Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước đến Việt Nam ngày 12-13/12.
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân sẽ thăm Việt Nam từ ngày 12 đến 13/12 theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân, theo thông cáo hôm nay của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng.
Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ hợp tác Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đây là chuyến thăm Việt Nam thứ ba của ông Tập Cận Bình trên cương vị Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc.
Đây là lần thứ ba Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam sau hai chuyến thăm vào các năm 2015 và 2017.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại "Sự kiện Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc" do Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung và Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco, California, Mỹ, ngày 15/11/2023. Ảnh: REUTERS
Người phát ngôn Vương Văn Bân cho biết trong một cuộc họp báo rằng, trong chuyến thăm của ông Tập lần này, Trung Quốc sẽ tập trung vào các lĩnh vực an ninh chính trị, các vấn đề đa phương và hàng hải, đồng thời thúc đẩy hợp tác chiến lược hơn nữa, Reuters đưa tin.
15 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008-2023), quan hệ hai nước ngày càng phát triển theo hướng thực chất, hiệu quả với những thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh, văn hóa - xã hội.
Trung Quốc là nước đầu tiên mà Việt Nam xây dựng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Việt Nam cũng là nước Đông Nam Á đầu tiên mà Trung Quốc thiết lập khuôn khổ quan hệ này.
Về tổng thể, quan hệ Việt-Trung duy trì xu thế phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10-1/11/2022).
Từ đầu năm 2023 đến nay, lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì trao đổi thường xuyên, các chuyến thăm cấp cao được tích cực triển khai.
Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD (tăng 5,47%), trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD (tăng 3,18%), nhập khẩu đạt 117,86 tỷ USD (tăng 6,63%), nhập siêu 60,17 tỷ USD (tăng 10,18%).
Trong 9 tháng đầu năm 2023, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đạt gần 2,1 tỷ USD với 478 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 2 tại Việt Nam. Lũy kế đến 20/9/2023, Trung Quốc duy trì vị trí thứ 6/144 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam.
Về du lịch từ ngày 15/3, Trung Quốc chính thức khôi phục cho phép các đoàn khách du lịch đi Việt Nam, mở lại một số tuyến bay thương mại giữa các địa phương hai nước (Hà Nội - Bắc Kinh) và điều chỉnh chính sách thị thực, xuất nhập cảnh, kiểm dịch y tế đối với người nước ngoài đến Trung Quốc.
Tháng 6, Việt Nam đã đón hơn 158.000 lượt khách Trung Quốc, tăng 108% so với tháng 5, đưa tổng số khách Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm lên hơn 557.000 lượt khách.
Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022 đề cập đầy đủ tất cả lĩnh vực trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, nêu lên những yêu cầu, phương hướng, nội dung hợp tác cụ thể đối với từng lĩnh vực từ định hướng chung, hợp tác giữa hai Đảng, hợp tác kinh tế, thương mại, quốc phòng - an ninh, văn hóa, y tế, giáo dục...; xác định quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện nay là quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện thời đại mới.
Các lĩnh vực chủ chốt trong hợp tác Việt Nam - Trung Quốc sẽ được thúc đẩy theo hướng duy trì và củng cố thành quả, từng bước giải quyết tồn tại, tháo gỡ vướng mắc.
(Nguồn: Tổng hợp/ Phụ nữ Mới)