Đó là quan điểm của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tại buổi làm việc trực tuyến với UBND tỉnh Quảng Trị và các chuyên gia để tham vấn lựa chọn 1 di sản văn hóa của tỉnh đưa vào danh mục đề cử của UNESCO và xây dựng danh hiệu Thành phố Vì hòa bình vào chiều nay 16/7. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự làm việc.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam thông tin khái quát về những giá trị tiêu biểu của Di tích quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh (huyện Vĩnh Linh); Di tích quốc gia Hệ thống các công trình khai thác nước cổ Gio An (huyện Gio Linh); các căn cứ để đề cử Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, hệ thống các công trình khai thác nước cổ Gio An vào danh mục di sản văn hóa thế giới. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Quốc gia về UNESCO xem xét, lựa chọn 1 di sản văn hóa của tỉnh đưa vào danh mục đề cử của UNESCO. Đồng thời đề nghị tham vấn để Quảng Trị xây dựng danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, đề xuất UNESCO công nhận.
Tham gia ý kiến tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá cao việc Quảng Trị tổ chức thành công Lễ hội Vì Hòa bình vừa qua, nhấn mạnh tinh thần của lễ hội có ý nghĩa nâng tầm quốc tế thông điệp vì hòa bình. Từ những dư địa đó, các đại biểu cho rằng, việc thúc đẩy xây dựng danh hiệu Thành phố Vì hòa bình là hướng rất phù hợp, tuy nhiên phải bám theo các quy trình của UNESCO và do quốc gia phải đệ trình ra hội đồng để đề xuất thông qua, hoặc đề xuất giải thưởng mới.Sau khi nghe ý kiến tham vấn của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, việc tỉnh Quảng Trị mong muốn đưa địa phương vào bản đồ di sản UNESCO toàn cầu là hoàn toàn xác đáng, tỉnh đang có sẵn tiềm năng nhưng thiếu cách làm hiệu quả, cần đặt ra các mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài để triển khai thực hiện.Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, phương án tối thiểu có tính khả thi nhất trước mắt là xây dựng Thành phố học tập toàn cầu, lồng ghép Lễ hội Vì Hòa bình vào để có thể đạt được trong tầm tay. Phương án cao là xây dựng Thành phố Vì hòa bình, nâng tầm quốc gia và quốc tế, tạo độ lan tỏa của lễ hội để đến năm 2026 có sức bùng phá mạnh hơn, đưa vào trong bản đồ di sản UNESCO.
Với kinh nghiệm làm về di sản, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhận thấy để thu hút khách du lịch đến với Quảng Trị thì phải xây dựng di sản vật thể, nên về dài hạn cần ưu tiên xây dựng di sản phi vật thể. Trong đó, theo quan điểm cá nhân của Thứ trưởng là nên ưu tiên xây dựng cho hệ thống các công trình khai thác nước cổ Gio An.
Thứ trưởng đề nghị các chuyên gia giúp tỉnh lên kế hoạch xây dựng chiến lược dài hạn, chú ý về phần quảng bá cho Quảng Trị trên các nền tảng mạng xã hội. Đồng thời nhấn mạnh trong cuộc họp với Ủy ban Di sản thế giới trong thời gian tới sẽ đưa ra giới thiệu về các nội dung mà tỉnh đề xuất, đề nghị tỉnh phối hợp để lên một kế hoạch cụ thể.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)