4,8 triệu liều vaccine COVID-19 về Việt Nam sẽ được tiêm thế nào?

Minh Thành |

Đợt 1 vaccine đầu tiên có 117.000 liều của AstraZeneca đã về Việt Nam ngày 24.2, tiếp theo là 6 đợt nữa cho đến đến hết quý II.2022 tổng cộng là 4,8 triệu liều vaccine nhập khẩu. Vậy việc tổ chức tiêm sẽ như thế nào?

Theo “Kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine phòng COVID-19 giai đoạn 2021 - 2022 do COVAX Facility hỗ trợ” đã được Bộ Y tế ban hành thì tổ chức tiêm chủng gồm các khâu:

Xây dựng nhu cầu và kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 tại địa phương

Nội dung hoạt động: Sở Y tế tỉnh, thành phố chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xây dựng kế hoạch sử dụng vaccine COVID-19 tại địa phương và chỉ đạo việc lập danh sách đối tượng tiêm theo nhóm nguy cơ, danh sách đối tượng đồng ý tiêm và không đồng ý tiêm theo mẫu thu thập ý kiến các đối tượng của Bộ Y tế.

Tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 tại Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn
Tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 tại Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn

Xây dựng hướng dẫn tổ chức buổi tiêm

Trong năm 2020, Bộ Y tế đã xây dựng và triển khai hướng dẫn tổ chức tiêm chủng trong bối cảnh dịch COVID-19 tại tất cả các tuyến (Công văn số 2251/BYT-DP ngày 22/4/2020) trong đó hướng dẫn qui định về đảm bảo dự phòng lây nhiễm COVID-19 bao gồm lập kế hoạch tổ chức tiêm, trang bị quần áo bảo hộ, khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đối tượng tiêm trong một buổi tiêm chủng...

Tổ chức buổi tiêm vaccine phòng COVID-19

Vaccine do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất sử dụng 2 liều cho các đối tượng trên 18 tuổi, cách nhau 21 ngày, tiêm bắp, đóng gói 8-10 liều/lọ.

Hình thức tiêm

Tổ chức theo hình thức tiêm chiến dịch trong thời gian ngắn nhất. Sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có, trong trường hợp cần thiết, Sở Y tế các tỉnh, thành phố huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ của nhà nước và tư nhân tham gia tổ chức buổi tiêm.

Cơ sở thực hiện tiêm

Đối với các đơn vị đủ điều kiện tiêm, TTKSBT hướng dẫn các đơn vị tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng theo quy định. Đối với các cơ sở y tế chưa công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng, TTKSBT tỉnh xây dựng kế hoạch, tổ chức các điểm tiêm lưu động theo quy định.

Đối với bệnh viện trung ương, tỉnh/TP, bệnh viện và trung tâm y tế cấp huyện: Thực hiện tiêm cho các đối tượng là các cán bộ y tế của cơ sở, nhân viên tham gia phòng chống dịch tại cơ sở, các đối tượng đang điều trị tại bệnh viện và các đối tượng khác theo kế hoạch của địa phương. Tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị mình và hỗ trợ cho các xã ở các vùng đi lại khó khăn (ít nhất 1 đội cấp cứu lưu động tại mỗi cụm 3-4 xã).

Đối với trạm y tế cấp xã: Tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 tại trạm và điểm tiêm lưu động. Thực hiện tiêm cho các đối tượng là nhân viên y tế, nhân viên tham gia công tác phòng chống dịch, lực lượng quốc phòng, công an, giáo viên trên địa bàn, những người cung cấp các dịch vụ thiết yếu, những người già trên 65 tuổi đang sinh sống trên địa bàn và các trường hợp mắc bệnh mãn tính không điều trị nội trú theo kế hoạch của địa phương, sau khi kết thúc chiến dịch phải tiến hành tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm tại bệnh viện. Tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị mình.

Đối với bệnh viện, bệnh xá, cơ sở y tế... thuộc các bộ, ngành: Xây dựng kế hoạch, thực hiện tiêm cho các đối tượng thuộc ngành mình và hỗ trợ cho ngành y tế để triển khai cho các đối tượng khác (trong trường hợp cần thiết). Tổ chức các đội cấp cứu tại cơ sở tiêm.

Đối với phòng tiêm chủng dịch vụ: Thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng theo chỉ đạo của Sở Y tế. Bố trí các đội cấp cứu tại cơ sở tiêm.

Giám sát và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

Xây dựng Hướng dẫn giám sát chủ động sự cố bất lợi sau tiêm chủng và biến cố bất lợi cần được quan tâm đặc biệt.

Giám sát chủ động sự cố bất lợi sau tiêm chủng: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện giám sát chủ động sự cố bất lợi sau tiêm chủng theo Hướng dẫn của Bộ Y tế. Hệ thống giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng bao gồm các đơn vị thực hiện và các đơn vị phối hợp từ trung ương đến địa phương (tỉnh, thành phố). Khi xảy ra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, quy trình điều tra, báo cáo và thông báo kết quả điều tra, xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng được thực hiện theo Điều 6 Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016.

Quản lý bơm kim tiêm và rác thải y tế sau buổi tiêm

Xây dựng Hướng dẫn xử lý bơm kim tiêm và rác thải y tế sau buổi tiêm chủng theo quy định tại Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNM ngày 31/12/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế và đặc điểm của vaccine COVID.

Thu gom và xử lý bơm kim tiêm, rác thải y tế tại điểm tiêm theo quy định của Bộ Y tế.

Giám sát và báo cáo hoạt động tiêm

Xây dựng biểu mẫu báo cáo, giám sát hoạt động tiêm. Các cơ sở thực hiện tiêm hoàn thiện báo cáo hàng ngày, báo cáo định kỳ và đột xuất theo Hướng dẫn của Bộ Y tế.

(Nguồn: Báo Lao Động)

TAGS

Bộ Chính trị đồng ý chủ trương mua và sử dụng vắc xin COVID-19 cho Nhân dân

Thu Hằng |

Ngày 18/2, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII họp phiên đầu tiên cho ý kiến về việc thực hiện Chỉ thị 48 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2021; nhiệm vụ trọng tâm quý I năm 2021; về chủ trương mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

Những đối tượng nào được ưu tiên khi vắc xin COVID-19 về Việt Nam?

Thanh Mai |

Những người có nguy cơ cao, người yếu thế sẽ được ưu tiên tiêm vắc xin ngừa Covid- 19 trước.

240 người Israel vẫn nhiễm COVID-19 dù đã tiêm vắc xin phòng ngừa

Thanh Mai |

Con số này nhấn mạnh sự cần thiết của việc các cá nhân phải tiếp tục tự bảo vệ mình trong nhiều tuần sau khi tiêm vắc xin.

Việt Nam sẽ thử nghiệm vắc xin COVID-19 thứ 2 trên người trong tháng 1/2021

Thái Bình |

Sau khi nghiên cứu thành công trên động vật, Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) đề nghị Bộ Y tế cho phép thử nghiệm vắc xin COVID-19 Covivac trên người tình nguyện vào tháng 1/2021, sớm hơn gần 2 tháng so với kế hoạch ban đầu.