Phật giáo trong đời sống Việt - Lào

Thuận Vũ |

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng có những điểm tương đồng về văn hóa, nếp sống. Hai quốc gia đều đa dân tộc và đa tôn giáo, trong đó đạo Phật là tôn giáo lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội, văn hóa và tâm linh.

 

Phật giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ, trải qua quá trình truyền đạo và du nhập vào từng nước lại có những đặc điểm khác nhau.

Ở Việt Nam, Phật giáo được truyền vào rất sớm theo hai con đường. Phía Nam: theo đường biển qua Sri Lanka. Đây là dòng đạo Phật nguyên thủy, hay còn gọi là tiểu thừa, hoặc gọi theo hướng truyền vào là Nam tông. Ở phía Bắc: theo hướng đường bộ vào Trung Quốc đến Việt Nam, vì thế gọi là phái Bắc tông, hay đại thừa. Ở hướng này Phật giáo du nhập vào và hòa quyện với văn hóa đời sống bản địa, thậm chí bị chi phối bởi tập quán sống để phù hợp với người dân, vì thế không gọi là nguyên thủy. Ở Việt Nam, tư tưởng Phật giáo đậm trong dân gian, và Nho giáo ảnh hưởng chính trong cung đình.

Chùa Một Cột ở thủ đô Hà Nội, Việt Nam
Chùa Một Cột ở thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Trong khi đó, sự giao lưu văn hóa Lào - Ấn Độ gần như là tự nhiên, bằng con đường hoà bình. Chữ Ấn Độ (Pali - Sanskrit) được người Lào vay mượn và biến thành chữ Lào. Vì thế Phật giáo ở Lào chủ yếu là tiểu thừa và được xem là quốc giáo, có ảnh hưởng rất lớn đến dân gian và cung đình. Do đó, khác với Việt Nam, ở Lào Phật giáo đóng vai trò chủ đạo.

Ở Việt Nam, dưới triều vua Trần Nhân Tông, Phật giáo bắt đầu phát triển mạnh mẽ, đã nở rộ nhiều tác phẩm đồ sộ bởi những nhà sư có học vấn uyên thâm, trong đó có nhiều bài thơ vịnh cảnh nổi tiếng. Phật giáo cũng góp phần ảnh hưởng sâu sắc đến việc xây dựng cốt cách đôn hậu, nhân văn của người Việt.

Bảo tháp Phật Pha That Luang tại thủ đô Viêng Chăn, Lào
Bảo tháp Phật Pha That Luang tại thủ đô Viêng Chăn, Lào


Nước Lào trước khi thống nhất đã có nhiều tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau. Đến năm 1353 lần đầu tiên vua Phà Ngừm có công hợp nhất các mường vốn luôn bị chia rẽ và tranh chấp trước đây thành quốc gia Lạn Xạng thống nhất. Cũng từ đó Phà Ngừm đã lấy Phật giáo làm quốc giáo. Điện thờ ở Mường Xoa được Phà Ngừm đưa lên làm điện thờ chung cho cả nước Lạn Xạng mới ra đời. Đây là biểu hiện sự chiến thắng về mặt văn hoá của Mường Xoa đối với các mường khác. Từ đấy, Phật giáo cũng phát triển nhanh chóng trong những triều đại sau và đã góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho chế độ quân chủ chuyên chế trên cơ sở thống nhất vương quyền và thần quyền. Sự tiếp nhận ấy đã chứng tỏ đạo Phật từ trước đã cắm sâu và rộng rãi trong xã hội Lào.

 

  Trên khắp đất nước Lào đều thấp thoáng những mái chùa cong cổ kính, trong đó có những ngôi chùa nổi tiếng như Vắt Sỉ sa kệt, Vắt Pha kẹo, Vắt Ông Tự, Vắt Xi Mương, Vắt Mày, Vắt Xiêng Thông,... Ngôi chùa Lào thường có dáng vẻ kiến trúc, hoa văn độc đáo và màu sắc rực rỡ. Chùa Lào không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo mà còn là nơi trú ngụ của những kẻ lỡ đường, nơi sinh hoạt văn hoá của dân làng. Đó vừa là nơi thực hành nghi lễ, nghe giảng kinh Phật vừa là trường dạy chữ, dạy kiến thức, dạy nghề, chữa bệnh và cũng là nơi tổ chức các hoạt động vui chơi, biểu diễn ca múa nhạc trong những dịp lễ tết cổ truyền.

Chùa Lào với những ngọn tháp màu sắc sặc sỡ
Chùa Lào với những ngọn tháp màu sắc sặc sỡ

Đạo Phật là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến nhân cách, tâm tư và tình cảm của người Lào. Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, người Lào đã được các nhà sư cầu phúc. Khi được sinh ra, bố mẹ lại rước sư đến tụng kinh và buộc chỉ cổ tay. Con trai đến 11- 12 tuổi được cha mẹ gửi vào chùa xin tu làm tiểu để học đạo lý, chữ nghĩa. Ngày cưới cũng được sư sãi chọn ngày lành tháng tốt, rước sư đến vảy nước phép, buộc chỉ cổ tay, chúc mừng và căn dặn. Khi mất còn được nhà chùa quan tâm lo liệu đám tang chu đáo.

Nhà sư đến làm lễ cầu siêu cho người quá cố và cùng tang chủ đưa người chết đến nơi làm lễ hoả táng. Có thể nói, chùa ở Lào như một “nhà văn hoá” của cộng đồng làng bản. Cuộc sống của người Lào từ khi cất tiếng khóc chào đời đến lúc nhắm mắt xuôi tay đều gắn liền với chùa chiền, với lễ hội nhà chùa, với những phong tục tập quán cổ truyền của dân tộc.

Ở Việt Nam, người dân đến chùa để cầu nguyện, hướng tới những điều thiện để tìm về một cõi thảnh thơi trong tâm hồn. Chùa Việt thường mang vẻ trầm mặc, thanh vắng, khác hẳn với không khí nhộn nhịp của chùa Lào. Người dân đến chùa vào ngày rằm, ngày sóc vọng và các dịp lễ.

Người Việt đi chùa cầu an đầu năm
Người Việt đi chùa cầu an đầu năm


Ngoài Tết, ngày lễ Vu lan của Phật giáo vào rằm tháng bảy âm lịch là ngày báo hiếu và xá tội vong nhân. Lễ Vu lan không chỉ là ngày quan trọng đối với tăng ni phật tử mà đã trở thành phong tục tập quán và tín ngưỡng dân gian, một ngày lễ đi vào đời sống tâm linh của nhiều người dân Việt Nam. Đây cũng là dịp để con cháu thể hiện lòng hiếu thảo và báo đáp công ơn ông bà cha mẹ với đạo lý ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Lễ Vu lan còn được dân gian gọi là ngày “xá tội vong nhân” hay ngày “cúng chúng sinh”, bởi trong ngày này, những linh hồn oan khuất được xá tội để về hưởng chút hương khói của cháu con. Bát cháo cô hồn, tục phóng sinh rằm tháng Bảy ở một số nơi mang ý nghĩa nhân văn cao cả.

 

Thành ngữ Việt nói Phật tại tâm để hàm ý tính thiện trong mỗi người. Và để khuyên răn sống thiện, tục ngữ có nhiều câu mang tư tưởng Phật giáo về nhân quả, luân hồi nghiệp báo: Ở hiền gặp lành; Ác giả ác báo; Đời cha ăn mặn, đời con khát nước.

Khi nói về mối quan hệ giữa đời sống và tâm linh thì: Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt. Hay Thương người như thể thương thân, nhân sinh quan này tương đồng với tính từ bi hỷ xả của đạo Phật biểu hiện một hành vi cao đẹp. Luân lý Phật giáo trong tục ngữ dể hiểu, dể cảm nhận, dạy con người biết sống đời sống tốt lành, lương thiện. Tinh thần bác ái của đạo Phật được cụ thể vào thực tin bằng tinh thần đoàn kết tương thân tương ái: Môi hở răng lạnh hay Máu chảy ruột mềm.

Truyện cổ tích thế sự ảnh hưởng từ Phật giáo, mang yếu tố của đạo Phật như truyện Tấm Cám. Ông Bụt trong Tấm Cám đã hình tượng hóa tấm lòng phò thiện của người Việt. Ngay đoạn kết của truyện Tấm Cám cũng mang tư tưởng nhà Phật, Tấm sống lại và trở thành người sau bao lần bị tiêu diệt và hóa thân thành chim vàng anh, xoan đào, khung cửi, quả thị. Ở đây thuyết luân hồi của đạo Phật đã trở thành chỗ dựa và phương tiện nghệ thuật, giúp cho tác giả dân gian thực hiện ước mơ công bằng xã hội.

Ở Cây tre trăm đốt, Bụt giúp kẻ thật thà chất phác đến mức vụng dại. Con người bế tắc, ông Bụt xuất hiện, tình tiết phát triển nhanh chóng chuyển bại thành thắng, ánh sáng do Bụt mang đến là ánh sáng thông minh trí tuệ, bởi vì ông Bụt không hoá phép để tạo cây tre trăm đốt mà chỉ bày cho anh chặt từng đốt tre rời ra và ghép lại thành cây tre dài trăm đốt.

 

Trong truyện cổ tích Việt Nam, Bụt xuất hiện khá nhiều. Có thể nói trong những khái niệm vốn có của nhà Phật, dân gian chỉ giữ lại một điều đơn giản nhưng có ý nghĩa nhất: Bụt có sức mạnh vô biên, thần thông quảng đại, thường xuyên giúp đỡ những người hiền lành. Bụt xuất hiện nhiều nhưng không phải để tuyên truyền giáo lý mà chỉ tạo điều kiện cho nhân vật giành lại hạnh phúc ngay trong cõi trần, ngay trong chính cuộc đời.

Phật giáo vào Lào làm cho văn học Lào phát triển. Từ đó, không chỉ tầng lớp tăng lữ, sư sãi am hiểu sâu sắc kinh Phật mà nhiều tầng lớp khác cũng tiếp nhận thêm nguồn ảnh hưởng Phật giáo. Một số truyện cổ dân gian được viết trên các lá cọ như: Cham pa xì tộn (bốn cây Cham pa), Phút Xa Thên, Ma hả Vệt như những tác phẩm ban đầu đều lấy đề tài từ văn học Phật giáo.

Vườn tượng Phật ở Lào, một điểm chiêm bái và thu hút du lịch
Vườn tượng Phật ở Lào, một điểm chiêm bái và thu hút du lịch

Thế kỷ XVII, các bản trường ca Lào được ra đời một cách rầm rộ và rực rỡ mà đội ngũ sư sãi Lào là những người có công rất lớn. Truyền thuyết Khún Bu Lôm, Khún Bu Lo không chỉ kể về huyền thoại vua Khún Bu Lôm, người mở đầu cho các dòng họ vua Lào mà còn là nguồn tư liệu quý báu để nhà sư Ma hả Thếp Luổng và vua sư Ma hả Mông Khun Xít Thi viết bộ “Nị than” (sử thi) Khún Bu Lôm, Khún Bu Lo, dạng ban đầu còn sơ khai của những bộ lịch sử Lào sau này.

Nhiều người dân lao động Lào rất muốn làm việc phúc, vì họ tin thuyết nhân quả nhà Phật, làm được điều ấy thì sau khi chết họ sẽ được siêu thoát: Làm phúc được lên thiên đàng, làm tội lội xuống chết trương vạc dầu, người khác chia cho thấy đâu, mình làm tốt xấu thấy mau thôi mà. Họ tin rằng, kẻ gây tội sẽ bị trừng trị: Tội đền bù bằng tội. Bởi vậy, theo họ, cuộc sống kiếp sau phụ thuộc vào sự tu nhân tích đức ở kiếp trước. Từ đó họ sống hiền lành, làm nhiều điều thiện để hy vọng kiếp sau sẽ được đền bù: Xấu bụng là ma, tốt bụng là Phật; Khi khó nghĩ tới thầy, khi chết nghĩ tới Phật...

Lịch sử Phật giáo ở Việt Nam và Lào có những nét tương đồng và vì thế đời sống lẫn văn học dân gian của hai nước đều có những sự gặp gỡ, gần gũi.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

Chùa Ba Vàng và những lần gây tranh cãi

Thanh Mai |

Sự việc chùa Ba Vàng làm lễ sớt bát cúng dường, trong đó có hình ảnh nhận tiền gây tranh cãi ở lễ Vu lan gây xôn xao.

Doanh nghiệp ký kết hợp tác trồng và thu mua thảo dược với nông dân Bản Chùa

Anh Vũ |

Ngày 7/6, Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân tổ chức ký kết hợp tác trồng và thu mua thảo dược với nông dân Bản Chùa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị).

Bản Chùa đã có tuyến đường nhựa nối với trung tâm xã

Anh Vũ |

Những ngày này, người dân Bản Chùa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) hết sức phấn khởi khi tuyến đường nhựa nối từ trung tâm xã đến bản sắp hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Khánh thành Chùa Chơn An

Tiến Nhất |

Ngày 14/12, tại phường Đông Lương, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã diễn ra lễ khánh thành chùa Chơn An. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng dự lẽ khánh thành.