Mỹ kiềm tỏa Trung Quốc trên nhiều mặt trận

Thu Hằng |

Thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân Mỹ-Australia được cho là một phần của chiến lược dựa trên liên minh rộng lớn hơn nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Theo trang Asiatimes, Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương đang nóng lên khi khu vực này ngày càng chia rẽ thành các phe đối lập với một bên là liên minh lỏng lẻo gồm các cường quốc do Mỹ dẫn đầu và một bên là Trung Quốc.

Những nỗ lực thách thức kinh tế đầu tiên thông qua cuộc chiến thương mại mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động đang trở nên khiêu khích hơn về mặt quân sự dưới thời Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.

Tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân USS John Warner của Mỹ, cùng loại mà Australia sẽ sớm được hỗ trợ phát triển. Nguồn: Hải quân Hoa Kỳ
Tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân USS John Warner của Mỹ, cùng loại mà Australia sẽ sớm được hỗ trợ phát triển. Nguồn: Hải quân Hoa Kỳ

Xu hướng đó trở nên rõ ràng hơn hết vào tuần trước, khi Mỹ, Anh tuyên bố sẽ cung cấp cho Australia công nghệ và khả năng phát triển, triển khai các tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân trong một thỏa thuận an ninh ba bên mới (viết tắt là AUKUS), được cho là sẽ gây thêm áp lực lên các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và các vùng biển khác.

Asiatimes cho rằng các tàu ngầm hạt nhân sẽ làm nghiêng cán cân chiến lược trong khu vực và có khả năng khiến Trung Quốc tập trung nhiều năng lượng cho an ninh ở gần lãnh thổ quốc gia hơn và ít tập trung hơn vào các khu vực xa. Nhìn từ góc độ đó, thỏa thuận tàu ngầm bị xem như một phần của chiến lược bao vây phối hợp, mà Bắc Kinh chắc chắn sẽ coi là mối đe dọa đối với kế hoạch gia tăng và củng cố sự hiện diện của họ ở khu vực Ấn Độ Dương.

Trước khi công bố thành lập AUKUS, Mỹ và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận mới vào ngày 30/7 để cùng phát triển Phương tiện bay Không người lái Phóng từ trên không (ALUAV). Đây là hợp tác mới nhất trong khuôn khổ Thỏa thuận ghi nhớ nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và đánh giá giữa Bộ Quốc phòng hai nước được ký kết lần đầu tiên vào năm 2006 và gia hạn vào năm 2015.

Một tuyên bố hôm 3/9 đã mô tả thỏa thuận này là một bước tiến nữa nhằm “tăng cường hợp tác công nghệ quốc phòng giữa hai quốc gia thông qua việc đồng phát triển thiết bị quốc phòng”.

Thuỷ thủ tàu hải quân Trung Quốc trên vùng biển phía đông Ấn Độ Dương. Ảnh: Asiatimes/ Twitter
Thuỷ thủ tàu hải quân Trung Quốc trên vùng biển phía đông Ấn Độ Dương. Ảnh: Asiatimes/ Twitter

Trong khi đó, đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á là Nhật Bản cũng đang tổ chức các cuộc tập trận lớn nhất kể từ năm 1993.

Trung Quốc không được đề cập rõ ràng như một mục tiêu trong bất kỳ thỏa thuận hay cuộc tập trận nào gần đây. Các quan chức chính quyền Biden khẳng định với truyền thông rằng liên minh đối tác ba bên mới AUKUS “không nhằm chống lại Bắc Kinh”. Thỏa thuận Mỹ-Ấn cũng được công bố mà không đề cập đến Trung Quốc.

Nhưng giới phân tích cho rằng họ không nhầm khi nhận định ông Biden đang hiện thực hóa cam kết của mình là xây dựng liên minh của những cường quốc có cùng chí hướng để ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Việc xây dựng liên minh đó dự kiến được nhấn mạnh tại Đối thoại An ninh Bộ Tứ (SIC) diễn ra tại Nhà Trắng vào 24/9.

Sự kiện này của nhóm "Bộ Tứ" (Quad), một liên kết chiến lược của Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ, nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc. Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc hôm 15/9 đã đăng một bài bình luận với tiêu đề "Giới chuyên gia: Hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ sẽ chứng kiến kết quả hạn chế vì Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia là bốn người đồng sàng dị mộng".

Bài báo cho rằng "hội nghị thượng đỉnh sẽ không tạo ra cơ hội lớn nào cho SIC trong thái độ thù địch chống lại Trung Quốc, mặc dù tuyên bố của Nhà Trắng về hội nghị thượng đỉnh không đề cập đến Trung Quốc". Thời báo Hoàn cầu nhấn mạnh tâm lý chống Trung Quốc đang gia tăng khi chính quyền Tổng thống Biden và các đồng minh tạo một lực đẩy ra bên ngoài dưới danh nghĩa duy trì một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Sự thay đổi quan điểm chiến lược của Mỹ từ chống khủng bố sang đối phó Trung Quốc là công khai và rõ ràng. Trong chuyến công du Đông Nam Á mới đây, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris khẳng định Mỹ "sẽ theo đuổi một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, thúc đẩy lợi ích của chúng tôi, của các đối tác của chúng tôi và các đồng minh."

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại tư dinh của Trưởng Phái đoàn Mỹ ở Hà Nội, ngày 26/8/2021. Ảnh: AFP
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại tư dinh của Trưởng Phái đoàn Mỹ ở Hà Nội, ngày 26/8/2021. Ảnh: AFP

Giới phân tích cho rằng, sau nhiệm kỳ mà nhiều người coi là 4 năm lơ là, nhiều thông điệp lẫn lộn dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đang làm rõ cam kết mới của Mỹ đối với khu vực.

Đồng minh của Mỹ là Anh cũng đang trở lại khu vực với phong thái mạnh mẽ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Một nhóm tấn công do tàu sân bay HMS Elizabeth dẫn đầu đã đi qua Biển Đông trên đường tới Nhật Bản vào tháng 7 trong một hành động tuân thủ tự do hàng hải, gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc.

Tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 26/7 viết, nước Anh “vẫn đang sống trong thời kỳ thuộc địa” dù đang đưa tin về các vấn đề không liên quan đến hành trình của tàu sân bay HMS Elizabeth ở vùng biển lân cận Trung Quốc.

Tờ báo cũng nhắc tới cuộc tập trận gần đây của Nhật Bản. Bài báo đăng ngày 15/9 viết: “Các lực lượng chính trị cánh hữu ở Nhật Bản đã nói dối công chúng Nhật Bản về thực chất của vấn đề quần đảo Điếu Ngư [quần đảo tranh chấp giữa Trung Quốc – Nhật Bản ở biển Hoa Đông, được Tokyo gọi là Senkaku] và vấn đề Đài Loan. Giờ đây, công chúng Nhật Bản có thái độ thù địch và thành kiến ​​phi lý đối với Trung Quốc, và đây là lý do tại sao các cuộc tập trận lớn nhắm vào Trung Quốc có thể giành được sự ủng hộ của các chính trị gia Nhật Bản”.

Nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc đã và đang làm nhiều việc hơn là cho đăng các bài báo. Để đánh dấu tham vọng toàn cầu rộng lớn hơn, Bắc Kinh gần đây đã xây dựng một cầu tàu dài 330 mét, đủ lớn để chứa một tàu sân bay tại căn cứ hải quân của họ ở Djibouti, căn cứ quân sự nước ngoài duy nhất của Trung Quốc nằm ở vị trí chiến lược ở lối vào phía nam Biển Đỏ.

Từ đó, hải quân Trung Quốc có thể dễ dàng giám sát giao thông đến và đi từ Kênh đào Suez - và thu thập thông tin tình báo quan trọng từ toàn bộ khu vực. Ít nhất 2.000 thành viên hải quân Trung Quốc đang có mặt tại căn cứ Djibouti, căn cứ đã được mở rộng dần kể từ khi nó được mở cửa vào tháng 8/2017.

Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc, Sơn Đông, đã hoàn thành các nhiệm vụ thử nghiệm và huấn luyện thường xuyên trên biển sau khi phục vụ trong Hải quân được 10 tháng. Ảnh: Global Times
Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc, Sơn Đông, đã hoàn thành các nhiệm vụ thử nghiệm và huấn luyện thường xuyên trên biển sau khi phục vụ trong Hải quân được 10 tháng. Ảnh: Global Times

Chắc chắn, việc Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương có ý nghĩa chiến lược. Christopher Colley, một nhà phân tích an ninh tại tổ chức "War on the Rocks" có trụ sở tại Washington, gần đây đã lưu ý: “Khoảng 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua Ấn Độ Dương và eo biển Malacca” và “95% thương mại của Trung Quốc với Trung Đông, châu Phi và châu Âu đi qua Ấn Độ Dương. Quan trọng hơn từ quan điểm của Bắc Kinh, khu vực này được kiểm soát bởi các đối thủ của Trung Quốc: Mỹ và Ấn Độ".

Nhật Bản và Australia, dù được cho là “lành” hơn trước sự quan tâm của Trung Quốc đối với Ấn Độ Dương, cũng có thể được thêm vào danh sách đó.

Sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương cũng thể hiện rõ khi có sự hiện diện ngày càng nhiều của các tàu khảo sát và tàu ngầm Trung Quốc. Hồi tháng 1 năm nay, trang web Naval News có trụ sở tại Paris đã báo cáo rằng các tàu Trung Quốc “đã tiến hành lập bản đồ có hệ thống về đáy biển Ấn Độ Dương. Điều này có thể liên quan đến chiến tranh tàu ngầm". Nhận định này tương tự một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2020 nói rằng hải quân Trung Quốc có thể có một hạm đội Ấn Độ Dương “trong tương lai gần”

Rõ ràng là Trung Quốc muốn bảo vệ các lợi ích kinh tế và chiến lược của họ ở Ấn Độ Dương, không chỉ là việc nhập khẩu nhiên liệu từ Trung Đông, mà còn là tham vọng chiến lược rộng lớn hơn để thách thức Mỹ với tư cách là siêu cường quân sự hàng đầu thế giới.

Liên minh AUKUS ra đời, thỏa thuận máy bay không người lái Mỹ-Ấn cũng như các cuộc họp và hoạt động gia tăng của nhóm Quad nên được nhìn nhận từ quan điểm một chiến lược đa hướng của Mỹ được thúc đẩy bởi nhiều bên liên kết nhằm bao vây và kiềm chế Bắc Kinh.

(Nguồn: Báo Tin tức)

Các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên chuẩn bị sẵn phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt

Minh Long |

Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên chủ động rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất, dông lốc có thể xảy ra.

Trung Quốc thông quan nhập khẩu trở lại với thanh long Việt Nam

Văn Đức |

Sáng 23/9, mặt hàng thanh long đã không còn tồn đọng ở khu vực cửa khẩu quốc tế Móng Cái sau khi chính quyền Đông Hưng, Quảng Tây của Trung Quốc, đã cho thông quan nhập khẩu trở lại mặt hàng này.

Trung Quốc đạt tiến triển về vaccine dạng hít khí dung đầu tiên

Tiến Trung |

Nhà phát triển vaccine CanSinoBIO cho biết quá trình thử nghiệm cho thấy vaccine Ad5-nCoV có các phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn cùng những hiệu quả tốt hơn như một liều vaccine tăng cường.

Dư luận về việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP

Hồng Nhung |

Vừa qua, chính phủ Trung Quốc thông báo, nước này đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Quyết định này của Trung Quốc bước đầu nhận được phản hồi của các nước thành viên.