Trong thời gian qua, nhiều nước đã lên án Trung Quốc vì xây dựng các trại giam dưới hình thức các trại cải tạo tập trung ở Tân Cương.
Ngày 19/1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Trung Quốc phạm tội 'diệt chủng và tội ác chống lại loài người' trong cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, đây được coi là đòn giáng cuối cùng vào Trung Quốc của chính quyền ông Trump.
Ông Pompeo khẳng định đây là kết luận "sau khi đã kiểm tra cẩn thận các dữ liệu có sẵn", cáo buộc chính phủ Bắc Kinh đã thực hiện tội ác chống lại người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ít nhất là từ tháng 3-2017.
"Tôi tin rằng cuộc diệt chủng này đang diễn ra và chúng ta đang chứng kiến nỗ lực có hệ thống nhằm tiêu diệt người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc" - ông Pompeo nói.
Dù nhiều nước lên án Trung Quốc xây dựng các trại giảm dưới hình thức cải tạo tập trung ở Tân Cương nhưng Bắc Kinh vẫn một mực khẳng định đó là trung tâm đào tạo nghề.
Ngày 27-12-2020, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật yêu cầu chính quyền Washington phải xác định trong vòng 90 ngày rằng Trung Quốc có phạm tội ác chống lại loài người hay tội diệt chủng hay không.
Ông Antony Blinken, người được Tổng thống đắc cử Joe Biden đề cử vào chức Ngoại trưởng, nói với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện trong phiên điều trần xác nhận đề cử ngày 19-1 rằng ông đồng ý với tuyên bố diệt chủng. Ông khẳng định một trong những điều ông sẽ làm trong 30 ngày đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ là "xem xét để đảm bảo không nhập khẩu các sản phẩm do lực lượng lao động bị cưỡng bức ở Tân Cương làm ra".
"Tôi nghĩ chúng tôi hoàn toàn đồng ý. Việc cưỡng ép đàn ông, phụ nữ và trẻ em vào các trại tập trung mà trên thực tế là cố gắng giáo dục họ trở thành những người tuân theo hệ tư tưởng, tất cả điều đó nói lên nỗ lực thực hiện tội ác diệt chủng" - ông Blinken cho biết.
Trước đó, Trung Quốc đã bác bỏ báo cáo của Quốc hội Mỹ nói rằng "tội ác chống lại loài người, và có thể là diệt chủng, đang xảy ra" ở Tân Cương.
(Nguồn: Phụ nữ mới)