Bước qua “lời nguyền” của biển

Hải An |

Từ xưa đến nay, ngư dân miền biển vẫn luôn có quan niệm rằng cứu người, vớt thi thể nạn nhân đuối nước trên biển, trên sông là “cướp cơm của hà bá” và sẽ trả giá cho hành động ấy. Nhưng ngư dân Mai Văn Dàn (58 tuổi) ở Khu phố 7, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị), đã dám bước qua “lời nguyền” của biển để lặn ngụp trong sóng to, gió lớn cứu người, vớt thi thể nạn nhân đuối nước.


“Cơ duyên” cứu người

Cách đây khoảng nửa tháng, tôi có dịp gặp ngư dân Mai Văn Dàn ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt khi ông đến nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Gio Linh trao tặng vì đã có thành tích trong công tác tìm kiếm cứu nạn từ ngày 10/11/2023 đến ngày 12/11/2023.

Trong quãng thời gian 3 ngày đó, ông Dàn đã cùng với 7 ngư dân khác trú tại Khu phố 7, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, không quản sóng to, gió lớn của mùa biển động dong thuyền dọc theo bờ biển bãi tắm Cửa Việt để ngày đêm tìm kiếm em P.M.H. (học sinh lớp 10) trú tại phường Đông Lễ, TP. Đông Hà, không may bị sóng cuốn trôi. Cũng trong 3 ngày đêm cật lực tìm kiếm em H., ông Dàn luôn cùng chung hy vọng mong manh với người thân của em để rồi tuyệt vọng đến tột cùng khi thi thể H. được lực lượng chức năng cùng ông vớt lên từ sóng biển mịt mù, buốt giá.

Ngư dân Mai Văn Dàn (thứ 3 từ phải sang) nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Gio Linh trao tặng - Ảnh: H.A
Ngư dân Mai Văn Dàn (thứ 3 từ phải sang) nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Gio Linh trao tặng - Ảnh: H.A

Khi tôi hỏi ông Dàn vì sao dám bước qua “lời nguyền” của biển cả, ông trầm ngâm trong chốc lát rồi kể lại câu chuyện xảy ra vào khoảng năm 1986. Lúc ấy ông đang là chiến sĩ của Trung đoàn 36 (Sư đoàn 308) có nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô Hà Nội.

Sau đó một thời gian thì ông được tăng cường lên mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang (phiên vào Sư đoàn 312). Vào một ngày khoảng tháng 11/1987, khi đang ở mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang thì ông nhận được tin dữ là cha và chú ruột mình gặp nạn giữa biển khơi bởi cơn lốc tố bất ngờ.

Và sau này, khi xuất ngũ trở về quê hương, ông hỏi chuyện những ngư dân trong vùng mới biết rằng buổi chiều định mệnh khiến cha và chú ruột gặp nạn, có rất nhiều thuyền của ngư dân gần đó nhưng không ai đến tương cứu hai ngư dân đang vật lộn để chống chọi với từng cơn sóng dữ. Hai ngư dân kỳ cựu gắn bó máu thịt một đời với biển đành xuôi tay, nhắm mắt gửi thân xác vào biển cả mịt mù trong trận cuồng phong.

Ở những nơi có dòng hải lưu chảy xiết gần bờ, ông Dàn cùng Tổ bảo vệ và cứu hộ bãi tắm Cửa Việt đều cắm biển báo nguy hiểm để người dân biết - Ảnh: H.A
Ở những nơi có dòng hải lưu chảy xiết gần bờ, ông Dàn cùng Tổ bảo vệ và cứu hộ bãi tắm Cửa Việt đều cắm biển báo nguy hiểm để người dân biết - Ảnh: H.A

Nguyên nhân khiến những ngư dân không tương cứu cha và chú ruột ông là do quan niệm đã ăn sâu vào tiềm thức ngư dân miền biển rằng nếu cứu người hoặc vớt xác những nạn nhân bị đuối nước trên sông, trên biển thì mặc nhiên sẽ bị “thế thân” cho “hà bá”... Rằng những ngư dân xấu số mà “hà bá” đã “lựa chọn” thì không được cứu bởi nếu “cứu người sẽ đền mạng”.

Khoảng năm 1989, ông Dàn chính thức rời quân ngũ trở về quê hương. Chỉ vài tháng sau, ông đầu tư đóng mới chiếc thuyền công suất nhỏ để nối nghiệp cha đánh bắt thủy hải sản gần bờ. Và trong sâu thẳm tâm thức, ông vẫn không thể nào nguôi quên buổi chiều mà cha và chú ruột mình phải ra đi tức tưởi bởi “lời nguyền” vô căn cứ ám ảnh nhiều đời ngư dân miền biển.

Hơn 150 lần “cướp cơm hà bá”

Không cần nhẩm tính, ông Dàn nói với tôi rằng từ năm 1989 đến nay, ông đã tham gia cứu người, vớt thi thể nạn nhân đuối nước trên sông, trên biển hơn 150 lần. Với ông cứu người là chuyện bình thường. Bởi ông luôn tâm niệm “cứu một mạng người hơn xây 7 tòa tháp” nên khi có người gặp nạn trên sông, trên biển là ông sẵn sàng bước qua “lời nguyền” của biển.

Hơn 34 năm “cướp cơm hà bá”, ông đã tự tích lũy, đúc rút cho mình vốn kinh nghiệm quý báu để nhiều lần khuyến cáo, nhắc nhở những người đến tắm biển Cửa Việt (hiện ông là nhân viên Tổ bảo vệ và cứu hộ bãi tắm Cửa Việt). Ở bãi tắm này thường xuất hiện những dòng hải lưu gần bờ chảy xiết tạo nên rãnh sâu dưới đáy biển. Những người tắm biển nếu không may bị cuốn vào dòng hải lưu ấy, nếu người biết bơi, có kinh nghiệm sẽ bơi xuôi theo dòng hải lưu sau đó tìm cách bơi thoát ra khỏi dòng hải lưu thì mới có thể bơi vào bờ an toàn; còn bơi ngược dòng hải lưu thì chỉ có cầm chắc cái chết. Nên ông luôn khuyến cáo những người tắm biển không nên ra quá xa và chỉ nên tắm ở khu vực an toàn. Rồi khi cứu người bị đuối nước phải tuân thủ nguyên tắc nếu nạn nhân đang vùng vẫy mạnh thì người cứu nạn tuyệt đối không được trực tiếp ôm nạn nhân và không để nạn nhân bám vào người mình. Vì khi đó, nạn nhân đang bị hoảng loạn sẽ ôm và siết chặt có thể khiến cho cả nạn nhân và người cứu nạn cùng bị đuối nước. Phải sử dụng phao tròn hoặc các vật thể nổi khác để bơi ra gần nạn nhân.

Bãi tắm Cửa Việt là nơi ông Dàn đã cứu hàng chục người khỏi nguy cơ đuối nước - Ảnh: H.A
Bãi tắm Cửa Việt là nơi ông Dàn đã cứu hàng chục người khỏi nguy cơ đuối nước - Ảnh: H.A

Nếu nạn nhân còn tỉnh táo thì ra ký hiệu cho nạn nhân bám vào phao, sau đó vừa bơi, vừa kéo phao đưa nạn nhân vào bờ. Trường hợp nạn nhân đã đuối sức, người cứu nạn nên tiếp cận nạn nhân từ phía sau, đưa phao (hoặc vật thể nổi) ra phía trước mặt nạn nhân, rồi dùng 2 tay luồn dưới 2 nách nạn nhân từ sau ra trước và bám vào phao đã đặt phía trước, giữ cho đầu nạn nhân nổi, sau đó bơi ngửa đưa nạn nhân vào bờ.

Trường hợp không có phao hoặc các vật thể nổi, người cứu nạn có thể sử dụng một sợi dây thừng buộc quanh eo mình và để dư một đoạn có độ dài nhất định cho nạn nhân bám vào, đầu dây còn lại sẽ được cố định vào một điểm chắc chắn trên bờ hoặc do một người trên bờ giữ đầu dây. Khi bơi gần đến vị trí nạn nhân thì hô to hoặc ra ký hiệu và quăng đầu dây đã để dư cho người bị nạn cầm, sau đó ra ký hiệu cho người trên bờ kéo dây vào hoặc người cứu nạn vừa bơi, vừa kéo theo nạn nhân di chuyển dần dần vào bờ...

Ông Dàn cho biết hơn 150 lần “cướp cơm hà bá”, không ít lần ông gặp chuyện bi hài vẫn còn lắng đọng trong lòng ông cho đến tận bây giờ. Ví như khoảng năm 1997, khi ông đang dong thuyền ra khơi đánh cá thì bắt gặp một cô gái đang bám vào phao bị trôi ra xa bờ mà không một ai trên bờ hay biết.

Cô gái thấy thuyền của ông thì ra hiệu cầu cứu, ông nhanh chóng cho thuyền đến vớt cô gái lên. Cô gái sợ làm phiền đến chuyến biển của ân nhân nên nằng nặc xin theo ông ra khơi buông lưới, sau đó mới vào bờ cùng ông. Thả xong vàng lưới thì ông thấy một chiếc thuyền đang tiến về phía thuyền mình. Khi chiếc thuyền đến gần, trên thuyền có một người đàn ông tay cầm dao dọa “xử” ông.

Ông Dàn vội vàng cho thuyền tránh xa chiếc thuyền kia. Vào đến bờ, phải nhờ lực lượng công an can thiệp mới không xảy ra chuyện. Rồi nhiều lần khi vớt thi thể nạn nhân lên thuyền đưa vào bờ bàn giao cho người nhà nạn nhân lo hậu sự, ông lại lặng lẽ bỏ tiền túi mua sắm lễ vật cúng thuyền để cầu mong bình yên trong những chuyến ra khơi. Không ít lần vớt thi thể nạn nhân đuối nước về nhà, chính vợ con của ông Dàn cũng ngại khi ông vừa tiếp xúc trực tiếp với thi thể nạn nhân...

Nhiều du khách khi đến tắm tại bãi tắm Cửa Việt thường quen với hình ảnh người đàn ông gầy guộc đang cầm cây cờ xăng xái đi lại trên bờ biển để hướng dẫn tàu, thuyền không vào khu vực bãi tắm hoặc nhắc nhở du khách tắm biển không chủ quan vượt ra khỏi khu vực an toàn. Nhưng ít người biết người đàn ông ấy dám cả gan chống lại “hà bá”, giành giật sự sống cho nhiều người. Với ngư dân Mai Văn Dàn, điều ông quan tâm và lo lắng nhất vẫn là sinh mạng của con người.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Đông Hà: Lực lượng dân phòng thi nghiệp vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ

Vũ Hoàng |

Sáng nay 28/12, UBND TP. Đông Hà (Quảng Trị) tổ chức hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CNCH) cho lực lượng dân phòng năm 2023.

“Còn sức khỏe, tôi sẽ còn hiến máu cứu người”

Trúc Phương |

Đó là lời khẳng định của anh Ngô Thế Bảy (sinh năm 1987), cán bộ y tế Trường Mầm non Vĩnh Thái, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh. Nhận thức được tầm quan trọng của hiến máu cứu người, ngay khi còn là sinh viên của Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình, anh đã tích cực hiến máu nhân đạo, góp phần cứu sống nhiều người bệnh trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Tổ chức thực hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, giáo viên trên địa bàn tỉnh

Trúc Phương |

Ngày 16/12, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh Quảng Trị phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức các buổi trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH cho học sinh, giáo viên tại 3 địa điểm: Trường Mầm non iSmile; Trường THCS Phan Đình Phùng (TP. Đông Hà); Trường THCS Nguyễn Trãi (huyện Vĩnh Linh).

Vĩnh Linh đầu tư nhân lực, nguồn lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ

Nguyễn Trang |

Xác định phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sẽ tạo những bước tiến mới để tăng trưởng toàn diện và bền vững hơn, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã tập trung chỉ đạo đưa nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai ứng dụng KH&CN thuộc những vấn đề cấp thiết, lồng ghép vào đề án cơ cấu lại nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.