Tin vào cách ứng phó COVID-19 của Việt Nam

Hải Anh |

Về đợt lây lan dịch bệnh COVID-19 mới nhất ở Việt Nam, một số cây viết quốc tế, đại diện tổ chức quốc tế, trong các bài viết bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của chính phủ; Việt Nam sẽ ứng phó tốt như 3 đợt lây nhiễm trước đó...

Lòng tin và sự phối hợp của người dân

"Nín thở" trước làn sóng COVID-19 thứ 4 ở Việt Nam, cây viết Nicola Nixon của The Asia Foundation chỉ ra, trong 3 tuần qua, các cấp khác nhau của chính phủ Việt Nam đã tham gia ứng phó với đại dịch COVID-19 khi đợt lây nhiễm mới bùng phát.

"Đây là trải nghiệm thứ 4 của Việt Nam về sự lây nhiễm trong cộng đồng kể từ khi đại dịch bắt đầu và mọi người đều tin rằng nó sẽ được xử lý tốt như 3 lần trước" - cây viết của The Asia Foundation chia sẻ.

Từ tháng 3.2020 tới thời điểm bài viết đăng ngày 26.5, Việt Nam - với dân số 96 triệu người - chỉ có 5.791 ca COVID-19 và 44 ca tử vong. "Thành tích này thực sự đáng chú ý. Cách đây đúng một năm, trong một bài đăng trước đó, tôi tự hỏi liệu đại dịch có được kiểm soát tốt hay không và thực sự đã được kiểm soát tốt" - bà Nicola Nixon lưu ý.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một địa điểm ở Hà Nội. Nguồn: AFP
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một địa điểm ở Hà Nội. Nguồn: AFP
 

Bài viết so sánh dữ liệu về COVID-19 trên Worldometers ngày 26.5 của Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực, Việt Nam có 0,4, ca tử vong trên một triệu dân, 61 ca mắc COVID-19 trên một triệu người, con số "khác biệt đáng kinh ngạc" so với các nước trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia...

Trong suốt 18 tháng qua, trải qua 3 đợt bùng phát dịch bệnh, chính phủ Việt Nam đã đề cao cách tiếp cận mang tính chủ động lớn trong ứng phó virus lây lan trong cộng đồng, ưu tiên xử lý ở các cấp độ tiếp xúc chứ không chỉ chú ý riêng tới các triệu chứng bệnh.

Trong đợt lây nhiễm mới nhất, Việt Nam cũng áp dụng loạt các biện pháp nhằm đảm bảo giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển từng bước. Dù có những tác động của những biện pháp này tới đời sống thường nhật ở Việt Nam, The Asia Foundation nhấn mạnh, "sự bình tĩnh và trật tự của hệ thống mang lại sự tự tin".

Giữa những đợt bùng phát đã xảy ra ở Việt Nam, dù không có du khách quốc tế, nhưng nhịp sống ở Việt Nam vẫn tiếp diễn bình thường tương đối. Nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng ít và được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh nhất ở Đông Nam Á. "Khả năng ngăn chặn virus của chính phủ là yếu tố quan trọng trong thành công này" - cây viết Nicola Nixon lưu ý.

Thêm vào đó, tại Việt Nam, 4 loại vaccine nội địa đang được phát triển, với 2 loại đang thử nghiệm trên người. Cho rằng, dù còn quá sớm để nói về diễn tiến của đợt lây lan dịch bệnh mới nhất ở Việt Nam, nhưng tình hình hiện tại, Nicola Nixon hy vọng "đây sẽ chỉ là gợn sóng thứ 4" trong một cuộc khủng hoảng được ứng phó tốt.

Kiên định mục tiêu kép

Trang Taiwan News của Đài Loan (Trung Quốc) ngày 26.5 đưa tin, một nhà máy ở miền bắc Việt Nam thuộc sở hữu của Foxconn Technology Group, nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có thể được phép hoạt động trở lại sớm nhất ngày 28.5 sau các biện pháp phòng ngừa COVID-19. Theo trang này, chính quyền địa phương đang lập danh sách các doanh nghiệp vượt qua cuộc kiểm tra và nhà máy của Foxconn ở tỉnh Bắc Giang là một trong những địa điểm có khả năng đã đáp ứng được các quy định về phòng ngừa COVID-19.

Cùng ngày, Reuters thông tin về việc Việt Nam thành lập quỹ vaccine COVID-19 trong bối cảnh đợt bùng phát COVID-19 lớn nhất từ trước tới nay. Theo đó, chính phủ Việt Nam mới thông qua việc thành lập một quỹ đặc biệt để thúc đẩy chương trình tiêm chủng chống COVID-19. Quỹ sẽ đảm nhận việc thu xếp các nguồn lực cho việc mua sắm, sản xuất và sử dụng vaccine COVID-19.

Khmer Times (Campuchia) đăng bài viết về nỗ lực của ASEAN trong hướng tới miễn dịch cộng đồng năm 2022, trong đó dẫn lời bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam - cho biết, Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát dịch bệnh đáng ngại nhất cho tới thời điểm hiện tại. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang thắt chặt kiểm soát biên giới cũng như thúc đẩy việc tăng tiếp cận vaccine COVID-19. Ngoài kế hoạch lập quỹ vaccine COVID-19 trị giá 1 tỉ USD của chính phủ, Quốc hội Việt Nam cũng đã dành 500 triệu USD để đẩy nhanh việc mua vaccine COVID-19 từ các nguồn khác nhau.

Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, đây là những chiến lược quan trọng trong phòng, chống và kiểm soát COVID-19. Bà cũng lưu ý thêm rằng, Việt Nam đang nghiên cứu để tự sản xuất vaccine COVID-19 trong nước.

UNDP đánh giá cao sáng kiến ​​của Việt Nam trong việc đăng ký với WHO để trở thành trung tâm sản xuất vaccine tiềm năng đáp ứng nhu cầu trong nước và khu vực, bà Caitlin Wiesen nói.

Trưởng đại diện UNDP Caitlin Wiesen lưu ý, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong ASEAN và là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Nghiên cứu của UNDP cho thấy người dân Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ Chính phủ trong các nỗ lực phòng, chống và kiểm soát COVID-19, trong khi đội ngũ nhân viên y tế và toàn thể cộng đồng đang làm việc không mệt mỏi để ngăn chặn dịch bệnh.

Mọi sự giúp đỡ, hỗ trợ chương trình “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo” xin gửi về: Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng, số 51 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 024.39232748. Số tài khoản (STK): 113000000758 tại Vietinbank chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tài khoản USD: 115000196228 tại Vietinbank chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội. STK: 0021000303088 - tại Vietcombank - chi nhánh Hà Nội, STK: 12410001122556 - tại BIDV - Chi nhánh Hoàn Kiếm.

Bạn đọc ghi rõ hỗ trợ chương trình: "Triệu liều vaccine cho người lao động nghèo”.

(Nguồn: Báo Lao Động)

TAGS

Phát hiện người Trung Quốc vô tư buôn bán khẩu trang không rõ nguồn gốc tại Hà Nội

Văn Ngân |

Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) vừa phát hiện và thu giữ 71.100 chiếc khẩu trang và hàng nghìn khay gà muối không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Động đất 5,8 độ ở Trung Quốc, nhà cao tầng tại Hà Nội rung lắc

Mỹ Hà |

Người dân nhà cao tầng Hà Nội cảm nhận được sự rung lắc do dư chấn từ trận động đất mạnh ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Hà Nội phát triển thư viện lưu động tại 50 trường học ngoại thành

Đinh Thuận |

Năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh dịch vụ thư viện lưu động, phục vụ tại 50 điểm trường Tiểu học, Trung học Cơ sở thuộc các huyện ngoại thành Hà Nội (với trên 40.000 học sinh, 120.000 lượt sách phục vụ).

4 học sinh lớp 12 ở Hà Nội nhiễm COVID-19

Q.Huy |

5 bệnh nhân mới ghi nhận tại Hà Nội sáng 9/5 có 4 học sinh lớp 12 ở Gia Lâm liên quan đến ổ dịch Mão Điền - Bắc Ninh và 1 người liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung.