Trong khi em Nguyễn Thị Thu Hằng lựa chọn sẽ đi du học thì ba thí sinh còn lại đều quyết định sẽ vẫn ở Việt Nam để theo học một trường quốc tế hoặc đại học trong nước.
Sau Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bốn thí sinh lọt vòng chung kết chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm 2020 đã có những chia sẻ về dự định ngã rẽ tương lai sau 12 năm đèn sách.
Quán quân Thu Hằng: Mục tiêu du học
Là nữ sinh duy nhất lọt vòng chung kết năm của chương trình đồng thời “ẵm” luôn ngôi vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 với thành tích đáng nể, thí sinh Nguyễn Thị Thu Hằng, học sinh lớp 12B1 Trường Trung học phổ thông Kim Sơn A đã làm nức lòng người dân Ninh Bình quê em.
Với thành tích xuất sắc đó, Hằng sẽ được tuyển thẳng vào nhiều trường đại học trong nước. Tuy nhiên, Hằng cho hay em vẫn đăng ký xét tuyển bằng điểm Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào trường, ngành học yêu thích. Nữ sinh Ninh Bình cho biết em nộp xét tuyển nguyện vọng 1 vào ngành Kinh tế quốc tế của Học viện Ngoại giao, nguyện vọng 2 là ngành Kinh tế của Trường Đại học Ngoại thương và nguyện vọng 3 là Học viện Tài chính.
Chia sẻ về bài làm của mình trong kỳ thi, Hằng tự tin cho biết em làm bài rất tốt, dự kiến đạt trên 9 điểm với môn Toán, Ngoại ngữ, 8 điểm trở lên với các môn trắc nghiệm còn lại. “Văn là môn tự luận nên em cũng khó dự kiến được mức điểm”, Hằng chia sẻ.
Tuy có nhiều cơ hội vào các trường đại học chất lượng trong nước, nhưng Hằng cho hay em định hướng sẽ đi du học. Sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp, em sẽ có 6 tháng để học ngoại ngữ trước khi bắt đầu hành trình du học của mình.
Từ chối du học Đức, lựa chọn Việt Nam
Khác với quán quân Thu Hằng, em Văn Ngọc Tuấn Kiệt, học sinh Trường Trung học phổ thông thị xã Quảng Trị, thí sinh về đích thứ ba trong vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia lại lựa chọn học đại học trong nước.
Sau Olympia, Văn Ngọc Tuấn Kiệt được Quỹ Hỗ trợ Xây dựng Môi trường Xanh Việt Nam tặng gói học bổng toàn phần du học đại học tại Cộng hòa liên bang Đức. Học bổng sẽ được trao cho em sau khi hoàn thành chương trình học lớp 12 với các điều kiện đạt danh hiệu học sinh giỏi lớp 12 khóa học 2020-2021; đạt hạnh kiểm tốt; tổng điểm bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 đạt loại giỏi; IELTS đạt điểm 7.0.
Tuy nhiên, Tuấn Kiệt cho hay em thích theo học ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Ngoại thương.
Du học tại chỗ
Hai thí sinh còn lại của vòng chung kết, em Vũ Quốc Anh và Lưu Đào Dũng Trí đều đăng ký chọn ngành Công nghệ thông tin của Swinburne Việt Nam. Đây là cơ sở đào tạo tại Việt Nam của Đại học Swinburne, một trong những đại học uy tín của Australia và xếp vị trí thứ 321 trong bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới. Đây cũng là ngôi trường đã đồng hành và tài trợ cho các quán quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia suốt 20 năm qua.
Dũng Trí lựa chọn ngành Toán và Khoa học. “Em mong muốn được thử sức tại một ngành học đang là xu hướng của thế giới phát triển, một ngành học mà ở đó mình có thể tiếp tục vận dụng những tư duy Toán học của mình, được rèn luyện thêm nhiều kỹ năng hơn và có thêm nhiều cơ hội khác,” Trí chia sẻ.
Trong khi đó, Quốc Anh lại chọn ngành Công nghệ thông tin vì yêu thích công nghệ và nhận thấy tiềm năng phát triển của ngành này trong thời đại số. Quốc Anh cho hay em luôn tò mò muốn khám khám phá những bí ẩn đằng sau các thiết bị công nghệ, muốn biết được cách chúng hoạt động cũng như làm thế nào để tạo ra và vận hành những thiết bị như vậy.
“Vì thế em luôn ước mơ trở thành một lập trình viên và có thể tạo ra những sản phẩm có giá trị và ý nghĩa cho xã hội. Em tin công nghệ chính là một trợ thủ đắc lực cho cuộc sống con người,” Quốc Anh chia sẻ.
Để chuẩn bị cho quá trình học tập tại Swinburne Việt Nam, Quốc Anh cho biết em đang bồi dưỡng thêm tiếng Anh và tự học một vài ngôn ngữ lập trình như Javascript, HTML, CSS, C++…
Ngoài việc học tại Swinburne Việt Nam, hai thí sinh Dũng Trí và Quốc Anh cũng có thể chọn lựa chuyển tiếp sang học tại Đại học Swinburne tại Úc nếu có nhu cầu. Đây cũng là nơi 19 trong tổng số 20 nhà vô địch Olympia đã và đang theo học.
(Nguồn: Vietnam+)