Thái Lan, Indonesia đẩy mạnh nhập khẩu vaccine từ Trung Quốc

Ngọc Quang-Đình Ánh-Hữu Chiến |

Thái Lan đã tiếp nhận thêm 1,5 triệu liều vaccine COVID-19 từ Công ty Sinovac của Trung Quốc trong khi Indonesia cũng đang đàm phán với Sinovac để mua thêm 120 triệu liều.


Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 20/5, Thái Lan đã tiếp nhận thêm 1,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ Công ty Sinovac của Trung Quốc.

Giám đốc điều hành Tổ chức Dược phẩm Chính phủ Thái Lan (GPO) Withoon Danwiboon cho biết đây là đợt tiếp nhận vaccine Sinovac thứ 8, nâng tổng số vaccine mà Thái Lan nhận của công ty này lên 6 triệu liều.

Ông Withoon nói thêm rằng Sinovac sẽ giao thêm 3 triệu liều vaccine nữa vào tháng 6 tới.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thái Lan ngày 20/5 ghi nhận thêm 2.636 ca mắc COVID-19, trong đó có 671 ca tại các nhà tù, và 25 ca tử vong. Như vậy, quốc gia Đông Nam Á này đến nay ghi nhận tổng cộng 119.585 ca mắc COVID-19, trong đó có 703 ca tử vong.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 20/5, hãng dược quốc doanh PT Bio Farma của Indonesia cho biết đang đàm phán với công ty dược phẩm Sinovac của Trung Quốc để mua thêm 120 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.

Theo Bio Farma - đầu mối duy nhất được Chính phủ Indonesia cấp phép nhập khẩu và phân phối vaccine ngừa COVID-19, số vaccine nói trên nằm ngoài hợp đồng mua 140 triệu liều mà hai bên đã thống nhất.

Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban IX thuộc Hạ viện, Giám đốc Bio Farma, ông Honesti Basyir nói: “Chúng tôi có kế hoạch nhập khẩu thêm 120 triệu liều vaccine Sinovac dưới dạng nguyên liệu, song điều này vẫn đang trong giai đoạn đàm phán."

Theo ông Honesti, hợp đồng ban đầu với Sinovac chỉ có 140 triệu liều vaccine nguyên liệu, trong đó 65,5 triệu liều đã được bàn giao. Khoảng 8 triệu liều sẽ được tiếp nhận vào ngày 24/5 và 8 triệu liều khác vào ngày 30/5 tới.

Cũng tại phiên điều trần, ông Honesti cho biết Bio Farma sẽ mua 50 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ hãng dược CanSino của Trung Quốc cho chương trình tiêm chủng tư nhân mang tên “Gotong Royong (Hợp tác cùng nhau).”

Ông Honesti nói rõ: "Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận mua tổng cộng 50 triệu liều vaccine của CanSino. Theo kế hoạch, lô vaccine đầu tiên với 3 triệu liều sẽ được chuyển tới Indonesia trong khoảng thời gian từ tháng 7-9, và thêm 2 triệu liều vào quý 4 năm nay."

Ông Honesti thông tin rằng hiện giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) vaccine CanSino đã được đệ trình lên Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm (BPOM), đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ nhận được EUA trước khi vaccine được chuyển đến.

Ngoài CanSino, Bio Farma cũng đã mua 7,5 triệu liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc cho chương trình tiêm chủng Gotong Royong. Trong số đó, khoảng 500.000 liều sẽ được bàn giao vào tháng 6 tới.

Cùng ngày, Chính phủ Indonesia đã bắt đầu triển khai giai đoạn 3 chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho 63,9 triệu người. Theo đó, giai đoạn này sẽ tiếp tục ưu tiên cho người cao tuổi.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi cho biết nước này có tổng cộng 21.553.118 công dân cao tuổi.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Kể từ đợt tiêm chủng đầu tiên đến nay mới chỉ có 9,02% người cao tuổi được tiêm 2 mũi vaccine. Do vậy, trong giai đoạn 3, Indonesia sẽ bắt đầu với các nhóm dễ bị tổn thương, nhưng vẫn ưu tiên người cao tuổi. Theo đó, cứ 3 người được tiêm đợt này thì có 1 người cao tuổi. Các tỉnh, thành phố sẽ tuyên truyền, vận động để người cao tuổi đi tiêm chủng.

Việc đạt được mục tiêu được chia thành 4 giai đoạn. Đầu tiên là tiêm cho 1,4 triệu nhân viên y tế; giai đoạn thứ 2 nhắm mục tiêu tiêm song song 21,5 triệu người cao tuổi và 17,3 nhân viên dịch vụ công; giai đoạn thứ 3 nhắm vào những người dễ bị tổn thương từ các khía cạnh không gian địa lý, xã hội và kinh tế với 63,9 triệu người, và giai đoạn thứ 4 sẽ tiêm cho 77,4 triệu người là cộng đồng và các thành phần kinh tế khác dựa vào tình trạng sẵn có của vaccine.

Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 181,5 triệu người, chiếm khoảng 2/3 dân số vào tháng 3/2022.

Sau khi triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí vào ngày 13/1/2021, quốc gia đông dân thứ tư thế giới này đã khởi động chương trình tiêm chủng Gotong Royong vào ngày 18/5 vừa qua với mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu người vào tháng 8 hoặc tháng 9 tới.

 (Nguồn: TTXVN)

TAGS

Việt Nam-Thái Lan thúc đẩy giao thương, phục hồi kinh tế sau đại dịch

PV |

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị phía Thái Lan hạn chế các rào cản thương mại và phối hợp chia sẻ thông tin liên quan đến quy định, thủ tục xuất nhập khẩu.

Dịch COVID-19: Thái Lan chuẩn bị cho kế hoạch mở cửa lại bầu trời

Ngọc Quang |

Thái Lan có kế hoạch miễn cách ly bắt buộc đối với những du khách đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 khi đến thủ đô Bangkok và các điểm du lịch hàng đầu tại nước này từ tháng 10 tới.

Thái Lan tăng vọt kỷ lục gần 10.000 ca COVID-19 hằng ngày

Hải Anh |

Thái Lan ghi nhận kỷ lục hằng ngày về số ca COVID-19 mới, bao gồm các ổ dịch trong những nhà tù ở nước này.

Số ca mắc ở Thái Lan vượt ngưỡng 100.000 người

Ngọc Quang |

Kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện ở Thái Lan đầu năm ngoái, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 101.447 ca nhiễm, trong đó có 589 người không qua khỏi.