Xứng danh lá cờ đầu của ngành giáo dục Hướng Hóa

Lê An |

Nằm ở địa bàn miền núi, chỉ hơn 25 năm hình thành và phát triển, nhưng với sự nỗ lực của tập thể giáo viên và học sinh, Trường THCS Khe Sanh, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã từng bước vươn lên trở thành một trong những ngôi trường trọng điểm, lá cờ đầu cấp THCS của ngành giáo dục huyện và tỉnh, là nơi "chắp cánh" cho nhiều thế hệ học sinh trưởng thành.


Trường THCS Khe Sanh hiện có 22 lớp với gần 850 học sinh, trong đó có gần 120 em là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong bối cảnh đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay, những năm gần đây, nhà trường đã chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế chương trình dạy học thành các hoạt động học cả trong và ngoài lớp.

Đặc biệt, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường đã đẩy mạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ đạo giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo hướng đi vào chiều sâu với nhiều tiết học sôi nổi, hấp dẫn, tạo cho học sinh niềm say mê, hứng khởi trong học tập.

Đón các em học sinh khối lớp 6 vào trường - Ảnh: TL
Đón các em học sinh khối lớp 6 vào trường - Ảnh: TL

Hiệu trưởng Trường THCS Khe Sanh Trần Văn Hoàng thông tin, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, ngay từ đầu năm học, ban giám hiệu nhà trường đã lựa chọn đội ngũ giáo viên cốt cán, năng lực chuyên môn giỏi, nhiệt tình, tâm huyết với nghề để chủ nhiệm và làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi; đồng thời tích cực tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh các khối lớp còn yếu những môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh.

Nhờ được trang bị đầy đủ về kiến thức và kỹ năng nên học sinh của trường có khả năng đáp ứng các yêu cầu của kỳ thi tuyển vào lớp 10 công lập và kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Tỉ lệ học sinh khá, giỏi hằng năm đạt trên 50%, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp hằng năm đạt trên 99%, nhiều năm đạt 100%. Tỉ lệ học sinh vào các trường chuyên trong và ngoài tỉnh ngày càng cao. Đội tuyển môn Tiếng Anh của huyện với nòng cốt là học sinh của trường luôn nằm trong tốp 2 tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Nhiều học sinh của trường đã thi đỗ vào các trường có chất lượng như: Trường chuyên Lê Quý Đôn, Trường Quốc học Huế. Nhiều em đã giành được học bổng vào các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Điển hình như 2 chị em Đoàn Hà My, Đoàn Thục Quyên, sau khi tốt nghiệp THCS đã thi đỗ vào Trường Quốc học Huế. Trong đó, em Đoàn Thục Quyên mới đây đã giành được học bổng toàn phần vào 5 trường đại học tại Mỹ và Úc, trong đó có những trường có tỉ lệ trúng tuyển thấp nhất thế giới.

Cùng với những hoạt động trên lớp, nhà trường còn chú trọng mở rộng không gian lớp học với phương pháp “thực học, thực nghiệm”, xây dựng nhiều hoạt động giáo dục trải nghiệm an toàn và bổ ích cho học sinh như: tham quan di tích lịch sử, văn hóa địa phương; tham gia nghiên cứu khoa học, trải nghiệm hướng nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tham gia các hoạt động xã hội từ thiện. Phát động phong trào “vở sạch, chữ đẹp”, “báo tường”; các hội thi “đố vui để học”, “rung chuông vàng”, “văn học dân gian”, “hùng biện tiếng Anh”, “nét đẹp đội viên”, “bảo vệ rừng”...

Thông qua những hoạt động này các em được bổ sung thêm kiến thức và đặc biệt là rèn được kỹ năng sống cho các em. Giúp các em khẳng định được mình, mạnh dạn hơn trong hoạt động tập thể, trong giao tiếp, biết cách để tổ chức các hoạt động tập thể, phát hiện ra nhiều tài năng trong phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao. Giáo dục các em những tình cảm trong sáng của lứa tuổi học trò như tình yêu quê hương đất nước, yêu trường lớp, thầy cô, bạn bè, gia đình, yêu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tự hào về truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ cha anh đã đi qua. Từ đó giúp các em hình thành nhân cách tốt đẹp, sống có lý tưởng, biết giúp nhau để học tập tốt và xây dựng mối đoàn kết trong lớp, trong trường.

Trong xây dựng đội ngũ giáo viên, với tư duy mới, sáng tạo trong chỉ đạo chuyên môn, trường đã có nhiều giải pháp trong thực hiện đổi mới quản lý giáo dục. Ban Giám hiệu đã chỉ đạo, khuyến khích các tổ chuyên môn, giáo viên tích cực cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá; tăng cường công tác dự giờ, thăm lớp; tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên.

Thường xuyên phát động phong trào thi đua nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm như: 20/10, 20/11, 3/2, 26/3... bằng các hoạt động cụ thể như: thao giảng, dự giờ, thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh; làm và sử dụng đồ dùng dạy học có hiệu quả; tổ chức các chuyên đề cấp tổ, cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh. Đẩy mạnh việc soạn giáo án điện tử, đổi mới hình thức tổ chức dạy học theo hướng khai thác tối đa ứng dụng công nghệ thông tin. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị của nhà trường, ngoài kinh phí được cấp, trường đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa để mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học.

Bên cạnh đó, phong trào học tốt cũng được học sinh hưởng ứng sôi nổi và có hiệu quả. Chính vì vậy, liên tục trong nhiều năm liền, Trường THCS Khe Sanh luôn đứng đầu trong toàn huyện về phong trào thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, cũng như chất lượng học sinh giỏi. Nằm trong tốp 10 của trên 100 trường THCS trong toàn tỉnh.

Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chất lượng giáo dục của Trường THCS Khe Sanh ngày càng có những chuyển biến rõ rệt và đạt được kết quả xuất sắc. Nhiều năm liền trường được công nhận là tập thể lao động xuất sắc, 5 lần được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, 1 lần nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, 5 lần nhận cờ thi đua xuất sắc cấp tỉnh. Được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và được công nhận là Trường THCS đạt chuẩn quốc gia, trường đạt chuẩn chất lượng giáo dục và nhiều thành tích xuất sắc khác.

Đặc biệt năm học 2015, Trường THCS Khe Sanh đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, là trường đầu tiên của huyện Hướng Hóa đạt được danh hiệu cao quý này. “Tiếp tục phát huy hơn nữa những thành quả mà trường đã đạt được, thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giữ vững trường chuẩn quốc gia, trường kiểu mẫu; xứng danh là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT huyện Hướng Hóa”, Hiệu trưởng Trần Văn Hoàng khẳng định.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Nỗ lực với giáo dục vùng khó

Phan Văn Đức |

Gặp thầy giáo Trần Thanh Hòa, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Triệu Nguyên, huyện Đakrông (Quảng Trị) ngay ở cổng trường, bằng cái bắt tay ấm áp, nghĩa tình và nụ cười trìu mến, chúng tôi nhận thấy sự thân thiện của thầy ngay khi gặp mặt. 

Cô giáo bộ môn giáo dục thể chất tài năng

Thu Hạ |

Cô giáo Phan Thị Thùy (sinh năm 1998), giáo viên môn Giáo dục thể chất, Trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) không chỉ được đồng nghiệp và học trò yêu mến bởi sự nhiệt huyết, không ngừng sáng tạo đổi mới trong chuyên môn, mà còn tỏa sáng bởi tài năng thể thao khi vừa cùng với các thành viên của Đội bóng chuyền nữ, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị xuất sắc đoạt giải Nhất Giải bóng chuyền ngành giáo dục các tỉnh Bắc Trung Bộ tranh cúp Báo Giáo dục và Thời đại lần thứ I. Bản thân cô Thùy còn đạt danh hiệu vận động viên nữ xuất sắc nhất giải.

Việt Nam có 5 cơ sở giáo dục trong Bảng xếp hạng đại học tốt nhất toàn cầu

PV |

Theo thông tin từ Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 3/11, Tạp chí U.S News & World Report của Hoa Kỳ vừa công bố kết quả Bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu – Best Global Universities. Theo đó, Đại học Quốc gia Hà Nội có thứ hạng 970 thế giới và 258 Châu Á.

Quan tâm nội dung giáo dục địa phương cho học sinh

Tú Linh |

Giáo dục địa phương (GDĐP) là nội dung bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của địa phương mình (được hiểu là địa phương cấp tỉnh). Học sinh trên toàn tỉnh rất hứng thú khi được tiếp cận với nội dung giáo dục này.