rồi chợt dưng cổ nghẹn đắng khi cuộc sống quá đủ đầy mà trở nhìn ngày xưa để bấu víu, để hoài niệm, để làm phao cứu sinh và tự tha thứ cho mình, tự tha thứ cho người trong đời sống mưu sinh không phải vì cơm gạo...

Ngày ấy, ở cạnh nhà tôi có một kho thóc cũ. Sau giải phóng cơm gạo được tập trung về nơi đây. Lương thực của mấy làng tập trung ở kho. Thời hợp tác xã mà. Chuồng bò của hợp tác xã cũng được dựng lên ở cách đó không xa, chừng 500 mét. Sáng sáng người chăn bò, người cắt cây làm phân xanh, người ra đồng... làm chung, của cải chung, đi đâu ríu rít gọi nhau như đàn chim sẻ và hồ hởi chào nhau như đàn kiến.

Ảnh: Nông Văn Dân
Ảnh: Nông Văn Dân

Chị cả tôi thường thay cha đi nhận thóc ở kho đem về bỏ vào cối giã rồi nấu cơm độn sắn khoai. Cứ mỗi bữa ăn hột cơm đậu mỏng manh ngoài khúc sắn, đoạn khoai. Tôi ngán ngẫm kiểu cơm gạo đó, thà đi nhặt quả trứng gà rơi lộp độp ngoài bụi tre để ăn còn hơn phải ăn cơm độn. Mạ có rầy tôi, mấy chị cũng la tôi rằng tôi có kiểu tư chất giống cha.

Nhà tôi có trồng đến chục cây trứng gà (Lê ki ma). Mỗi sớm, chị em chúng tôi thường chạy ra mấy gốc cây nhặt quả cho vào mồm. Ăn xong miệng đứa nào đứa nấy vàng khè như con sáo. Mãi sau này có những lúc lỡ bữa bụng đói cồn cào tôi vẫn nhớ về cây trứng gà hàng trăm quả vàng treo lủng lẳng. Cứ ăn no rồi đi chơi từ nhà này qua xóm nọ, trưa chiều nghe tiếng kêu ăn cơm cũng vội vã quay về vì tưởng có cơm ăn thiệt, trẻ con vốn hay quên. Và đối diện trước mặt tôi vẫn là những bữa cơm độn.

Tôi còn nhớ, đến năm 1987, 1988 rồi cả một giai đoạn tiếp theo cái nhà kho vẫn tồn tại ở làng tôi. Tuy nhiên nó được khóa lại và chỉ còn một người cai quản số lương thực còn lại trong đó. Trẻ con hay tò mò, mỗi lần mở kho kiểm hàng là chúng tôi biết tỏng tong trong đó bao gồm những gì, nhiều hay ít. Hai thứ còn ở kho cho đến lúc này có thể ăn được là lạc khô và lúa. Bên cạnh kho lương thực là kho thuốc trừ sâu. Tuổi thơ của tôi và lũ bạn hầu hết quẩn quanh ở cái nhà kho của hợp tác xã. Nó nằm cạnh bìa rừng.

Sáng chúng tôi mở chuồng lùa bò ra đấy. Bò cứ tung tăng trên đồi gặm cỏ còn chúng tôi chơi trốn tìm quanh nhà kho, chơi chán đến lúc đói bụng thì lấy chiếc que thọc vào cái lỗ thủng của nhà kho lấy lạc ăn sống, dần dà hồi lâu lấy que chọc thọc mang về làm cơm nghệ. Chúng tôi tụm năm tụm ba giả lúa rồi nấu cơm, vì ăn cơm không kèm thực phẩm nên khi nấu chúng tôi giả nghệ cho vào nấu cùng để có cơm nghệ trông ngon hơn. Ăn rồi ở lại đến tối mới về, đứa nào buồn ngủ thì nằm ở mái hiên nhà kho mà ngủ. Hồi đó, chúng tôi đã thọc lúa nhà kho nhưng không hề nghĩ là mình ăn cắp. Vì chúng tôi lấy một ít nấu ăn ngay đấy rồi thôi chứ không ham hố để mang về. Chúng tôi đã làm điều ấy để giải quyết cho cơn đói. Sau này đi học, nghe thầy giáo dạy văn nói về chuyện ăn cắp tôi mới đỏ bừng mặt, thì ra mình đã từng ăn cắp của hợp tác xã!

Cả đời người là kiếp lo cho cơm gạo. Một sự dưỡng sinh cũng lắm lúc nhọc nhằn. Khi đội nắng dầm mưa tảo tần năm tháng để có cái ăn, cái mặc. Lo cho con cái để chúng ăn học mai này lớn lên tự lo cho cơm gạo của đời mình. Có bấy nhiêu thôi, một vòng tròn dưỡng sinh hay đấy chính là kiếp luân hồi khi chúng ta rớt vào cuộc sống? Điều đó khó mà lý giải nỗi. Thôi thì chân cứ đi, tay cứ làm còn miệng thì cứ ăn. Chợt nhớ câu chuyện của ông cha xưa khi các bộ phận trên cơ thể đổ lỗi cho anh “miệng” chẳng làm gì mà cứ ăn để cho tấm thân vất vả. Câu chuyện của trẻ con nhưng người lớn cũng thuộc nằm lòng. Thì thế, sống bằng sự trả giá nhưng ai vẫn mong mình được sống. Âu đó là lẽ đời.

TAGS

Vu lan rằm tháng 7: Vì sao là bông hồng đỏ, trắng cài trên ngực áo?

Diệu Mi |

Ai khi dự lễ Vu lan cũng đều có những cảm xúc khó tả khi đón nhận một bông hồng đỏ hoặc trắng cài trang trọng lên ngực áo để nhớ đến đấng sinh thành. Ý nghĩa của màu sắc bông hồng trên ngực áo này là gì?

Lời bạt cho ‘Đợi trăng trước ngày xuất gia’

T.N.H |

Trước giờ mình một lòng ngưỡng mộ những nhà văn viết về đề tài lịch sử. Số lượng tác phẩm văn học cả tiểu thuyết và truyện ngắn về đề tài này trên văn đàn không hiếm. Nhưng những tên tuổi được ghi nhận, được đánh giá cao thì lại không nhiều. Vũ Văn Song Toàn nằm trong nhóm tác giả trẻ kể truyện lịch sử mà mình đánh giá là vô cùng dũng cảm.

Ba về với con

Hoàng Hải Lâm |

Mỗi ngày khi ba đi làm, cu cậu vẫn nằm ngủ o o trong tấm chăn ấm hay chiếc quạt bàn quay dìu dịu. Rồi chiều đến khi nghe tiếng xe nổ giòn từ phía hàng râm bụt, cu cậu lại chạy ra sân trước “ba về với con rồi à”. Tiếng nói của cu cậu trong veo!

11 quyển sách hay về Phượt đánh thức bản năng yêu, đi và sống hết mình

PV |

11 quyển sách hay về Phượt dẫn dắt những trái tim đam mê phiêu lưu vào những vùng đất mới, để thấy thế gian này rộng lớn và đẹp đẽ biết bao. Đánh thức trong mỗi người bản năng yêu, đi và sống hết mình.