Có một thế hệ người Mỹ từng sống với chiến tranh Việt Nam và mang nặng nhiều ký ức không thể nguôi ngoai. Sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995, ngày càng nhiều người Mỹ đến Quảng Trị, nhất là thời gian gần đây. Họ cảm nhận sâu sắc những gì đã xảy ra và mong muốn khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, ước nguyện nhân loại được mãi mãi sống trong hòa bình qua những câu chuyện dưới đây.
Xây ngôi trường từ mơ ước của bạn
Con đường đến bản Ra Man thuộc xã Xy, huyện Hướng Hoá thật xa xôi và nhiều trở ngại. Con đường này chính là tuyến vận tải đặc biệt quan trọng từ Bắc vào Nam thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ra Man là một bản nhỏ của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền biên giới tỉnh Quảng Trị, Việt Nam. Nơi đây, chỉ thêm vài chục mét nữa thôi là đến nước bạn Lào láng giềng. Nhưng ở nơi heo hút này, bản Ra Man có lúc cũng rộn ràng, bởi các em nhỏ đang chào đón những vị khách đặc biệt đến từ bên kia bán cầu.
Từ nước Mỹ xa xôi, Robert Spindel, giảng viên Đại học Washington và vợ là bà Barbara Spindel, giáo viên dạy toán trường trung học đã về hưu, họ đến miền biên viễn Việt Nam để thực hiện một sứ mệnh đặc biệt - tự tay cắt băng khánh thành Trường mầm non Ra Man - công trình do chính họ tài trợ xây dựng. Ngôi trường có tấm biển mang tên John Seel - một người bạn rất thân của Robert Spindel, hai người học với nhau từ thời mẫu giáo.
Ông Robert Spindel kể, John Seel là một sinh viên khoa luật xuất sắc. Chiến tranh là thứ mà bạn ấy không muốn tham gia nhưng phải tuân theo lệnh nhập ngũ của chính phủ và đã thiệt mạng khi mới đến Việt Nam chỉ 4 ngày. Vợ của John Seel là một giáo viên mầm non, họ chưa có con nhưng cả hai người rất yêu trẻ em và sự nghiệp giáo dục.
Bà Barbara Spindel chia sẻ: “Đối với chúng tôi, mang đến những ngôi trường trong tình hữu nghị sẽ giúp hàn gắn một phần vết thương của cuộc chiến tranh khủng khiếp mà người dân ở những ngôi làng như thế này phải hứng chịu. Và với niềm hy vọng là mang đến giáo dục cho trẻ em thì sẽ giúp trẻ có một cuộc sống tốt hơn như con cái của chúng tôi ở Mỹ vậy”.
Nói về ước nguyện của bạn mình, ông Robert Spindel tâm sự: John thiệt mạng khi còn rất trẻ, khi mà vợ chồng chưa kịp có con. Chúng tôi biết bạn ấy rất muốn có con và chính điều đó khiến chúng tôi liên tưởng ngay đến các em nhỏ ở bản Ra Man này, giống như con cái của bạn ấy.
Thay bạn thực hiện mơ ước, thông qua tổ chức Cây Hòa Bình Việt Nam, vợ chồng Robert Spindel đã tài trợ xây dựng Trường mầm non Ra Man như là một cách để xoa dịu nỗi đau và tưởng nhớ người bạn thân của mình bị mất do chiến tranh. Bởi, dù yêu trẻ em và giáo dục, nhưng John Seel không còn nữa, không thể tự biến mơ ước thành hiện thực. Bà Barbara Spindel xúc động nói rằng: “Với ngôi trường này, chúng tôi rất vui mừng và cảm động khi hôm nay đã xây nên được giấc mơ của bạn ấy”.
Trồng “cây hòa bình” nơi chia cắt đất nước
Cũng từ nước Mỹ, những người khách đặc biệt là Đoàn ngoại giao nhân dân Peace Trees đến Vĩ tuyến 17, nơi có sông Bến Hải, cầu Hiền Lương từng làm ranh giới chia cắt đất nước suốt hơn 20 năm bởi chiến tranh và là biểu tượng khát vọng hòa bình, thống nhất của Nhân dân Việt Nam.
Trong số họ, có Kem Hunter - cựu chiến binh quân đội Mỹ giai đoạn 1968 - 1969. Kem Hunter đã có khá nhiều thời gian tham chiến tại Quảng Trị, nhưng khác trước, lần trở lại này ông không mang theo súng đạn mà chỉ có cuốc, xẻng đến Việt Nam để trồng “cây hòa bình”.
Phát biểu trong buổi lễ trồng cây được tổ chức gọn nhẹ, Kem Hunter nói ông rất tự hào khi là một trong những người Mỹ đầu tiên trồng “cây hòa bình” ở Vĩ tuyến 17 tỉnh Quảng Trị. Kem Hunter chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng việc trồng cây ở hai bờ giới tuyến này là hành động mang tính biểu tượng. Cho thấy đất nước đoàn tụ trong hòa bình và người dân của hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đang làm việc cùng nhau để đất nước này thành một nơi tốt đẹp, góp phần làm cho thế giới tốt hơn”.
Hàn gắn vết thương lòng, hàn gắn trái tim của những người từng trải qua cuộc chiến tranh, đó cũng là mục đích mà Tổ chức Cây Hòa Bình thường triển khai những chuyến đi ngoại giao công dân Peace Trees đến Việt Nam để trồng cây, trong đó có cả dành cho những cựu chiến binh Mỹ, giúp họ nguôi ngoai quá khứ, gắn kết và củng cố mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Trồng “cây hòa bình” ở Hiền Lương - Bến Hải, đoàn ngoại giao công dân Mỹ kính cẩn thắp nén hương tưởng niệm những người Việt Nam đã hy sinh vì đất nước. Đối với các cựu chiến binh Mỹ, họ quay lại Việt Nam để hiểu hơn về chiến tranh, về người dân cũng như vùng đất mà mình đã từng là một bên tham chiến, để hàn gắn và hướng về phía trước.
“Chúng tôi thực sự mong muốn hoà bình”!
Con đường đến với Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn ở xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị tấp nập xe cộ cùng dòng người đến thăm viếng, trong đó có cả những cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Thắp một nén hương tưởng niệm những người lính Việt Nam, họ - những cựu chiến binh Mỹ mang thông điệp “vì hoà bình” đều có suy nghĩ riêng khi đặt chân đến nơi này.
“Khi đến đây, tôi thật sự cảm thấy rất buồn, và muốn xin lỗi vì những gì đất nước tôi đã làm ở đây. Vẫn rất nhiều bom mìn còn sót lại, rồi các nạn nhân chất độc da cam. Ở Mỹ, trong số các cựu chiến binh, cũng có người chịu hậu quả của chiến tranh, nhưng đó chỉ là số nhỏ so với ở Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cũng thấy vui vì các bạn đã khắc phục hậu quả chiến tranh rất tốt”, Vince Dijanich - cựu chiến binh Mỹ chia sẻ.
Từng tham chiến ở Việt Nam cách đây hơn 50 năm, ông Gary Brynjulfson luôn băn khoăn rằng có nên trở lại mảnh đất này không. Và trong chuyến đi đến với Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, ông đã có câu trả lời cho riêng mình.
Ông Gary Brynjulfson cho biết: “Thật tốt khi chiến tranh đã kết thúc. Nhưng tôi muốn khẳng định, sự trở lại là cần thiết, bởi chúng tôi đến đây vì chúng tôi là nhóm “cựu chiến binh vì hoà bình”, chúng tôi thực sự mong muốn hoà bình, không có chiến tranh”!
Mong muốn hoà bình, không muốn chiến tranh! Tại nơi yên nghỉ của hơn 10 nghìn liệt sĩ từng chiến đấu và hy sinh trên đường Trường Sơn, nhiều cái bắt tay trong sự gặp gỡ tình cờ của các cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam, từng ở hai bên chiến tuyến.
Những cái bắt tay siết chặt đã thể hiện sự hàn gắn, sự sẻ chia những mất mát do chiến tranh gây ra và cùng ước nguyện cho nhân loại mãi mãi được sống trong hoà bình.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)