Theo số liệu khảo sát của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, thời gian qua do dịch bệnh bùng phát nên có khoảng 17.000 người Quảng Trị từ các tỉnh, thành phố phía Nam phải trở về quê, trong đó có hàng ngàn người ở độ tuổi lao động. Để ổn định cuộc sống, giải quyết việc làm cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID-19 đang là vấn đề được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Với một số lượng lớn lao động tăng đột biến như vậy thì các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khó có thể tiếp nhận hết, bởi đa phần các doanh nghiệp ở Quảng Trị có quy mô nhỏ, chủ yếu sử dụng lao động địa phương, nên việc thiếu lao động trong các ngành nghề, lĩnh vực không nhiều. Toàn tỉnh có 4.193 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh với gần 53.000 lao động. Theo khảo sát sơ bộ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện có một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng với trên 3.800 lao động, trong đó có khoảng 2.250 lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Về kết nối cung - cầu, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh liên hệ đến từng người lao động đăng ký tìm việc làm (bằng hình thức nhắn tin) để cung cấp thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp. Trung tâm đã kết nối tư vấn việc làm qua hệ thống tin nhắn và điện thoại trực tiếp cho 534 lao động, tuy nhiên chỉ có 35 lao động được giới thiệu, kết nối việc làm thành công, số lao động được khảo sát còn lại chưa có nhu cầu tìm việc ở quê với nhiều lý do như muốn tạm thời nghỉ ngơi hoặc dự tính sẽ quay trở lại doanh nghiệp cũ làm việc khi dịch bệnh ổn định… Cũng với những lý do trên nên khi các huyện, thị xã, thành phố thực hiện rà soát, tổng hợp nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, chuyển đổi sinh kế cho người dân thì chỉ có 20 lao động của các địa phương đăng ký học nghề với 13 ngành nghề khác nhau. Do vậy, đến nay Sở Lao động, Thương binh và Xã hội vẫn chưa thể mở lớp đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động.
Qua một số công nhân từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về, chúng tôi được biết mỗi tháng mức thu nhập của một người dao động khoảng từ 5 triệu - 10 triệu đồng tùy vị trí công việc. Dù chi tiêu tiết kiệm nhưng khoản tiền này cũng chỉ đủ cho chi phí sinh hoạt hàng tháng để người lao động bám trụ ở các thành phố lớn mưu sinh chứ không có tiền tích lũy. Thế nhưng, nhiều lao động vẫn chọn cách đi làm ăn xa dù ở ngay trên quê hương mình vẫn có những việc làm cho thu nhập tương tự. Qua khảo sát của các đơn vị, địa phương thì có trên 80% lao động trở về quê trong đợt dịch vừa qua cho biết họ sẽ trở lại các tỉnh phía Nam để làm việc khi tình hình dịch bệnh lắng xuống.
Con số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thiếu 3.800 lao động nhưng chỉ có 35 lao động trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam vào làm việc ở các doanh nghiệp, cho thấy nhu cầu được làm việc tại tỉnh rất ít. Một thực tế hiện nay là có nhiều lao động còn mơ hồ với chế độ tuyển dụng của các công ty, nhà máy trong tỉnh nhưng lại rất thông thạo các chính sách của các đơn vị ở các tỉnh, thành phía Nam. Phải chăng chính sách giải quyết việc làm và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đến được một cách đầy đủ với người lao động?
Hiện tỉnh đang xây dựng chính sách hỗ trợ người lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID-19, trong đó có chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho những người từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về quê từ tháng 6/2021 đến nay. Đối tượng thụ hưởng chính sách lần này khá cụ thể, có thể xem là một “phân khúc” trong bài toán an sinh xã hội trước những tác động tiêu cực của đại dịch nên kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cụ thể. Để có được chính sách phù hợp thực tế, ngành chức năng cần sớm tổ chức khảo sát nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động trở về từ các tỉnh, thành phía Nam trong thời gian qua, đồng thời nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố khác để có giải pháp kết nối cung - cầu lao động hợp lý.
Bên cạnh khảo sát nhu cầu, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức để người lao động kịp thời nắm bắt thông tin, nhu cầu tuyển dụng, chính sách việc làm, thị trường lao động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cần có các sàn giao dịch việc làm trực tuyến, lưu động về tận địa phương để kết nối doanh nghiệp với người lao động. Song song hỗ trợ người lao động, ngành chức năng cần hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất an toàn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn các tiêu chí an toàn, vệ sinh lao động, hỗ trợ vay vốn tạo việc làm mới cũng như nắm bắt, xử lý hài hòa quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, góp phần giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ổn định sản xuất kinh doanh, thu hút lao động vào làm việc.
Bên cạnh khuyến khích người lao động tham gia học nghề, tìm kiếm việc làm và chuyển đổi sinh kế, lập nghiệp trên quê hương, cần tạo điều kiện cho người lao động, nhất là công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các tỉnh, thành phố phía Nam sớm quay trở lại doanh nghiệp cũ bởi đây là thời điểm thích hợp, nhiều doanh nghiệp ở phía Nam đang hồi phục, tăng tốc sản xuất để hoàn thành các đơn hàng cuối năm nên nhu cầu tuyển dụng tăng cao, mở ra cơ hội việc làm lớn với nhiều chính sách ưu đãi để thu hút công nhân trở lại làm việc.
Vì thế, tỉnh cần ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người lao động có nguyện vọng trở lại các tỉnh, thành phố phía Nam làm việc, đồng thời khảo sát, tổng hợp nhu cầu nhóm đối tượng này để kết nối, vận động doanh nghiệp tuyển dụng lao động hỗ trợ phương tiện cũng như các chi phí đi lại, thuê nhà ở, xét nghiệm COVID-19... để người lao động yên tâm trở lại làm việc, giảm áp lực giải quyết việc làm trước mắt và các vấn đề an sinh xã hội cho địa phương.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)