Góp sức xây dựng nông thôn mới với các mô hình hay, ý nghĩa

Thanh Lê |

Sau 14 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), đến năm 2024 huyện Vĩnh Linh được công nhận đạt chuẩn NTM. Quá trình thực hiện, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, đem lại hiệu quả cao, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn Vĩnh Linh khởi sắc từng ngày.

 
 Một tuyến đường hoa do hội viên phụ nữ thực hiện tại xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh -Ảnh do cơ sở cung cấp
      

“Lan tỏa phong trào tự nguyện xin thoát nghèo”, đó là tên gọi một mô hình đang được triển khai thực hiện tại xã Vĩnh Ô. Không còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách ưu đãi của Nhà nước, chủ động trong sản xuất, tìm kiếm việc làm để nâng cao thu nhập, nhiều hộ nghèo là đồng bào dân tộc Vân Kiều đã tự nguyện xin thoát nghèo.

Thời gian qua, được sự quan tâm từ các cấp chính quyền, với sự cần cù, tháo vát trong công việc nên nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Vĩnh Ô đã xây dựng được nhà kiên cố, mua sắm thêm vật dụng, phương tiện nghe nhìn hiện đại phục vụ nhu cầu cuộc sống.

Tuy nhiên, sổ hộ nghèo vẫn luôn thường trực trong các gia đình này, các hộ xem đây như “vật hộ thân” không thể thiếu trong cuộc sống. Nhờ sổ hộ nghèo, các gia đình nhận được nhiều sự hỗ trợ về tiền điện, vốn vay sản xuất, hay việc học tập, việc làm của con em đều được Nhà nước hỗ trợ. Đây là tình trạng chung của gần 100/374 hộ tại xã Vĩnh Ô.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, người dân đã đồng thuận, tích cực hưởng ứng chương trình MTQG xây dựng NTM, chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều hộ gia đình đã chủ động viết đơn tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo.

Tháng 10/2023, anh Hồ Văn Uân, thôn Cây Tăm là gia đình đầu tiên tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo. Từ tấm gương của anh Uân, 4 hộ khác tại thôn Cây Tăm gồm: Hồ Văn Trung, Hồ Văn Hiệu, Hồ Văn Xan, Hồ Văn Nhiên cũng có đơn gửi chính quyền xã Vĩnh Ô xin ra khỏi hộ nghèo.

Đặc biệt có 2 hộ do phụ nữ làm chủ hộ là Hồ Thị Nhậu, Hồ Thị Ang ở thôn Lền đã trực tiếp gặp chính quyền địa phương để bày tỏ nguyện vọng và viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Tính đến cuối năm 2023, xã Vĩnh Ô ghi nhận gần 15 trường hợp tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo. Nhằm kịp thời động viên, đồng hành với các hộ thoát nghèo, huyện Vĩnh Linh chỉ đạo xã Vĩnh Ô triển khai kế hoạch chuyển đổi sinh kế, hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế.

Các mô hình này tập trung vào khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng núi như: chăn nuôi đại gia súc, trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, kinh doanh dịch vụ...Cùng với đó, tranh thủ tối đa mọi nguồn lực đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ dân sinh, đào tạo nghề, cải thiện điều kiện sinh hoạt, sản xuất cho người dân.

Từ những nỗ lực đó, đến cuối năm 2024, tỉ lệ nghèo đa chiều của xã Vĩnh Ô giảm còn dưới 6,5%. Hộ nghèo giảm, đời sống người dân từng bước được nâng cao đã góp phần quan trọng giúp xã Vĩnh Ô về đích NTM theo đúng kế hoạch đề ra.

Được xây dựng điểm tại thôn Thủy Tú, xã Vĩnh Tú vào tháng 10/2020, mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” cũng là một cách làm hay góp phần xây dựng NTM tại huyện Vĩnh Linh. Đến nay, toàn huyện đã thành lập mới 10 mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” và 10 mô hình nhóm cha mẹ có con từ 0-10 tuổi tại các xã: Trung Nam, Hiền Thành, Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, Vĩnh Chấp, Vĩnh Sơn, Vĩnh Tú với hơn 700 thành viên tham gia.

Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” đã được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao và nhận được sự ủng hộ của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ, người dân trong cộng đồng. Tham gia sinh hoạt, các thành viên được trao quyền để trở thành tình nguyện viên trực tiếp tham gia và tổ chức các hoạt động an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Đồng thời, các thành viên trong mô hình đã tích cực hỗ trợ lẫn nhau, trợ giúp sinh kế cho hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo; tham gia đỡ đầu trẻ em khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn; tiên phong, tích cực tiếp nhận thông tin và đề xuất, kiến nghị giải pháp cùng các đoàn thể phối hợp khắc phục, xử lý vấn đề nổi cộm phát sinh trên địa bàn. Mô hình đã trở thành điểm sáng, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động, tạo được sự lan tỏa trong cách ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa của người dân.

Từ đó, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và ngăn ngừa bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em. Các vụ việc nổi cộm, gây bức xúc tại địa phương được phát hiện và kiến nghị giải quyết kịp thời, đóng góp tích cực vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu trên địa bàn.

Để góp phần thực hiện chương trình xây dựng NTM, mô hình “Phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình” được Hội LHPN huyện Vĩnh Linh triển khai đến hội phụ nữ các xã. Hoạt động đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của các hội viên và người dân địa phương. Đến nay toàn huyện có trên 88% số hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn. Hiệu quả của việc phân loại rác và xử lý chất thải rắn tại nguồn góp phần giảm lượng rác thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp tại bãi rác trung tâm.

Để góp sức cùng địa phương xây dựng huyện NTM, thời gian qua, Hội LHPN huyện còn phát động phong trào thi đua “Phụ nữ Vĩnh Linh chung sức xây dựng NTM”. Hằng năm, Hội LHPN huyện và 100% cơ sở hội đã đăng ký với với cấp ủy, chính quyền cùng cấp từ 1-2 hoạt động thiết thực, phù hợp tham gia xây dựng NTM và đô thị văn minh với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa, đi vào chiều sâu.

Theo đó, hội đã đăng ký 105 công trình, phần việc gắn với hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh; thực hiện ra quân chỉnh trang NTM với hơn 7.000 ngày công; xây dựng 179 tuyến đường phụ nữ tự quản xanh - sạch - đẹp- văn minh; ra mắt 106 mô hình “phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình”; 83 mô hình “Ngôi nhà xanh”; 6 mô hình “Gia đình 5 có 3 sạch” tại các thôn đạt NTM kiểu mẫu.

Với phương châm “Mỗi cơ sở hội - một công trình cây xanh”, “Mỗi phụ nữ - một cây xanh”, các cấp hội đã triển khai thực hiện nhiều công trình “Đường hoa yêu thương”, đoạn đường kiểu mẫu, trồng mới trên 4.500 cây xanh với tổng kinh phí trên 450 triệu đồng. Thực hiện tuyên truyền, vận động hơn 120 hộ gia đình tình nguyện hiến trên 1.300 m2 đất và nhiều tài sản trên đất với tổng trị giá trên 500 triệu đồng để xây dựng NTM.

Xây dựng NTM không phải là đích đến mà là một hành trình liên tục đổi mới, sáng tạo vìmục tiêu phát triển KT-XH tại vùng nông thôn, giúp người dân thay đổi cuộc sống. Trên đây chỉ là 3 trong số nhiều cách làm hay, hiệu quả đã triển khai thời gian qua nhằm góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn tại huyện Vĩnh Linh, giúp địa phương sớm về đích huyện NTM.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

TAGS

Phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới

Thanh Lê |

 “Xây dựng nông thôn mới (NTM) là xây dựng quê hương. Mà quê hương là của mình thì chính mình phải lo trước!”, chia sẻ mộc mạc của Trưởng thôn Lam Thủy, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng Võ Công Trong như lột tả được trọn vẹn tinh thần cốt lõi của chương trình xây dựng NTM tại Quảng Trị - người dân chính là chủ thể của chương trình xây dựng NTM.

Đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở góp phần xây dựng nông thôn mới

Thanh Lê |

Trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bênc ạnh các tiêu chí về hạ tầng, kinh tế và văn hóa, việc giữ vững an ninh trật ự (ANTT) tại cơ sở đóng vai trò nền tảng, tạo môi trường ổn định để phát triển KT-XH nhanh, bền vững. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã quan tâm tuyên truyền sâu rộng, vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, đẩy lùi các tệnạn xãhội, xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ, góp phần ổn định khu vực nôngt hôn.

Quan tâm chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Thanh Lê |

Trong quá trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Quảng Trị luôn chú trọng đổi mới cách làm, trong đó, chuyển đổi số được xem là giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả trong quản lý, điều hành cũng như trong sản xuất, kinh doanh của người dân. Thực tế cho thấy, việc áp dụng các công nghệ số vào đời sống nông thôn không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần xây dựng NTM theo hướng thông minh, hiện đại, bền vững.

Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới

Thiện Long |

Kinh tế tập thể (KTTT) đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển. KTTT nếu phát triển đúng hướng, sẽ là một yếu tố và động lực cơ bản để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất trên mọi phương diện cho nông dân, tạo nền tảng thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Hiệu quả công tác tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới ở xã Hải Lệ

Minh Anh |

Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), UBND xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị đã phát động phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng xã Hải Lệ đạt chuẩn NTM nâng cao” giai đoạn 2021 - 2025. Sau hơn 3 năm thực hiện, xã Hải Lệ đã có những thay đổi tích cực, nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa của người dân. Đến nay, xã Hải Lệ đã đạt 19 tiêu chí NTM nâng cao.