Thêm 125 tỷ đồng, 1 triệu USD và 1 triệu liều vaccine cho Quỹ mua vaccine phòng COVID-19

PV |

Ngày 25/5, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tiếp nhận hỗ trợ 125 tỷ đồng, 1 triệu USD và 1 triệu liều vaccine từ các tập đoàn, doanh nghiệp cho việc mua và tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Theo đó, Tập đoàn T&T Group hỗ trợ 1 triệu liều vaccine; Công ty Cổ phần tập đoàn Ecopark hỗ trợ 1 triệu USD; Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát hỗ trợ 50 tỷ đồng; Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hỗ trợ 10 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong - TPBANK hỗ trợ 10 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tập đoàn Phenikaa hỗ trợ 20 tỷ đồng; Ngân hàng SHB hỗ trợ 15 tỷ đồng; Tập đoàn An Phát Holdings hỗ trợ 20 tỷ đồng.

Tiếp cận vaccine phòng COVID-19 cần nguồn tài chính đảm bảo

Phát biểu tại lễ tiếp nhận hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, để thực hiện những chiến lược tiếp cận vaccine phòng COVID-19 nhanh nhất, rộng nhất, yếu tố rất quan trọng là cần nguồn tài chính đảm bảo, do đó việc huy động sự đóng góp, ủng hộ của các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng góp tài chính cho Quỹ vaccine là rất cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: TTXVN


“Thực tế cho thấy, sự hỗ trợ quý báu của các tập đoàn, doanh nghiệp thực sự hiệu quả, góp phần vào thành công của cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta. Chúng tôi mong muốn các đơn vị tiếp tục đồng hành với ngành Y tế và cả nước trong cuộc chiến chống dịch COVID-19”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là huy động mọi nguồn lực trong xã hội làm thế nào để Việt Nam có thể tiếp cận vaccine phòng COVID-19 nhanh nhất và đảm bảo tiếp cận rộng nhất để người dân được tiêm vaccine, nhằm kiểm soát dịch bệnh và đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Theo sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Quỹ vaccine được thành lập để đảm bảo cơ chế tài chính trong tiếp cận vaccine, để người dân Việt Nam đều được tiếp cận vaccine. Tuy nhiên, do vaccine phòng COVID-19 có giá thành khá cao, điều kiện bảo quản tương đối ngặt nghèo, việc tiếp cận, vận chuyển, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine cũng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành Y tế.

Phát triển vaccine phòng COVID-19 “made in” Việt Nam

Nhấn mạnh trong lịch sử tiêm chủng ở nước ta, chưa bao giờ có chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất như chiến dịch này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết cùng với nỗ lực tiếp cận, tìm kiếm vaccine từ bên ngoài, Việt Nam cũng tính tới chiến lược phát triển vaccine phòng COVID-19 trong nước.

Đây là một trong những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Chính phủ đã có chỉ đạo về vấn đề này. Hiện Bộ Y tế đã và đang tích cực làm việc với các đối tác, huy động một số tập đoàn, doanh nghiệp tham gia vào sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước, với mục tiêu đến năm 2022, chúng ta sẽ có vaccine phòng COVID-19 “made in” Việt Nam”.

Người đứng đầu ngành Y tế cũng nhấn mạnh, để đảm bảo an ninh vaccine, vấn đề phòng, chống dịch trong nước và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các phương thức như đàm phán mua công nghệ, hợp tác về công nghệ, hợp tác trong nghiên cứu, sản xuất vaccine. Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo mua và chuyển giao công nghệ, hiện nay đã có những tín hiệu khả quan.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, đàm phán với các tập đoàn, công ty để sớm tiếp cận được các nguồn vaccine. Đến nay, Bộ Y tế đã đàm phán thành công với AstraZeneca, với Pfizer/BioNTech, với COVAX Facility - một cơ chế chia sẻ vaccine cho toàn cầu.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm vaccine phòng COVID-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí. Như vậy, cho đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vaccine phòng COVID-19.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của Bộ Y tế từ nay đến cuối năm là làm sao có đủ 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ.

Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN
Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN

Chung tay hướng về Bắc Ninh, Bắc Giang

Đánh giá về tình hình dịch tại Bắc Giang và Bắc Ninh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, tình hình dịch tại đây vẫn đang căng thẳng, diễn biến vẫn phức tạp và có thể kéo dài vì đây là chủng virus lây lan nhanh, phát tán rộng, mạnh hơn và kéo dài hơn. Hình thái lây nhiễm dịch tại Bắc Ninh và Bắc Giang là trong khu công nghiệp, có mật độ công nhân cao, làm việc trong môi trường kín, mật độ tiếp xúc gần.

“Vấn đề lây nhiễm, quản lý và khống chế dịch trong khu công nghiệp rất quan trọng. Vì vậy, Bộ Y tế đang quyết tâm, nỗ lực cùng với các tỉnh quyết liệt phòng chống dịch tại hai địa phương. Bộ Y tế đã cử bộ phận Thường trực phòng, chống dịch tại hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, hội tụ các chuyên gia hàng đầu đã có kinh nghiệm tham gia chống dịch trong các đợt dịch trước đó để làm sao cùng địa phương ứng phó tốt nhất với dịch”, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.

Tuy nhiên, do hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang có số lượng công nhân nhiều, lên đến hàng trăm nghìn người, tập trung trong các khu công nghiệp nên khi dịch xảy ra gây rất nhiều khó khăn đối với người dân và công nhân lao động.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 24/5, Bộ Y tế đã chính thức kêu gọi sự ủng hộ, hỗ trợ của các tập đoàn, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân… cùng chung tay hướng về Bắc Ninh, Bắc Giang, bởi kiểm soát tốt dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang cũng là kiểm soát tốt dịch của cả nước.

(Nguồn: TTXVN)

TAGS

Thực hiện bằng được chiến lược vaccine theo tinh thần thần tốc hơn nữa

PV |

Ngày 24/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh COVID-19, kết luận nhiều nội dung mới, quan trọng về nhiệm vụ phòng chống dịch trong bối cảnh mới, trong đó nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện các quy định để có chiến lược hoàn chỉnh về phòng chống dịch trong khu công nghiệp; thực hiện bằng được chiến lược vaccine theo tinh thần thần tốc hơn nữa, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn.

Vaccine và câu hỏi tiền đâu?

Anh Đào |

Trong “3 nốt nhạc”, một doanh nhân như ông Dũng Lò vôi sẵn sàng hiến 2ha đất, dự kiến 1.000 tỉ cho việc chống dịch. 25.200 tỉ để mua vaccine cho dân vì thế sẽ không lớn, không khó vì những người như ông Dũng không hề ít.

Thái Lan: Người dân tiêm vaccine tại huyện Mae Chaem có cơ hội nhận bò

Minh Phương |

Bắt đầu từ tháng sau, một người dân đã được tiêm phòng ở huyện Mae Chaem, tỉnh Chiang Mai may mắn chiến thắng vòng quay số sẽ được tặng một con bò non trị giá khoảng 10.000 baht (319 USD).

9 tỷ phú USD mới nổi nhờ vaccine COVID-19

Ngô Minh |

Theo Oxfam, đã có ít nhất 9 tỷ phú mới nổi nhờ lợi nhuận bán vaccine với tổng tài sản nhóm này còn lớn hơn chi phí tiêm vaccine cho toàn bộ người dân của các quốc gia nghèo nhất.