Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn ra phức tạp trên toàn cầu, vaccine vẫn được coi là liều thuốc hữu hiệu thời điểm này nhằm khống chế được dịch bệnh. Trên thế giới, cuộc chạy đua nghiên cứu, sản xuất vaccine đang ở giai đoạn gấp rút. Tại Việt Nam, bên cạnh việc nhập khẩu vaccine COVID-19 thì các công đoạn nghiên cứu, thử nghiệm vaccine trong nước đang diễn ra khẩn trương.
Cuộc chạy đua vaccine COVID-19
Trên thế giới hiện có 8 loại vaccine COVID-19 được phát triển bởi các công ty và Viện nghiên cứu của Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nga... cùng nhiều loại đang trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm. Trong đó, vaccine COIVD-19 của AstraZeneca (Anh) đã nhập những lô đầu tiên về Việt Nam.
Các loại vaccine COVID-19 đều đưa ra hiệu quả ngừa bệnh cao và an toàn. Vaccine của Công ty Johnson & Johnson liều tiêm đầu tiên của vaccine này cho thấy hiệu quả ngừa 66% trong các cuộc thử nghiệm trên toàn cầu. Trong khi đó, vaccine NVX-CoV2373 của Công ty Novavax cũng cho thấy hiệu quả phòng ngừa COVID-19 lên tới 89% trong các cuộc thử nghiệm tại Anh.
Vaccine AstraZeneca của Anh hiệu quả phòng ngừa khoảng 70,4% dù có thể đạt hiệu quả tới 90% nếu ban đầu tiêm nửa liều và sau đó tiêm một liều đầy đủ.
Các công ty Pfizer-BioNTech và Moderna của Mỹ công bố vaccine của họ mang lại hiệu quả ngừa COVID-19 tới 95% và 94%. Vaccine Sputnik V của Nga có hiệu quả ngừa COVID-19 là 92%. Vaccine Coronavac của Trung Quốc phát triển chỉ cho hiệu quả phòng ngừa khoảng 50% trong các cuộc thử nghiệm ở Brazil.
Nguồn vaccine COVID-19 ở Việt Nam sẽ dồi dào
Việt Nam cấp phép và nhập khẩu lô vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca của Anh đầu tiên đã về tới Việt Nam, gồm 117.600 liều, mở đầu cho công tác chủng ngừa đẩy lùi đại dịch vốn đã được chờ đợi rất lâu trên cả nước.
Với lô vaccine này, Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên trong khu vực Châu Á tiếp cận với loại vaccine phòng COVID-19 uy tín hàng đầu thế giới.
Vaccine AstraZeneca đã được chứng minh là dung nạp tốt và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19 có biểu hiện triệu chứng. Sau khi tiêm liều đầu tiên, vaccine có hiệu lực bảo vệ 76% trong 90 ngày và hiệu lực bảo vệ không suy giảm đáng kể trong khoảng thời gian này. Hiệu lực vaccine sau khi tiêm nhắc liều thứ hai đạt được cao hơn nếu kéo dài khoảng cách so với liều 1, đạt 81% khi khoảng cách giữa hai liều tiêm kéo dài đến 12 tuần trở lên.
Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC), đơn vị nhập khẩu, phân phối vaccine COVID-19 cho biết, VNVC sẽ thông báo giá vaccine COVID-19 khi có giá chính thức. Tuy nhiên, với mong muốn làm sao để nhiều người có thể được tiêm vaccine, giúp bảo vệ sức khỏe mỗi người, đồng thời sớm tạo miễn dịch cộng đồng, VNVC đặt mục tiêu đưa ra giá vaccine COIVD-19 ưu đãi nhất có thể, nếu không có những yếu tố gia tăng đột biến. Giá vaccine COVID-19 dự kiến chỉ vài trăm nghìn đồng/1 liều.
Bên cạnh đó, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đề xuất Bộ Y tế phê duyệt cho 2 vaccine COVID-19, bao gồm vaccine của Công ty Moderna (Hoa Kỳ) và vaccine của công ty JSC Generium (Nga) để sử dụng cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, theo quy định tại Điều 67, Nghị định số 54/NĐ-CP ngày 8.5.2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.
Song với việc nhập khẩu vaccine COVID-19, các nhà nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước cũng đang nỗ lực. Các công đoạn vẫn đang theo đúng tiến độ. Học viện Quân y bắt đầu tiến hành tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vaccine Nanocovax “make in Việt Nam” phòng bệnh COVID-19.
Đối với vaccine NanoCovax, 60 tình nguyện viên đợt đầu an toàn, không có biến cố nặng. Hiệu quả kháng thể tăng gấp bốn lần, đáp ứng 90% khả năng trung hòa của kháng thể với virus. Từ nay đến cuối tháng 4.2021 sẽ hoàn thiện toàn bộ nghiên cứu giai đoạn 2 để đến đầu tháng 5.2021, có dữ liệu nghiên cứu, làm cơ sở cho Hội đồng xem xét, có thể chuyển sang giai đoạn 3. Việt Nam sẽ mất khoảng 4-5 tháng để kết thúc giai đoạn 3.
Đầu tháng 3.2021 này, Việt Nam sẽ thử nghiệm lâm sàng trên người vaccine phòng COVID-19 mang tên COVIVAC do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển. Đây là vaccine thứ 2 do Việt Nam sản xuất được đưa vào thử nghiệm lâm sàng.
Với tiến độ phát triển vaccine COVID-19 trong nước, dự kiến đến năm 2022, Việt Nam sẽ sản xuất được vaccine.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Trong chống dịch thì vaccine ngừa COVID-19 vẫn là giải pháp căn cơ nhất. Thực tế cho thấy các nước bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã có hiệu quả. Bộ Y tế rất tích cực trong đàm phán, mua vaccine từ nước ngoài, nhận tài trợ vaccine từ các tổ chức quốc tế, chuẩn bị để tổ chức tiêm chủng thật tốt.
Tuy nhiên, có vaccine rồi nhưng không được chủ quan. Vì sau khi tiêm mũi vaccine thứ nhất chưa sinh kháng thể chống lại virus ngay mà phải đến mũi thứ hai. Trong khoảng thời gian giữa mũi thứ nhất và thứ hai vẫn phải coi như người chưa được tiêm vaccine.
Thêm nữa, chúng ta chưa thể tiêm vaccine cho tất cả người dân. Trong khi so với các nước trên thế giới, Việt Nam đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh nên bên ngoài “vẫn phải bao đê cho chặt”, ở bên trong, kể cả những người đã được tiêm vaccine, vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) và các biện pháp chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
(Nguồn: Báo Lao Động)