Ngày 5/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì diễn đàn Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề Phục hồi và phát triển bền vững. Diễn đàn được Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đồng tổ chức, được kết nối trực tuyến với 57 điểm cầu tại địa phương và 3 điểm cầu quốc tế với sự tham gia của 500 đại biểu. Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Đức Thắng tham dự tại điểm cầu Quảng Trị.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong 2 năm qua, để ứng phó với dịch bệnh, hỗ trợ cho kinh tế và xã hội, Việt Nam đã sử dụng khá đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác. Tổng quy mô các gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ của Việt Nam trong 2 năm 2020 và 2021 ước khoảng 4 %, thấp hơn mức bình quân của các nước trên thế giới.
Thời gian qua, Quốc hội cũng đã ban hành nghị quyết quyết định về chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, vay và trả nợ công, đầu tư công, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế của giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, trong kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã ban hành nghị quyết giao Chính phủ xây dựng triển khai theo thẩm quyền, chương trình tổng thể để phòng, chống COVID- 19 theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, đồng thời phục hồi và phát triển kinh tế.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 lần này là cơ hội để Quốc hội, các cơ quan, tổ chức lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các đối tác phát triển của Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, Nhân dân, cử tri, cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước hiến kế các giải pháp tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững.
Diễn đàn được chia thành 2 phiên. Phiên toàn thể buổi sáng là tọa đàm cấp cao với chủ đề “Một số gợi ý đối với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”. Phiên buổi chiều gồm 2 chuyên đề: “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế” và “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.
Tại diễn đàn, các diễn giả trao đổi, giải đáp, tập trung phân tích tình hình, bối cảnh quốc tế, dự báo, đánh giá về diễn biến của COVID-19 với biến thể, biến chủng mới; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế do tác động của COVID-19; nghiên cứu các chính sách ứng phó với COVID-19 đã được thực hiện trên thế giới, hiệu quả và những rủi ro đi kèm, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Trên cơ sở đó, diễn đàn đề xuất những kiến nghị, gợi ý quan trọng về xây dựng chương trình tổng thể phục hồi kinh tế-xã hội với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, huy động và sử dụng tối đa, đồng bộ, hiệu quả nguồn lực. Thực hiện linh hoạt, phù hợp, kết hợp chính sách tiền tệ và tài khóa, tận dụng tối đa những dư địa của nền kinh tế, gắn kết chặt chẽ với chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm về kinh tế-xã hội, tài chính công, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, phát triển văn hóa, bảo đảm trật tự an toàn, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)