Bà Dần đi học chữ

Trương Quang Hiệp |

Ở tuổi 66, cả sức khỏe lẫn trí nhớ đều khiến bà Hồ Thị Dần, trú tại thôn Khe Xoong, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông (Quảng Trị) phải buông bỏ nhiều thứ. Tuy nhiên, ước mơ được học chữ vẫn thường trực, cháy bỏng trong lòng bà. Đó là lý do thôi thúc người phụ nữ này bước vào hành trình… tìm chữ đầy gian nan.

60 năm “khát” chữ

Những ngày này, trời vùng cao sụt sùi mưa gió. Trong khung cảnh ấy, tiếng đọc chữ vang ra từ căn nhà nhỏ của bà Hồ Thị Dần như sưởi ấm không gian. Chỉ đường cho chúng tôi đến thăm nhà bà Dần, người phụ nữ cùng thôn vui vẻ nói: “Hầu như sáng nào, bà Dần cũng luyện đọc. Những ngày đầu, bà nhờ con, cháu ngồi cạnh, giờ thì không cần nữa rồi. Giọng đọc của bà Dần như tiếng… chuông báo thức thôi thúc mấy đứa trẻ trong thôn rời chiếc chăn ấm để ngồi vào bàn học”.

Bà Hồ Thị Dần giờ đây đã có thể đọc được báo - Ảnh: Q.H
Bà Hồ Thị Dần giờ đây đã có thể đọc được báo - Ảnh: Q.H

Đến giờ, mỗi lần nhắc tới tuổi thơ “khát” chữ, đôi mắt mờ đục của bà Dần lại nhuốm buồn. Ba mẹ của bà đều mất sớm. Bấy giờ, những đứa trẻ mồ côi cả ba lẫn mẹ như bà Dần trở thành… nỗi lo sợ của nhiều người. Một số bà con trong bản xa lánh vì cho rằng, bà chính là điềm xấu. Ai gần gũi với bà sẽ gặp chuyện không hay. May mắn là tình thương đã thôi thúc những người họ hàng của bà Dần vượt qua nỗi sợ vô hình đó để cưu mang bà. Kể về những ngày thơ ấu, bà Dần chia sẻ: “Thời ấy, với mẹ, được sống, có cái bỏ bụng là may mắn lắm rồi. Vì thế, mẹ cũng không dám mơ đến chuyện đèn sách”.

Xác định không thể đến trường nhưng nỗi buồn vẫn thấm sâu trong lòng bà Hồ Thị Dần. Hằng ngày, thấy lũ trẻ cùng tuổi cắp cặp đi học, còn mình phải mang a chói trên vai để lên nương, bà nhiều lần tủi thân. Đôi khi bà nghĩ: “Giá như ba mẹ không vội vã ra đi, chắc đời mình sẽ khác”. Suy nghĩ ấy lặp đi, lặp lại nhiều lần theo mỗi ngày cô bé Vân Kiều khôn lớn. Thời gian cứ trôi, đường đến trường của bà Dần càng thêm xa cách. “Mỗi lần đi làm thủ tục, giấy tờ, mẹ đều phải chạy quanh để hỏi, nhờ vả. Mấy chục năm cuộc đời, mẹ chỉ biết… điểm chỉ thôi. Tủi thân lắm”, bà Dần buồn buồn nói.

Sau khi có gia đình riêng, bà Dần truyền tất cả khát khao đến trường cho 4 người con. Bà thường mơ về ngày con mình thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học, rồi trở về quê làm giáo viên, bác sĩ. Thế nhưng, giấc mơ ấy của bà không trở thành hiện thực. Lúc đứa con út chưa đầy hai tuổi, chồng bà Dần qua đời. Mất đi trụ cột trong gia đình, bà và các con chịu nhiều vất vả. Miếng ăn còn thiếu nên việc đến trường của các con bà cũng bị đứt đoạn. Mỗi lần nghe con xin nghỉ học để ở nhà phụ mẹ, bà cảm thấy tim mình như bị bóp nghẹt. Điều an ủi duy nhất đối với bà Dần là ít ra các con mình còn biết mặt chữ, con số. Nhờ thế, cuộc đời của chúng có phần tươi sáng hơn mình.

Hành trình tìm con chữ

11 năm gắn bó với công tác hội, chị Phan Thị Chung, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông hiểu những khó khăn mà hội viên phải đối diện vì không được học hành. Qua chuyện trò, chị thấu cảm nỗi khát khao được đi học của nhiều chị em. Đó là lý do thôi thúc chị Chung quyết tâm mở lớp xóa mù chữ cho hội viên phụ nữ ở thị trấn vùng cao. “Ban đầu, lớp có 24 chị em. Hôm lớp bước sang buổi học thứ 3, chúng tôi rất bất ngờ khi thấy bà Dần đến và xin tham gia. Bà nói, phải học chữ để sau này không tiếc nuối”, chị Chung kể.

Món quà nhỏ từ Chi đoàn Báo Quảng Trị mang niềm vui đến với bà Hồ Thị Dần - Ảnh: Q.H
Món quà nhỏ từ Chi đoàn Báo Quảng Trị mang niềm vui đến với bà Hồ Thị Dần - Ảnh: Q.H

Nói về ngày “khai trường” đặc biệt của mình, bà Dần khẳng định, đó là kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời bà. Đầu tháng 6/2021, bà Dần hay tin Hội LHPN thị trấn Krông Klang mở lớp xóa mù chữ. Dẫu rất thích đi học nhưng bà vẫn còn chút ái ngại vì sợ sức khỏe, trí nhớ không cho phép mình theo kịp các em, các cháu. Ái ngại thế nhưng bà Dần ở nhà cũng không yên. Sống gần nơi chị em học tập, mỗi lần nghe tiếng đọc chữ của mọi người vọng lại, bà cứ đi vào, đi ra. Cuối cùng, bà Dần quyết định bước qua rào cản tư tưởng để đến lớp xóa mù chữ.

Ở tuổi 66, việc đi học là thử thách lớn đối với bà Dần. Đôi tay vốn quen với cái cuốc, cây rựa của bà cứ cứng đơ, lóng ngóng khi cầm cây bút. Để đọc những nét chữ, con số, mắt bà Dần cũng phải căng ra. Biết bà gặp nhiều khó khăn hơn các chị em khác nên thầy, cô đều nhiệt tình kèm cặp, hướng dẫn. Nhờ thế, bà Dần nhanh chóng hòa nhịp với lớp học. Bước qua sự bỡ ngỡ ban đầu, bà Dần sớm tìm thấy niềm vui. Bà hạnh phúc khi nhận món quà từ Chi đoàn Báo Quảng Trị; được con cháu ủng hộ, động viên; nhận rất nhiều tình cảm, sự giúp đỡ từ mọi người…

Được học tập trong không khí vui tươi, tràn ngập tình yêu thương nên bà Dần rất buồn khi lớp xóa mù chữ phải tạm thời đóng cửa vì tình hình COVID-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp. Những ngày giãn cách xã hội trở nên dài lê thê đối với bà. Trong tâm trí, bà Dần sợ con chữ… rơi rụng mất. Vì thế, bà tự nhắc mình phải thường xuyên ôn bài, rồi nhờ con cháu trong nhà dạy thêm. Hôm nhận cuộc gọi từ cán bộ Hội LHPN thị trấn Krông Klang báo lớp học được mở cửa trở lại, bà Dần vui như một đứa trẻ được nhận quà.

“Sự học chưa bao giờ muộn”

Một thời, nhiều người Vân Kiều, Pa Kô quan niệm: “Đói ăn thì chết, còn đói chữ thì chẳng sao”. Nhờ sự vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị liên quan, bà con mới hiểu ra rằng: “Không có cái chữ, người Vân Kiều, Pa Kô sẽ mãi nghèo khổ”. Vì thế, dân bản ngày càng quan tâm hơn đến sự học của con em mình. Thế nhưng, sự quan tâm ấy chủ yếu dành cho các em nhỏ hoặc thanh thiếu niên. Phần đông phụ huynh ở vùng cao ít quan tâm đến việc học của chính mình. Đơn cử nhiều hội viên phụ nữ vẫn ngại ngần khi được vận động tham gia các lớp xóa mù chữ.

Trong bối cảnh ấy, câu chuyện về hành trình tìm chữ của bà Dần đã truyền cảm hứng cho nhiều chị em ở miền núi rừng phía tây Quảng Trị. Ai cũng khâm phục khi biết, với sự nỗ lực, quyết tâm cao, sau gần 2 tháng học lớp xóa mù chữ, bà Dần đã biết đọc, biết viết. Giờ đây, bà đã có thể đọc những dòng chữ trên chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm, sổ hộ khẩu… và cũng không phải điểm chỉ như trước. Hôm bế giảng lớp xóa mù chữ, cán bộ Hội LHPN thị trấn Krông Klang và các giáo viên đứng lớp đều xúc động khi nhận lời cảm ơn đến từ bà Dần. Nắm tay những người đã nâng bước mình đến với con chữ, bà cứ luyến lưu mãi không thôi.

Đặc biệt, sau khi rời lớp xóa mù chữ, bà Dần vẫn miệt mài tự học. Ngôi nhà nhỏ của bà thường xuyên vang lên tiếng đọc sách, báo. Sợ con chữ “bỏ mình mà đi”, bà cũng đã đăng ký trước với Hội LHPN thị trấn Krông Klang xin tham gia nếu có lớp học mới. Đối với bà Dần, việc học giờ không đơn thuần để đạt mục đích biết mặt chữ, con số mà còn là niềm vui. Vì thế, bà mong muốn nhân lên niềm vui không chỉ cho mình mà cả mọi người.

Bà Dần rời nhà đi học chữ - Ảnh: Q.H
Bà Dần rời nhà đi học chữ - Ảnh: Q.H

Chuyện trò với bà trong căn nhà nhỏ, đôi tay chai sần của bà Dần cứ mân mê chiếc ba lô và đồ dùng học tập do Chi đoàn Báo Quảng Trị trao tặng hôm khai giảng lớp xóa mù chữ. Bà chia sẻ, từ ngày đi học, bà đã tự xác định một nhiệm vụ mới cho mình là tuyên truyền, vận động mọi người học tập suốt đời. Trong những lần chuyện trò với dân bản, có người nói với bà rằng, mình đã già rồi, ngại đi học lắm, vả lại không biết học để làm gì. Mỗi lần như thế, bà Dần lại chia sẻ niềm vui đi học của mình, rồi lan tỏa với mọi người thông điệp: “Sự học chưa bao giờ muộn. Hãy cùng học với tôi!”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hỗ trợ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế trong điều kiện dịch bệnh

Bảo Bình |

Ngay từ đầu năm học 2021 - 2022, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Trị đã chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế phù hợp trong tình hình COVID-19, hướng đến mục tiêu chung có 100% học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh được tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế.

Hiệu quả mô hình “Dòng họ học tập” ở Cam Lộ

Sỹ Hoàng |

Thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, những năm qua, các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng trên địa bàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị) ngày càng có sức lan tỏa rộng khắp… Đặc biệt là mô hình “Dòng họ học tập” đã trở thành điểm sáng, là chỗ dựa, động lực khích lệ tinh thần học tập của con cháu; thúc đẩy phong trào khuyến học từ cơ sở.

Hội thi truyền thông về giáo dục hướng nghiệp cho học sinh

Trần Thị Trang |

Học sinh không chỉ được rèn luyện sự tự tin, tinh thần làm việc tự chủ, trách nhiệm, biết chia sẻ hợp tác mà quan trọng hơn, thông qua từng nội dung tìm hiểu, các em nhận ra rằng: Dưới ánh sáng mặt trời, bất kỳ một ngành nghề lao động chân chính nào đều góp phần tô đẹp cho đời và mang lại những giá trị cho cuộc sống.

Hội thảo nâng cao chất lượng giáo dục trung học trên địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông

Tú Linh |

Ngày 28/10/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị tổ chức hội thảo trực tuyến với các điểm cầu của ngành giáo dục và đào tạo 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trung học tại 2 địa phương trên.