Trong những năm Việt Nam còn chìm trong khói lửa chiến tranh, Cuba không chỉ là nước đầu tiên tại Tây Bán cầu lập quan hệ ngoại giao mà còn đi đầu trong phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập.
Ngày 2/12/1960, Cộng hòa Cuba đã trở thành quốc gia đầu tiên tại Tây Bán cầu thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong sáu thập niên qua, hai dân tộc cách nhau nửa vòng Trái Đất và khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa nhưng có chung khát vọng cháy bỏng và ý chí đấu tranh kiên cường vì hòa bình, tự do, độc lập ấy đã không ngừng phát triển một tình đoàn kết đặc biệt, mà lãnh đạo hai nước đã nhiều lần tự hào nhận định là mẫu mực trong quan hệ quốc tế.
Trong những năm Việt Nam còn chìm trong khói lửa chiến tranh, Cuba không chỉ là nước đầu tiên tại Tây Bán cầu lập quan hệ ngoại giao mà còn đi đầu trong phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam.
Trong trái tim của nhiều người Việt Nam, vẫn vang mãi câu nói “Cần phải tạo ra 2, 3, thật nhiều Việt Nam” của người du kích anh hùng “Che” Guevara hay tuyên bố sục sôi nhiệt huyết “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” của lãnh tụ cách mạng lịch sử Fidel Castro.
Và Cuba đã thực sự hiến dâng mồ hôi, nước mắt và cả máu cho Việt Nam. Đó là những cuộc tuần hành hàng nghìn người, những vận động không ngừng nghỉ và đa dạng trong phong trào ủng hộ Việt Nam có tổ chức và quy mô nhất Mỹ Latinh; những nhóm kỹ sư, bác sỹ và chuyên gia quân sự Cuba đã hăng hái sang đường nhận nhiệm vụ tại Việt Nam và trong đó có những người đã ngã xuống; hàng trăm nghìn tấn đường viện trợ; hàng nghìn sinh viên Việt Nam được đào tạo miễn phí tại các trường đại học của Cuba.
Khi đó, những diễn biến hằng ngày tại Việt Nam là những tin tức thời sự được quan tâm hàng đầu tại Cuba.
Người dân Cuba cảm nhận như của chính mình mỗi chiến thắng trên con đường thống nhất đất nước đầy chông gai của dân tộc Việt Nam và cùng vỡ òa vui sướng trong ngày toàn thắng 30/4/1975 của “đất nước hình chữ S.”
Ngay cả trong thơ ca, tình cảm với Việt Nam cũng sâu đậm, điển hình như bài hát “Lòng mẹ” mà nhạc sỹ huyền thoại Silvio Rodríguez viết tặng những người mẹ Việt Nam đã mất con dưới làn bom Mỹ năm 1972, với điệp khúc: “Mẹ ơi, trong ngày của mẹ; của Mẹ Tổ quốc và Mẹ cách mạng; Mẹ ơi, trong ngày của mẹ; các con của mẹ đang quét bom mìn tại Hải Phòng.”
Cuba và lãnh tự cách mạng Fidel đã truyền nhiệt huyết cho phong trào thế giới đoàn kết và ủng hộ Việt Nam cũng như làn sóng phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam ngay trong lòng nước Mỹ.
Còn trong cuộc cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh, ít nhất 5 công trình kinh tế-xã hội Cuba hỗ trợ Việt Nam: Bệnh viện Đồng Hới, Khách sạn Thắng Lợi, Trại gà Lương Mỹ, Nông trường bò Mộc Châu, đoạn đường Sơn Tây-Xuân Mai đến nay vẫn còn phát huy hiệu quả.
Về phần mình, Việt Nam luôn ủng hộ Cuba, yêu cầu Mỹ dỡ bỏ ngay lệnh bao vây cấm vận đơn phương và phi lý chống Cuba trong hơn suốt nửa thế kỷ qua.
Lập trường kiên định này đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tái khẳng định trong thông điệp gửi tới Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 25/9 vừa qua.
Cùng với việc cung cấp gạo hằng năm, Việt Nam cũng hỗ trợ Cuba triển khai các dự án sản xuất lúa quy mô hộ gia đình trước đây và các dự án quy mô lớn hơn từ năm 2009 đến nay nhằm giúp Cuba từng bước hướng tới mục tiêu giảm nhập khẩu và đảm bảo an ninh lương thực.
Và nếu Cuba từng sẵn sàng hiến dâng cả máu cho Việt Nam, thì “đoàn kết với Cuba là mệnh lệnh của trái tim và khối óc” đối với mỗi người Việt Nam, như Đại biểu Quốc hội Yolanda Ferrer Gómez, Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam, từng ghi nhận được và mô tả lại với phóng viên TTXVN: “Khi nói về Việt Nam, thường tôi không muốn dùng khái niệm hữu nghị, mà luôn dùng từ tình anh em. Vì tình cảm mà hai dân tộc chúng ta dành cho nhau vượt lên trên khuôn khổ của các tổ chức, thể chế, mà là sự quan tâm thật sự, tình cảm từ đáy lòng"...
Bà Yolanda Ferrer Gómez xúc động nhớ lại thời điểm đầu những năm 1990, Cuba đối diện hoàn cảnh khó khăn sau khi khối xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu tan rã: "Đó chính là lúc chúng tôi nhận được sự giúp đỡ quý báu từ Việt Nam. Tôi không chỉ nói về những khoản viện trợ, giúp đỡ của nhà nước, mà là nghĩa cử của từng người dân Việt Nam. Khi tới thăm một trường tiểu học ở một tỉnh miền Bắc, tôi đã đi từ ngỡ ngàng khi các em đồng thanh hát bài "Guantanamera" tới xúc động sâu sắc khi nhận một chiếc hộp mà ở trong chứa tiền quyên góp ủng hộ Cuba mà các em đã nhịn quà sáng để đóng góp. Đó gần như là điều đầu tiên hiện lên trong tâm trí tôi mỗi khi tôi nhớ về Việt Nam.”
Nhìn lại chặng đường 60 năm vừa qua, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Thanh Tùng nhận định: “Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đã tạo dựng một mối quan hệ đặc biệt với 3 trụ cột “đoàn kết anh em,” “hợp tác toàn diện” và “tin cậy lẫn nhau”...
Hai nước thường xuyên chia sẻ sâu rộng và tin cậy với nhau về các bài học kinh nghiệm, cả thành công và chưa thành công, đúc kết được trong công cuộc phát triển ở mỗi nước trên tất cả các lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị-hành chính; xây dựng và triển khai chính sách, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, tài chính-tiền tệ, doanh nghiệp nhà nước; đồng thời, coi trọng phát triển quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh...
Việt Nam và Cuba thường xuyên sát cánh, hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trên mặt trận đối ngoại nhằm bảo vệ các lợi ích chính đáng của nhau, đồng thời, đóng góp vào các nỗ lực chung vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Vào cuối thập niên 1990, Việt Nam đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế.
Cuba bày tỏ sẵn sàng đón cán bộ ngoại giao Việt Nam để cùng làm việc và trao đổi kinh nghiệm về ngoại giao đa phương với các đồng nghiệp Cuba ngay tại trụ sở Bộ Ngoại giao bạn. Đó là cử chỉ hiếm có trong quan hệ quốc tế.”
Thời điểm kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao trùng dịp chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tại Việt Nam và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII tại Cuba.
Hai nước đồng thời cũng đang phải thích ứng, đối phó với những thay đổi sâu rộng, phức tạp và nhanh chóng trong đời sống chính trị-kinh tế quốc tế, nhất là do tác động của đại dịch COVID-19 và cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa các nước lớn gây ra.
Tình hình mới này đòi hỏi Việt Nam và Cuba phải tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế hợp tác song phương đã được thiết lập trên tất cả các kênh quan hệ Đảng, Nhà nước, các cấp bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và địa phương, nhằm hiện thực hóa thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đưa quan hệ hợp tác kinh tế từng bước lên ngang tầm mối quan hệ chính trị tốt đẹp.
Đại sứ Lê Thanh Tùng nhấn mạnh: “Ôn lại chặng đường 60 năm quan hệ đoàn kết anh em, hợp tác toàn diện và tin cậy lẫn nhau Việt Nam-Cuba là dịp để các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước, tự hào, gìn giữ, tiếp tục hun đúc và ngày càng làm giàu thêm di sản chung hết sức quý báu này của hai dân tộc.”
Chia sẻ quan điểm trên, nữ Đại biểu Quốc hội Yolanda Ferrer Gómez khẳng định việc truyền lửa cho thế hệ tương lai chính là yếu tố then chốt nhất để giữ cho tình hữu nghị anh em đặc biệt giữa hai dân tộc mãi mãi xanh tươi và bền chặt.
(Nguồn: TTXVN)