Các chuyên gia kinh tế dự báo, sẽ có hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2021. Theo đó, kịch bản 1 tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 5,98% và kịch bản 2 là 6,46%.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021 - Cải cách hội nhập và phát triển” được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tổ chức sáng nay (15/1), tại Hà Nội.
Mặc dù năm 2020 chứng kiến nhiều biến động của nền kinh tế do diễn biến khó lường của đại dịch Covid 19, song với sự điều hành của Chính phủ trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nước ta là một trong số nước hiếm hoi đạt tốc độ tăng trưởng dương 2,91%, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới chỉ đạt mức tăng trưởng âm.
Kinh tế vĩ mô vẫn tương đối ổn định, thể hiện sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài ít nhiều được thể hiện. Lạm phát có xu hướng ổn định, bình quân 2,32%. Khu vực doanh nghiệp mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp của dịch, song hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo được từng bước hoàn thiện, tạo ra làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết: “Chúng ta đã thành công trong kiểm soát dịch Covid-19. Chúng ta đã đạt được mục tiêu kép. Qua đó vượt qua được những khó khăn ban đầu. Đây cũng là thành công đáng khích lệ và sẽ là đà phát triển trong năm 2021. Kết quả này thể hiện những nỗ lực của tất cả bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp”.
Trong năm 2021, các chuyên gia kinh tế dự báo, sẽ có một số những rủi ro đối với nền kinh tế, đó là: Phục hồi kinh tế không đều ở các thị trường đối tác; xu hướng nới lỏng tiền tệ và giảm giá đồng nội tệ ở nhiều nước khác ở Châu Á trong bối cảnh Covid-19. Cùng với đó là các nước nhập khẩu gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại…
Về dự báo cho tăng trưởng kinh tế năm 2021 có hai kịch bản được đưa ra. Kịch bản 1 là tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 5,98% và kịch bản 2 là 6,46%. Thông điệp được các chuyên gia kinh tế đưa ra, là cần tiếp tục tập trung vào cải cách nền kinh tế vi mô. Đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro gắn với Covid-19 trong bối cảnh bình thường mới.
Các nỗ lực này không thể tách rời mà là phần tiên quyết ngay trong kế hoạch phục hồi kinh tế của Việt Nam. Tiếp tục theo dõi diễn biến của dịch Covid 19 và các biện pháp phòng, chống phù hợp vẫn là vấn đề quan trọng. Thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập và phải thực hiện phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, thị trường trong nước không phải là tách rời với thị trường bên ngoài. Chúng ta phải xem thị trường trong nước kết nối với thị trường nước ngoài. Trong khi thị trường thế giới gặp khó khăn, xuất khẩu tăng trưởng chậm ở các thị trường lớn như Mỹ, EU chưa thể hồi phục nhanh thì việc khai thác thị trường trong nước là rất quan trọng. Theo đó, cần đẩy nhanh việc đầu tư công, khai thác khu vực kinh tế tư nhân, liên kết doanh nghiệp nhỏ và vừa vào các chuỗi giá trị để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường.
(Nguồn: VOV1)