Gần 60 năm gắn bó với sự nghiệp nghiên cứu lai tạo giống, PGS.TS. AHLĐ Nguyễn Thị Trâm đã tạo ra hàng chục giống lúa lai năng suất, chất lượng.
PGS.TS. AHLĐ Nguyễn Thị Trâm đã đem tới những mùa vàng bội thu cho nông dân và tạo ra hàng chục tỷ đồng từ việc bán giống lúa cho Nhà nước, làm rạng danh nền nông nghiệp Việt Nam.
Nhà nông học “khai sinh” ra nhiều giống lúa lai đặc biệt, giá trị đến chục tỷ đồng
Tháng 6/2008, PGS.TS. AHLĐ Nguyễn Thị Trâm khiến cả giới khoa học "chấn động", khi chuyển nhượng thành công giống lúa lai hai dòng TH3-3 cho Công ty TNHH Cường Tân (Nam Định) với giá kỷ lục 10 tỷ đồng. Điều này đã tạo được sự đột phá, khích lệ rất lớn đối với ngành khoa học nông nghiệp Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực giống.
"Thời điểm đó, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm đánh giá TH3-3 “xứng đáng là 'hoa hậu' trong số những đứa con của tôi. Hạt gạo thật trắng, nấu cơm rất thơm, dẻo. Nó lại là kiểu cây bán lùn, thân cứng nên ít bị đổ khi gặp mưa bão, lại kháng được các bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá…”, bà chia sẻ.
Vào thời điểm ấy, giống lúa lai hai dòng TH3-3 của PGS.TS Nguyễn Thị Trâm hội tụ những ưu điểm vượt trội: thời gian sinh trưởng ngắn chỉ từ 105-115 ngày/vụ mùa; 115-125 ngày/vụ xuân, năng suất có thể đạt tới 7- 8 tấn/ha, cao hơn mức trung bình 6,5 tấn của vụ đông xuân năm 2008 ở miền Bắc.
Đây cũng là giống lúa thích hợp với nhiều vùng khí hậu khác nhau, hơn nữa, vì được sản xuất trong nước nên giá giống lúa TH3-3 phù hợp với túi tiền của người nông dân. Bởi vậy, TH3-3 được rất nhiều nông dân từ miền núi phía Bắc đến đồng bằng, miền Trung và Tây Nguyên đón nhận.
Ngay sau khi được đưa tới tay người nông dân giống lúa này đã được nhân rộng tới 60% diện tích sản xuất lúa lai trong cả nước, tạo công việc và tăng thu nhập cho hàng vạn lao động nông nghiệp.
Trước đó PGS.TS Nguyễn Thị Trâm cũng đã nghiên cứu và cho ra đời hàng chục giống lúa lai khác nhau như: NN-9, NN-10, NN-23, TH-5, TH3-11, TH5-1, TH6-3, TH2-3… và chuyển nhượng thành công bản quyền giống lúa lai TH3-4 với giá chuyển nhượng lên tới 700 triệu đồng vào tháng 3/2008. Đây cũng là một trong những hợp đồng chuyển nhượng rất giá trị đối với các nhà khoa học Việt thời điểm đó.
PGS.TS Nguyễn Thị Trâm từng chia sẻ, nếu bà giữ giống lúa TH3-3, TH3-4 lại thì mỗi năm, “hai đứa con cưng” cũng sản sinh cho bà hàng tỷ đồng. Nhưng vì xác định mục tiêu, công việc chính là nghiên cứu, chứ không phải kinh doanh trên những sản phẩm mình tạo ra nên sau khi chuyển nhượng TH3-3, TH3-4, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm lại cần mẫn nghiên cứu, thực nghiệm và tiếp tục đưa ra nhiều giống lúa mới.
Sau đó, những giống lúa TH3-5, TH5-1, TH7-2 và gần đây là giống lúa thơm Hương cốm... với thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng rộng lần lượt ra đời.
Tới năm 2016, chỉ tính riêng giống lúa thuần Hương cốm, phòng nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Thị Trâm đã tạo ra tới 4 giống có mùi hương khác biệt, có giống thơm mùi dứa, có dòng thơm mùi bỏng ngô...
Bởi được tổng hợp từ nhiều nguồn gen thơm nhập từ nước ngoài, từ các giống đặc sản bản địa, chọn lọc tinh vi, đánh giá lặp lại nhiều vụ nên các giống lúa thơm Hương cốm của PGS.TS Nguyễn Thị Trâm không chỉ thơm mà còn cho năng suất cao hơn các giống lúa thơm hiện đang gieo trồng, hạt gạo thơm, thon dài, trong và bóng, cơm thơm dẻo, ngọt đậm, có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập.
Tháng 12/2016, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm lại tiếp tục chuyển giao bản quyền hai giống Hương cốm 1, và Hương cốm 4 cho Công ty TNHH Cường Tân để mở vùng sản xuất lúa thơm hữu cơ, xây dựng chuỗi sản phẩm nông sản sạch chất lượng cao cung cấp ra thị trường.
Cả cuộc đời gắn bó với việc nghiên cứu cây lúa
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình…. hoàn toàn không biết gì về nông nghiệp, bà chỉ bén duyên và say mê nghiên cứu về cây lúa khi bước chân vào trường nông nghiệp và về công tác tại Viện Cây lương thực và thực phẩm sau khi ra trường năm 1968.
Trước khi tìm ra được bí mật về giống lúa lai hai dòng, bà đã tự tìm tòi, nghiên cứu cho ra đời nhiều giống lúa như NN-9, NN-10, NN-23, NN75-6... trong đó giống lúa NN75-6 đã đem lại cho bà bằng tác giả sáng chế đầu tiên vào năm 1984.
Bước ngoặt tạo ra cú huých lớn trong sự nghiệp nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Thị Trâm quãng thời gian tham gia khóa học ngắn ngày tại Trung tâm lúa lai Hồ Nam, Trung Quốc. Tại đây, bà được tiếp xúc và làm việc với GS. Viên Long Bình - một nhà khoa học nổi tiếng Trung Quốc và thế giới với giống lúa lai ba dòng, giống lúa ông tạo ra đã đưa Trung Hoa thoát khỏi đói nghèo, tiến tới “giữ yên” về lúa gạo cho đất nước tỷ dân.
Lúa vốn là giống tự thụ, nghĩa là trong mỗi hoa đã có đủ nhị đực, nhị cái tự thụ phấn kết hạt. Nhằm tăng năng suất, con người đã ứng dụng khoa học công nghệ, can thiệp và tạo nên giống mẹ bất dục đực (không có phấn hoa) mà phải nhờ “cây bố” bên cạnh thụ cho, để có con lai (F1) cho năng suất chất lượng theo mong muốn.
Với sự kiên định, cần mẫn, cùng những kiến thức mới học được từ Trung tâm lúa lai Hồ Nam sau khi về nước, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm cùng các cộng sự đã tìm kiếm trong hàng trăm giống bản địa và ngoại nhập, tiến hành nhiều hướng nghiên cứu khác nhau để thử nghiệm và lai tạo.
Cuối cùng bà cũng đã thành công khi tìm ra loại giống thích hợp có loại gen lặn, bất dục đực, di truyền nhân mẫn cảm với nhiệt độ - TGMS (thermosensitive genic male sterility). Đây là loại giống bất dục theo nhiệt độ, cụ thể nhiệt độ dưới 24oC thì cây lúa hữu dục, nhiệt độ trên 24oC thì cây lúa bất dục, rất phù hợp với các thời vụ sản xuất của vùng đồng bằng sông Hồng.
Từ dòng gen mới tìm ra, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm đã cho ra đời hàng loạt tổ hợp lúa lai hai dòng, đầu tiên là TH3 - 3, rồi đến TH3-4, TH3-11, TH3-1, TH2-3...
Ở tuổi 77 PGS.TS. AHLĐ Nguyễn Thị Trâm vẫn bôn ba khắp đồng bằng, miền núi để nghiên cứu, tìm tòi cho ra những giống lúa mới. Bà chia sẻ dù đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng thật lòng bà không muốn nghỉ.
Niềm đam mê nghiên cứu khoa học, được đem những giống lúa mới của mình đến với người nông dân, được trực tiếp lội ruộng, nâng niu những bông lúa vàng óng vẫn nguyên vẹn trong bà, chỉ cần còn có sức khỏe, còn kiến thức, còn làm việc được thì bà vẫn cứ làm.
Tháng 6 vừa qua, bà đã xin cấp bằng bảo hộ thành công cho giống lúa lai ba dòng MV2 và giống lúa lai hai dòng Lai thơm 6.Bên cạnh việc chọn tạo giống lúa, PGS.TS. AHLĐ Nguyễn Thị Trâm và đồng nghiệp còn lai tạo nhiều giống cây trồng khác.
Năm 2019, giống Sacha inchi S18 do bà là tác giả chính đã được công nhận đặc cách giống dược liệu mới của Việt Nam, mở ra cơ hội để sản xuất, phát triển cây Sacha inchi giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.
PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm còn là tác giả của nhiều tài liệu, giáo trình phục vụ hoạt động giảng dạy, hướng dẫn cho sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh. Với những cống hiến to lớn cho khoa học và cho nền nông nghiệp nước nhà, bà xứng đáng là biểu tượng đẹp của đội ngũ những người làm khoa học trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
PGS.TS Nguyễn Thị Trâm sinh năm 1944, ở thôn Đan Tiến, xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Bà là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Nhà giáo nhân dân. Được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba; Huy chương Kháng chiến hạng nhì; Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ; Giải thưởng Kovalevskaia 2000; Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục; Huy chương Vì sự nghiệp Nông nghiệp; Huy chương Vì thế hệ Trẻ.
(Nguồn: Phụ nữ mới)