Thực hiện Hiệp ước hoạch định, từ năm 1978, hai bên đã tiến hành phân giới, cắm mốc và cơ bản hoàn thành công tác này vào năm 1987. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, biên giới giữa Việt Nam và Lào vẫn còn tồn tại ba vấn đề và được giải quyết trong giai đoạn sau này.
Thành lập bộ bản đồ đường biên giới chính thức
Trong quá trình hoạch định, hai bên cùng nhận thấy bản đồ Pháp tỷ lệ 1/100.000 có nhiều hạn chế nên đã thỏa thuận tại Điều IV của Hiệp ước Hoạch định là: “Bản đồ đường quốc giới giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào do Ủy ban Liên hợp lập sẽ thay thế cho bản đồ gồm 48 mảnh nói ở Điều I của Hiệp ước này và được lấy làm căn cứ chính thức”.
Tuy nhiên, trong giai đoạn phân giới, cắm mốc 1978-1987, do còn nhiều khó khăn về kinh tế cũng như kỹ thuật, công nghệ, nên hai bên chưa thành lập được bộ bản đồ biên giới chính thức như đã thỏa thuận.
Từ năm 1995 đến năm 2003, Việt Nam và Lào đã phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả trong việc xây dựng và thực hiện Dự án thành lập bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam – Lào tỷ lệ 1/50.000.
Bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam – Lào tỷ lệ 1/50.000 được thành lập năm 2003 đã thể hiện chính xác, rõ ràng đường biên giới và hệ thống mốc quốc giới, là tài liệu pháp lý kỹ thuật hết sức quan trọng về biên giới lãnh thổ giữa hai nước. Cùng với việc hoàn thành Dự án thành lập bản đồ hai bên đã giải quyết tốt những mâu thuẫn sai lệch về đường biên, mốc giới được phát hiện trong quá trình chuyển vẽ đường biên giới, mốc quốc lên bản đồ mới thành lập.
Sau khi được cấp có thẩm quyền của hai nước phê chuẩn cho phép đưa vào sử dụng, bộ bản đồ mới thành lập, sẽ thay thế cho bộ bản đồ tỷ lệ 1/100.000 đính kèm Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước ký ngày 18/7/1977 như quy định tại Điều IV của Hiệp ước và là căn cứ chính thức để quản lý và giải quyết các vấn đề có liên quan đến biên giới giữa hai nước.
Hoàn tất việc phân giới trên thực địa
Trong quá trình phân giới, cắm mốc 1978-1987, hai bên đã cơ bản đi thông tuyến và phân giới trên thực địa được gần hết đường biên giới chung. Tuy nhiên, do địa hình quá hiểm trở hoặc có bom, mìn nên vẫn còn 20 đoạn biên giới tồn đọng với chiều dài tổng cộng khoảng 190 km chưa được phân giới trên thực địa (trong đó có 02 đoạn liên quan đến nước thứ ba là Trung Quốc và Campuchia). Để hoàn thiện chất lượng đường biên giới Việt Nam – Lào trên cả các tài liệu pháp lý và thực địa, từ năm 1999, kết hợp với quá trình xây dựng bộ bản đồ biên giới chung, hai bên đã phối hợp đi phân giới trên thực địa hoặc sử dụng bản đồ mới với độ chính xác cao, rõ ràng để giải quyết được hết các đoạn biên giới còn tồn đọng trước đây. Bên cạnh đó, hai bên cũng đã phối hợp giải quyết vấn đề xác định vị trí ngã ba biên giới với các nước có liên quan, cụ thể:
– Về vị trí ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc, từ năm 2004, hai bên đã phối hợp với phía Trung Quốc nghiên cứu và xác định được điểm giao nhau của ba đường biên giới Việt Nam – Lào, Việt Nam – Trung Quốc và Lào – Trung Quốc tại đỉnh Khoan La San; đến tháng 6/2005, ba bên đã hoàn thành việc xây dựng cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc; và ngày 10/10/2006 đã cùng nhau ký kết “Hiệp ước xác định giao điểm đường biên giới giữa nước CHXHCN Việt Nam, CHDCND Lào và CHND Trung Hoa”.
Trên cơ sở cột mốc ngã ba Việt Nam – Lào – Trung Quốc đã được xác định vị trí và xây dựng trên thực địa cùng với Hiệp ước ba bên Việt Nam – Lào – Trung Quốc ký ngày 10/10/2006, hai bên đã đàm phán và đến ngày 16/11/2007 ký kết “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định đường biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam – Lào”.
– Về vị trí ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia, từ năm 2007, hai bên đã phối hợp với phía Campuchia nghiên cứu và xác định được điểm giao nhau của ba đường biên giới Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia và Lào – Campuchia; đến tháng 02/2008, ba bên đã hoàn thành việc xây dựng cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia; và ngày 26/8/2008 đã cùng nhau ký kết “Hiệp ước xác định giao điểm đường biên giới giữa nước CHXHCN Việt Nam, CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia”.
Tăng dày hệ thống cột mốc để làm rõ đường biên giới
Kết quả phân giới, cắm mốc giai đoạn 1978-1987, hai bên đã xây dựng được 199 mốc quốc giới với 214 cột mốc, trong đó có 190 mốc đơn, 03 cụm mốc đôi và 06 cụm mốc ba. Tuy nhiên, hai bên cũng nhận thấy mật độ mốc đã cắm quá thưa (bình quân trên 10 km một mốc, cá biệt có những nơi gần 40 km một mốc) nên đã thỏa thuận tại khoản 5, Điều II, Nghị định thư phân giới, cắm mốc ký ngày 24/01/1986 như sau:“Ở những nơi mà hai bên thấy cần thiết phải cắm thêm mốc nhỏ để làm cho biên giới nơi đó được rõ ràng, thuận tiện cho việc quản lý, hai bên sẽ bàn bạc cụ thể về các vấn đề có liên quan và báo cáo lên Chính phủ hai bên”.
Từ tháng 05/2008, Việt Nam và Lào chính thức triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào nhằm mục đích hoàn thiện hệ thống mốc quốc giới giữa hai nước theo hướng chính xác, hiện đại, bền vững và thống nhất trên toàn tuyến biên giới. Tổng số mốc tăng dày và tôn tạo gồm 792 cột mốc với 16 mốc đại, 190 mốc trung, 586 mốc tiểu. Thời gian thực hiện Kế hoạch bắt đầu từ năm 2008, trong đó ưu tiên cắm mốc ở khu vực có cửa khẩu và khu vực có đường giao thông thuận lợi đi qua nhằm tăng cường hợp tác, giao lưu phát triển kinh tế và ổn định trật tự an toàn xã hội vùng biên giới.
Trong suốt quá trình thực hiện dự án, hai bên đã phối hợp huy động trên 1.000 người tham gia; thực hiện trên 8.000 lần tiếp cận vị trí mốc, làm hàng ngàn km đường để phục vụ việc vận chuyển trên 5.000 tấn nguyên vật liệu; san ủi, giải phóng mặt bằng; đào đắp hàng chục ngàn m3 đất đá phục vụ thi công xây dựng mốc. Nhờ đó, hệ thống mốc quốc giới giữa hai nước hiện có 1.002 cột mốc và cọc dấu tại 905 vị trí, được ghi nhận chi tiết tại Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam-Lào ký ngày 16/3/2016.
Tại Hội nghị tổng kết công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt – Lào tại Hà Nội ngày 19/9/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người đứng đầu chính phủ cho biết: “Công trình này là biểu tượng sinh động của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa hai nước, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của hai bên”.
(Nguồn: Thời đại)