Lời bạt cho ‘Đợi trăng trước ngày xuất gia’

T.N.H |

Trước giờ mình một lòng ngưỡng mộ những nhà văn viết về đề tài lịch sử. Số lượng tác phẩm văn học cả tiểu thuyết và truyện ngắn về đề tài này trên văn đàn không hiếm. Nhưng những tên tuổi được ghi nhận, được đánh giá cao thì lại không nhiều. Vũ Văn Song Toàn nằm trong nhóm tác giả trẻ kể truyện lịch sử mà mình đánh giá là vô cùng dũng cảm.

Lịch sử là những câu chuyện của ngày hôm qua. Nghĩa là những chuyện đã cũ. Chuyện đã cũ lại còn mịt mờ vì bụi thời gian và mờ vì nó từng bị chính những tác nhân lịch sử cố ý xóa mờ. Làm thế nào để sáng tỏ lại những câu chuyện ấy, làm mới lại những câu chuyện ấy? Làm thế nào để tìm ra giá trị đích thực của những “khoảng trống”, những “hố đen” lịch sử ấy?

Thiết nghĩ, ngoài lòng dũng cảm, tài năng, sự bén nhạy, tác giả cần phải có một kiến thức lịch sử đủ sâu, đủ rộng và một tấm lòng vị tha.

Tại sao phải vị tha với lịch sử?

Bởi vì, lịch sử là bài học thống thiết nhất con người được học mà tổ tiên ông cha ta đóng học phí bằng máu xương cho chúng ta. Là tấm gương khi tỏ lúc mờ chúng ta soi vào để thấy sự hiện diện của mình trong thời đại mình đang sống là để tự ý thức lấy những trách nhiệm thiêng liêng. Chúng ta không buộc tội tiền nhân, không phán xét những bi kịch lịch sử. Ấy là vị tha. Là đĩnh ngộ. Những gì đẹp nhất, tinh túy nhất, giá trị nhất của lịch sử, những gì cần nhất từ lịch sử cho con người hôm nay, thì hãy đem đến cho bạn đọc.

Tập truyện Đợi trăng trước ngày xuất gia của nhà văn Vũ Văn Song Toàn
Tập truyện Đợi trăng trước ngày xuất gia của nhà văn Vũ Văn Song Toàn

Đó là toàn bộ những gì mình cảm nhận được từ 9 truyện ngắn lịch sử của Vũ Văn Song Toàn. Mình đã đọc Toàn liên tục trong thời gian rất dài, mười năm. Mọi truyện ngắn Toàn đăng lên, bất kể đề tài gì, mình đều đọc. Sự tài hoa của Toàn lôi cuốn mình. Vốn sống đầy đặn, dày dạn của Toàn bổ ích với mình. Bất cứ một truyện ngắn nào của Toàn, mình cũng thấy lấp lánh hiện lên những vẻ đẹp mới, lý thú. Toàn là người biết tìm tòi, đào sâu, khám phá ra những thứ đẹp đẽ, giá trị, từ kho tư liệu dân gian khổng lồ, phong phú, để đưa vào tác phẩm của anh. Buộc người đọc phải tâm phục khẩu phục với những vấn đề Toàn dày công kiến giải.

Trong 9 truyện, có hai truyện có cấu trúc khá cồng kềnh là “Phượng hoàng đất” và “Ngôi nhà núc nác”. Thì thật may, yếu tố “lịch sử” trong truyện lại tập trung vào tổ chức xã hội nhỏ nhất (làng xã) và những thân phận con người bình dị nhất (người thôn nữ trồng dâu chăn tằm, cha con người thợ mộc). Cho nên, cái sự éo leo, ràng cuốn nhằng nhịt của các số phận được dẫn dắt bằng một giọng điệu sinh động dân dã đã đưa người ta đi hết câu chuyện lúc nào không hay. Câu chuyện bi thương về giấc mộng khoa cử của những con người tưởng như thời đại sinh ra họ là để cười cợt, ghẹo đùa. Thậm chí đọc “Ngôi nhà núc nác”, thấy vã mồ hôi như vừa xem xong một bộ phim kỳ sử mà rạp chiếu chỉ có một mình. Nơm nớp run nhưng không thể bỏ ra ngoài.

Trong 9 truyện có một truyện viết chưa thật sự khiến người đọc thỏa mãn (hay là mình khó tính). Đó là truyện về Hoa sơn tướng quân và nàng kỹ nữ. Giá như, tình cảm của người con gái kia vượt qua cái sự hàm ơn dành cho ân nhân cứu mạng. Giá như, tướng quân cho nàng một chút hy vọng, chứ đừng quá cứng nhắc nghĩ về nỗi đau biệt quốc. Thì nỗi đau ấy sẽ gần gũi với tâm trạng thưởng thức của con người thời nay hơn. Và cái bóng con ngựa bạch trên đài vọng quốc bớt hoang liêu khắc khoải hơn. Bởi vì Lý Long Tường là nhân vật lịch sử vốn được xem như ẩn số, có thách thức lớn đối với các nhà văn đương đại. Phần lớn cuộc đời ông ở nước ngoài. Không hề dễ dàng khi “dựng tượng” họ trong lòng người đọc. Nhưng nếu xem truyện ấy là sự “thử sức” thì hẳn là Toàn đã tự thấy được sức mình và sự “nguy hiểm” của mình trong những lần chinh phục tiếp theo.

Trong 9 truyện, có một truyện, dường như vô tình không dành cho đại chúng. Ấy là “Giã biệt kinh kỳ”. Toàn đã quá “già rơ”, quá đáo để và thâm thúy khi mổ xẻ tâm trạng Chiêu Hổ. Cảm giác xót xa như có muối xát vào vết thương lòng mình. Bệnh của Chiêu Hổ là bệnh nội thương. Không phải tự sát thương mình nhưng tự mình dày vò khoét sâu vết thương ngày một nhức nhối. Bệnh như thể không có thuốc chữa. Thế mà thầy lang lại chữa khỏi. Không chỉ chữa cho mình Chiêu Hổ, mà chữa cho được rất nhiều kẻ sỹ. Cho cả những người có tình cảnh giống Chiêu Hổ. Bị tâm giao, tri kỷ xem thường, bỡn cợt. Yêu trong đau trong hận. Nhớ nhung tha thiết mà muốn buông bỏ.

Nhà văn Vũ Văn Song Toàn
Nhà văn Vũ Văn Song Toàn

Trong 9 truyện, có hai truyện có tình huống truyện được xây dựng khá đơn giản nhưng lại dễ dàng tạo ấn tượng với mình. Đó là “Liệt nữ” và “Rắn ăn thề”. Ở truyện “Liệt nữ”, điều tác giả nói đến không phải là việc chọn người nối ngôi của các bậc quân vương khi về già mà là chuyện ân tình. Nhân cái chuyện chọn người ấy mà kể ra một câu chuyện khác, về một nhân vật khác. Lịch sử nếu được ghi dấu trên tên tuổi đàn bà, thì những tên tuổi ấy, phần lớn là đa đoan, lẽ mọn. Truyện “Rắn ăn thề”, hình ảnh hai con rắn nuốt nhau thật sự ám ảnh và gợi mở những tư duy đa chiều. Đây là truyện ngắn Toàn phô diễn những lợi thế của mình trong thể loại mà những cây bút cùng trang lứa khó có được. Ấy là sự am hiểu của một người đọc nhiều cổ thư. Biết cách làm đầy vốn văn của mình lên mỗi ngày bằng những cuốn sách và những chuyến đi cô độc. Chỉ có những người ham thích, say mê cổ thư thì mới dám tung tẩy như vậy.

Ba truyện còn lại của tập. Đợi trăng trước ngày xuất gia, Nước mắt Châu Long, Đêm hoàng cung lặng lẽ. Thì xin không bình luận gì. Vì với mình, đây là ba truyện ngắn quá xuất sắc. Ba người đàn bà lẫy lừng trong lịch sử và văn học Việt hiện lên từ ngòi bút của Toàn đẹp hoàn hảo, đẹp không tì vết. Bi kịch của họ được đẩy lên đến độ người đọc không có những mường tượng khác, chỉ ngoan ngoãn để cho mạch truyện đưa đi. Nếu có thể làm gì, thì đó là rơi nước mắt vào không gian truyện vốn đã đầy ứ xa xót. Những câu truyện Toàn tạo ra từ ba nhân vật này không đi vào lối mòn lịch sử hay điển tích. Tâm phục khẩu phục và cảm ơn Toàn đã cho mình những giao cảm diệu kỳ ấy!

TAGS

Hoài niệm tháng Tám...

Trần Văn Thiên |

Buổi chiều tháng Tám, tôi ngồi một mình đếm lá vàng rơi trước hiên nhà, mông lung nhớ về một thời đã xa. Cuối Hạ đầu Thu, cái khoảnh khắc giao mùa với những cơn gió mong manh mang hương vị hoang hoải se se, làm lòng người như cũng dịu xuống miên man nỗi nhớ.

11 quyển sách hay về Phượt đánh thức bản năng yêu, đi và sống hết mình

PV |

11 quyển sách hay về Phượt dẫn dắt những trái tim đam mê phiêu lưu vào những vùng đất mới, để thấy thế gian này rộng lớn và đẹp đẽ biết bao. Đánh thức trong mỗi người bản năng yêu, đi và sống hết mình.

Tháng 7 âm lịch vì sao lại gọi là "tháng cô hồn"?

Thanh Mai |

Việc cúng cô hồn được coi là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt, được truyền từ đời này sang đời khác.

Vẻ đẹp của sự vắng lặng

Hoàng Văn Minh |

Đi ngang quán cà phê quen, thấy ông chủ khép hờ cửa vắt chân lên ghế ở vỉa hè ngồi ngáp vặt, tạt vào bảo “anh cho em xin ly cà phê”. Ông chủ ậm ừ một lát rồi cũng miễn cưỡng đứng lên, bảo “nhưng phải uống nhanh không người ta thấy sẽ bị phạt”. Mang cà phê ra, ông chủ lại kéo ghế ngồi nghiêng lại với khách xa hơn 2 mét như hướng dẫn. Tự nhiên nghe chạnh lòng…