“Cha tôi - nhà văn Kim Lân”

Anh Thư (Thực hiện) |

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền - con gái đầu lòng của nhà văn Kim Lân - là gương mặt nổi bật của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Bà chịu nhiều ảnh hưởng từ quan niệm sống, quan niệm sáng tạo nghệ thuật của cha. Chính nhà văn Kim Lân là người định hướng và truyền lửa cho bà đi theo nghệ thuật.

Là con gái đầu lòng, hẳn họa sĩ đã được cha trông cậy và chia sẻ nhiều điều tâm huyết?
 
 Nhà văn Kim Lân. Ảnh: Gia đình cung cấpThưa họa sĩ Nguyễn Thị Hiền.

- Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền (NTH): Cha tôi từng viết lời đề tặng tôi trong một cuốn sách của cụ như thế này: “Để lại cho con Nguyễn Thị Hiền, con gái yêu của thầy, thầy vẫn kỳ vọng ở con”. Sự kỳ vọng ấy của cha luôn là kim chỉ nam thúc đẩy tôi, nuôi dưỡng tình cảm, niềm đam mê với nghệ thuật và cuộc sống trong tôi. Tôi là một đứa con rất may mắn, được gần gũi cha nhiều, cha đi đâu mình được đi theo đấy. Có thời gian đi sơ tán suốt. Về đến nhà là hai cha con có thể tâm sự nói chuyện với nhau từ chập tối cho đến gần sáng, chỉ nói về văn hóa nghệ thuật, về tranh, về văn chương... rất tâm đầu ý hợp.

Lời khuyên nào của nhà văn Kim Lân ảnh hưởng đến con đường nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền?

- Tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc với cha. Nhưng có một kỷ niệm giống như định hướng đầu tiên cho mình bước chân vào con đường nghệ thuật. Đó là khi tôi còn rất nhỏ, thường được xem tranh của các họa sĩ nước ngoài. Do thích Van Gogh quá nên khi ra Bách thảo vẽ phong cảnh, tôi vẽ cây cối cứ xoắn tít cả lên. Mang về đưa cho cha xem, cha nhìn rất chăm chú. Tưởng cụ khen thì cụ đặt tranh xuống bàn, bảo: “A, định làm Van Gogh đây”. Xong cụ im lặng rít một điếu thuốc lào. Im lặng một hồi, cụ mới bảo: “Con ạ, làm nghệ thuật không đơn giản và dễ dàng như con nghĩ đâu. Đó là một chặng đường rất gian khổ, tìm tòi và sáng tạo. Vì vậy, cho nên thầy nói với con thế này. Con phải tự do và con phải là chính mình. Và khi sáng tác con phải quyết liệt bảo vệ những cái gì là của riêng mình. Nếu không con sẽ chỉ là cái bóng của người khác”. Lúc đấy, tôi mới 12 tuổi. Tôi nghĩ rằng đó là một cú gõ đầu tiên vào tâm thức, thức tỉnh cho tôi hiểu rằng mình sẽ phải đi trên một con đường lúc nào cũng phải tự do và phải tìm được chính mình. Mặc dù vô cùng gian khổ, kể cả đôi lúc chịu nhiều bất công nhưng vẫn quyết liệt để mà đi theo.

Các con của nhà văn Kim Lân phần lớn đi theo con đường hội họa. Vậy là gene của cha hay của mẹ, hay của cả hai ông bà?

- Trong số 7 anh chị em chúng tôi thì có 5 người theo nghề hội họa. Với tôi, người thầy đầu tiên chính là cha tôi. Năm tôi lên 6 tuổi, ở trên quả đồi Cháy (ấp Cầu Đen, xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, Bắc Giang), cha tôi giao cho tôi và Thành Chương, hai chị em có trách nhiệm nuôi hai con gà. Tôi nuôi con gà mái, Thành Chương nuôi con gà trống. Khi rời nơi sơ tán để về Thủ đô, tôi rất nhớ quả đồi tuổi thơ của mình. Nơi ấy, tôi đã được gặp những văn nghệ sĩ, trí thức lớn của đất nước. Tôi cũng rất nhớ thiên nhiên phong cảnh và bạn bè trên đó. Nhớ đàn gà nữa. Tôi đã vẽ bức tranh tôi đứng trên quả đồi. Cha tôi hỏi: “Con định đặt tên bức tranh là gì?”, tôi nói tôi lấy tên là “Đàn gà của em”, song tôi lại nói, thôi, con lấy tên là “Quả đồi của em”. Bởi vì “Quả đồi của em” có ý nghĩa lớn hơn. Tôi vẽ tôi đứng trên quả đồi đất đỏ rực, dưới chân là đàn gà. Bức tranh ấy cha tôi gửi đi triển lãm quốc tế và được giải thưởng. Đó là bức tranh đầu tiên tôi vẽ. Thành Chương cũng vẽ con gà trống đầu tiên trong cuộc đời, gửi dự thi quốc tế cũng được giải thưởng. Bắt đầu từ đấy, kể cả tôi lẫn Chương đều theo nghiệp hội họa cho đến tận bây giờ.
 
 Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và cha - nhà văn Kim Lân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cha tôi rất mê hội họa. Cụ từng theo làm nghề với họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Từ khi tôi còn nhỏ, cha đã mang về cho tôi xem những minh họa của bác Trí. Khi bác Trí đã vào trong Nam, ở ngoài Bắc, bố tôi vẫn sưu tập những minh họa của bác, rồi đưa tôi đến học các họa sĩ lớn. Về phía gia đình bên ngoại, bác ruột tôi là Nguyễn Đăng Bảy - nhà quay phim đầu tiên của Việt Nam, cũng là một họa sĩ vẽ rất nhiều. Gene hội họa có thể từ cả nội cả ngoại cộng lại, thế nhưng để nuôi dưỡng và phát triển đam mê của tôi thì chính là cha tôi.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền vẽ nhiều chân dung nhà văn Kim Lân, có bức thì nét mặt thanh thoát hiền từ, có bức chân dung hơi góc cạnh với những đường nét ở gò má ở khuôn mặt. Bà muốn thể hiện thần thái của cha mình trên nền hội họa như thế nào?

- Bức tranh đầu tiên tôi vẽ cha tôi là khoảng năm 1970. Có lẽ đó là bức cha thích nhất, đi đâu cụ cũng mang theo. Khi tôi vào Sài Gòn định cư, có lần, đoàn khách nước ngoài sang, muốn mua toàn bộ tranh của tôi. Tôi để lại bức vẽ bà tôi, con gái, cha và một người bạn. Nhưng sau đấy, họ đã bay sang bốn lần và chỉ đề nghị thiết tha mỗi một điều là xin bà bán nốt bốn bức tranh đó. Tôi đã xiêu lòng. Cho đến bây giờ, tôi vẫn cảm thấy rất áy náy, rằng mình đã bán đi bức tranh mà cha rất thích. Nhưng cha tôi đã cho in lên lamilate và treo trong phòng làm việc. Về hình họa, có lẽ cha tôi cũng là một nhân vật dễ vẽ hay bởi vì tôi quá gần với cha. Cha tôi có một khuôn mặt với vầng trán cao rộng, cặp mắt thì rất buồn. Tôi cũng biết trong cuộc đời cha có những nỗi buồn. Cụ phải chấp nhận hy sinh phần tài năng của mình, để bảo vệ cho đàn con bảy đứa không gặp vấn đề khó khăn trong đời sống. Bởi vì lịch sử đất nước nào cũng vậy, mỗi thời đều có những thăng trầm. Cha tôi tham gia cách mạng, theo kháng chiến, sống qua thời cải cách ruộng đất, thời nhân văn giai phẩm rồi thời mở cửa. Cha tâm sự với tôi rất nhiều về những tác phẩm mà cụ muốn được viết, đặt bút viết rồi lại bỏ. Nhiều chuyện hay lắm, mà tiếc rằng tôi không thể ghi âm lại được. Tôi hiểu rằng trong lòng cụ có nhiều điều phải rất kìm nén và tôi rất thương. Rất trân trọng và rất thương!

Hẳn có một phần ẩn ức của nhà văn Kim Lân trong đó?

- Những năm cuối đời, có lần cha gọi tôi lại, nói với tôi một câu thế này: “Con ạ, thầy mở lại tất cả tài liệu của thầy, thầy có thể rất yên lòng và thanh thản để nói với con rằng, trong suốt những thời điểm sóng gió của nền văn học nước nhà cũng như thời kỳ mở cửa, toàn bộ quá trình lịch sử của đất nước như thế, nhưng thầy chưa hề phản bội một người bạn nào. Và trong tất cả những tờ kiểm điểm của thầy, thầy chưa hề làm điều gì không đúng với lương tâm của mình”. Cha tôi thực sự là tấm gương sống cho tôi. Lúc nào cha cũng muốn được sống với chính tấm lòng của mình một cách chân thành nhất. Cụ không viết văn vì tiền, không viết văn vì quyền, không làm bất kỳ một điều gì không phải với lương tâm. Tôi hiểu điều gò bó lớn nhất đối với cha chính là bảy người con. Cụ muốn cho chúng tôi được đi theo con đường nghệ thuật đến nơi đến chốn. Cho nên cụ đã gác lại, hy sinh tài năng của mình sang một bên để giữ gìn sự yên ổn cho chúng tôi.

Khi tôi đọc những trang viết của những người từng biết cha tôi, dù góc nhìn khác nhau nhưng đều thể hiện lòng trân trọng. Cha tôi đã quyết liệt giữ sự thanh bạch cho đến cuối cuộc đời và điều đó để lại cho chúng tôi ý nghĩa rất lớn. Có lần cha còn nói với tôi rằng: Con người ta dũng cảm nhất khi dám nhận mình là hèn, nhưng có những lúc thầy đã hèn vì thầy đã không làm được như bác Trần Dần, như chú Lê Đạt... Thầy không làm được và phải chấp nhận gác bút để lại những tác phẩm nung nấu trong lòng. Vì thế, cho nên khi tôi vẽ cha tôi, mắt ông luôn có một cái gì sâu thẳm. Nhiều lúc cụ ngồi chăm chút một cái cây một cành hoa, mặt mũi rất thanh thản. Nhưng có những lúc mặt mũi đau đáu cạu cọ và tôi biết là trong lòng cha có những niềm rất đau.

Xin cảm ơn họa sĩ Nguyễn Thị Hiền với những câu chuyện giản dị và xúc động vừa rồi!

(Nguồn: Báo Lao Động)

TAGS

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Minh Thu |

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trúng cử Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa X (nhiệm kỳ 2020-2025), định hướng phát triển toàn diện hội nhà văn, hòa nhập mạnh mẽ với văn học thế giới.

Nhà văn Vũ Tú Nam qua đời

Thanh Mai |

Nhà văn Vũ Tú Nam trút hơi thở cuối cùng vào khoảng 10h ngày 9/9, qua đời tại bệnh viện vì tuổi cao, sức yếu.

“Giải mã” Nhà văn Xuân Đức

Đoàn Phương Nam |

Tối ngày 20/6/2020, trên facebook của mình, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã viết những dòng ứa lệ: “Nhà văn Nguyễn Quang Lập vừa thông báo cho tôi: Nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng Xuân Đức (Nguyễn Xuân Đức) sinh năm 1947, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật bị tai nạn, ngã, đã mất lúc 9 giờ tối nay 20/6/2020 tại Quảng Trị. Đây là một một tổn thất không gì bù đắp được. Xin chia buồn với chị Phú, các cháu và Nhà hát kịch Quân đội cùng bè bạn của anh. Cõi đời thật vô thường. Đau quá. Buồn quá!”.

Nhà văn Xuân Đức - Người đi xa khuất, bóng hình còn đây…

Đào Tâm Thanh |

Đối với miền đất Quảng Trị, trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến hôm nay, nhà văn Xuân Đức là một nhân vật rất đặc biệt. Với tư cách là một người lính, ông thuộc thế hệ “tài hoa ra trận”, bám trụ kiên cường trên quê hương mình để đánh giặc, giữ đất, giữ làng. Từ cuộc sống, chiến đấu sôi động và thấm đẫm chất anh hùng ca, ông trở thành nhà văn, nhà viết kịch, nhà biên kịch lừng danh của đất nước. Và chất tài hoa này càng mặn mà hơn, thăng hoa hơn trong suốt những năm ông đảm trách cương vị người đứng đầu ngành văn hóa - thông tin tỉnh Quảng Trị. Ngay cả khi về hưu, chọn một góc nhỏ nơi miền chân sóng quê nhà để thư thái sớm hôm trồng rau hoa, nhớ lại, suy nghĩ và sáng tạo, chất tài hoa vẫn vận vào ông để tiếp tục sinh thành những tác phẩm ngày càng đi vào độ chín hơn, đẳng cấp hơn…