Phía Thái Lan cho rằng, sau 1 năm Việt Nam áp thuế chống bán phá giá một số sản phẩm đường, Thái Lan sẽ yêu cầu Việt Nam xem xét lại quyết định này.
Ngày 16/6 vừa qua, Bộ Công Thương Việt Nam thông báo chính thức áp thuế chống bán phá giá 47,64% đối với một số sản phẩm đường từ Thái Lan với thời hạn 5 năm.
Phản ứng sau động thái này, ngày 17/6, tờ Bangkok Post dẫn lời Vụ trưởng Vụ Ngoại thương, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết quan điểm, sau 1 năm Việt Nam áp thuế chống bán phá giá 47,64% đối với một số sản phẩm đường của Thái Lan, Thái Lan sẽ yêu cầu Việt Nam xem xét lại quyết định trên.
“Chúng tôi cho rằng vẫn còn một số điều không chắc chắn, như thiệt hại gây ra bởi các sản phẩm đường của Thái Lan tại Việt Nam. Các nhà quản lý Thái Lan cần một lời giải thích rõ ràng và chính xác”, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết.
Tuy nhiên, Văn phòng Ủy ban Mía đường (OCSB) và Tập đoàn Mía đường Thái Lan (TSMC) cho biết, thuế chống bán phá giá đường Thái Lan của Việt Nam sẽ không ảnh hưởng đến các nhà sản xuất đường và nông dân Thái Lan.
Nhận định trên xuất phát từ thực tế, dù thị trường Việt Nam chiếm xấp xỉ 26% thị phần xuất khẩu đường của Thái Lan trong ASEAN và 18,5% toàn cầu, nhưng vẫn không đủ để gây áp lực lên giá đường trong nước và xuất khẩu của Thái Lan. Giá đường toàn cầu trên thị trường hàng hóa mới là tác nhân trực tiếp gây ảnh hưởng đến nông dân và các nhà sản xuất đường nước này.
Trong khi đó, theo TSMC, các doanh nghiệp kinh doanh và môi giới đường sẽ bị ảnh hưởng bởi mức thuế này của Việt Nam, do nhóm thương mại vốn nhạy bén với sự tăng/giảm về giá và tình hình cung/cầu trên thị trường.
Tuy nhiên, dù mức độ ảnh hưởng ít hay nhiều, các cơ quan chức năng của Thái Lan như Văn phòng Mía đường (OCSB), Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp, Ủy ban Đầu tư… vẫn sẽ hợp tác chặt chẽ nhằm làm rõ quyết định của Việt Nam.
Liên quan đến việc Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đường Thái Lan, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề, thể hiện ở các yếu tố như hàng hóa nhập khẩu bị điều tra tăng mạnh, có tác động kìm giá, suy giảm sản lượng, công suất, lượng bán hàng, thị phần, doanh thu, lợi nhuận…
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020 lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.
Cũng theo ông Dũng, kể từ khi áp thuế sơ bộ (2/2021), việc áp thuế CBPG, CTC đối với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đã có tác động tích cực đối với ngành mía đường trong nước. Lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan đã giảm đáng kể, từ mức bình quân là 110.000 tấn năm 2020, tới nay chỉ còn khoảng 28.000 tấn (giảm 75%). Giá đường trong nước nhích lên, đồng thời giá thu mua mía đối với người nông dân được tăng từ 100.000 – 200.000 đồng/tấn.
(Nguồn: VOV.VN)