Chàng trai mắc căn bệnh xương thuỷ tinh dùng đầu gối và xe lăn đi phượt

Phạm Đông - Thanh Huyền |

Từng trải qua hơn 150 lần gãy xương vì căn bệnh xương thủy tinh, anh Vũ Ngọc Anh vẫn rất lạc quan mặc dù đang sống từng ngày trên chiếc xe lăn. Cứ như vậy, anh đã đặt chân đến 42 tỉnh thành của Việt Nam và 10 quốc gia khác tại Đông Nam Á và châu Á.

Từ nhỏ, anh Vũ Ngọc Anh (sinh năm 1987, quê Hải Phòng) đã không được nô đùa như bạn bè mà chỉ lủi thủi ở nhà đọc sách, truyện, xem tivi. Đến khi 8 tháng tuổi, lần đầu tiên anh Ngọc Anh bị gãy một tay và một chân. Vết thương lành, nhưng lần sau lại tiếp tục gãy đúng chỗ cũ. Về sau anh mới biết mình bị xương thủy tinh do mắc chứng giòn xương, thiếu canxi.

Anh Vũ Ngọc Anh. Ảnh: Thanh Huyền
Anh Vũ Ngọc Anh. Ảnh: Thanh Huyền

Trong khoảng thời gian từ khi chập chững biết đi đến năm học lớp 6, lớp 7 là lúc bị gãy xương nhiều nhất. Đến nay anh Ngọc Anh đã có hơn 150 lần gãy xương nên anh phải sử dụng đầu gối để di chuyển.

Năm 21 tuổi, vượt qua sự mặc cảm của bản thân và thuyết phục bố mẹ, Hà Nội là nơi đầu tiên anh Ngọc Anh đặt chân đến. Sau 10 năm bươn trải, anh Ngọc Anh cũng trải qua nhiều nghề, từ sửa chữa điện thoại, máy tính, thiết kế đồ họa, marketing online và giờ là thành lập công ty vận chuyển hàng từ Mỹ về Việt Nam.

Sau một thời gian, anh bắt đầu lựa chọn đi du lịch một mình. Kể về chuyến đi gần đây nhất, anh Vũ Ngọc Anh xúc động nhớ lại khoảnh khắc mình đã đặt chân tới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình).

Vũ Ngọc Anh tự bò bằng hai đầu gối trong động Phong Nha – Kẻ Bàng. Ảnh: NVCC
Vũ Ngọc Anh tự bò bằng hai đầu gối trong động Phong Nha – Kẻ Bàng. Ảnh: NVCC


Anh Ngọc Anh kể: “Tháng 4.2020, khi trải nghiệm trong hang động, bản thân tôi đi khó khăn hơn mọi người rất nhiều. Tôi đi đến đoạn có bậc thang, đường ngoằn ngoèo thì không thể di chuyển bằng đầu gối mà phải bò đi”.

Với anh Ngọc Anh, trong mỗi chuyến đi, rất may mắn anh đều tìm được những người bạn đồng hành. Tuy nhiên chủ yếu họ đi cùng để giúp đỡ về mặt y tế và ứng phó kịp thời nếu có sự cố xảy ra.

Trước đó, tháng 2.2016, hình ảnh một chàng trai sử dụng đầu gối để leo 600 bậc lên đỉnh Fansipan khiến nhiều người cảm phục.

Cứ thế, chàng “xương thủy tinh” đã chinh phục được nhiều nơi. Đến nay, anh Ngọc Anh đã đặt chân đến 42 tỉnh thành của Việt Nam và 10 quốc gia quanh khu vực Đông Nam Á, Châu Á.

Anh Ngọc Anh leo 600 bậc đá để lên tới đỉnh Fansipan. Ảnh: NVCC
Anh Ngọc Anh leo 600 bậc đá để lên tới đỉnh Fansipan. Ảnh: NVCC

Qua mỗi chuyến đi, điều làm anh hài lòng và tự tin nhất chính là cơ hội được tiếp xúc, học hỏi từ mọi người xung quanh. Ngoài ra, anh Ngọc Anh cũng mong muốn khi tiếp xúc với mình, mọi người sẽ có cái nhìn tích cực về người xương thuỷ tinh.

“Dù bạn mang trong mình “sứ mệnh đặc biệt” khác với số đông, nhưng bạn hãy sống có ích, dám trải nghiệm để bản thân trở nên đáng giá” – anh Ngọc Anh chia sẻ.

Cuốn tự truyện “Không thể vỡ” của Vũ Ngọc Anh.
Cuốn tự truyện “Không thể vỡ” của Vũ Ngọc Anh.


Đặc biệt, chàng trai giàu nghị lực còn dành thời gian để viết cuốn tự truyện “Không thể vỡ” nói về sự đam mê của mình. Toàn bộ lợi nhuận được anh dùng để gây quỹ cho nhóm “Xương thuỷ tinh Việt Nam”, nhằm hỗ trợ cho những cá nhân có cùng hoàn cảnh như anh.

Anh Vũ Ngọc Anh trong buổi trao đổi với Lao Động. Ảnh: Thanh Huyền
Anh Vũ Ngọc Anh trong buổi trao đổi với Lao Động. Ảnh: Thanh Huyền

 Cũng theo chia sẻ, anh Vũ Ngọc Anh đang có dự án làm 1.000 chiếc xe lăn bằng chính sức lao động của mình để tặng những hoàn cảnh bị khiếm khuyết không thể đi lại. Hiện giờ, anh đã giúp được 7 trường hợp có xe lăn để di chuyển.

Anh Nguyễn Duy Tưởng một trong những người được anh Vũ Ngọc Anh trao tặng xe lăn. Ảnh: NVCC
Anh Nguyễn Duy Tưởng một trong những người được anh Vũ Ngọc Anh trao tặng xe lăn. Ảnh: NVCC

Đối với anh, chiếc xe lăn chính là “bệ đỡ” để những nạn nhân khiếm khuyết một phần cơ thể có thể nương tựa, sống một cuộc đời ý nghĩa trong bất cứ hoàn cảnh nào.

(Nguồn: Báo Lao Động)

TAGS

"Ông tổ" nền nông nghiệp sạch nước nhà

Nguyễn Quang Lập |

Ngày nay nông dân ta đã quá quen với phân vi sinh, đã biết thế nào là nông nghiệp sạch và tác dụng to lớn của nó. Nhưng ít ai biết ông tổ phân vi sinh và nền nông nghiệp sạch nước nhà, ấy là giáo sư tiến sĩ Phạm Văn Hữu.  Nông dân không biết đã đành, các nhà quản lý cũng không biết. Tra google tiếng Việt cái tên Giáo sư Phạm Văn Hữu không xuất hiện một lần.  Thật đáng buồn.

Có 24.720 bia mộ liệt sĩ cần điều chỉnh thông tin trên mặt bia

Tú Linh |

Trong đó có 20.501 bia mộ đang ghi dòng chữ “Mộ liệt sĩ chưa biết tên”, “Mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính” nay cần thay đổi thành “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. 

Đường về của Nhung

Thanh Trúc |

35 tuổi, Nguyễn Thị Kim Nhung, ở đội 2, thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) hiện là chủ xưởng may nhỏ với 20 máy may, giải quyết công việc cho 20 lao động, trong đó có nhiều chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Với Nhung, ngày hôm nay giống như một giấc mơ có thật, bởi cho dù đã ở bên cạnh mẹ, được ôm ấp các con mình mỗi ngày nhưng nhớ lại những ngày tháng kinh hoàng khi còn là một lao động bất hợp pháp tại Nga, cô không nghĩ mình còn con đường sống để trở về.

Học sinh trường chuyên làm cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật

Lâm Thanh |

Sản phẩm cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật của hai em: Dương Phúc Hiếu, lớp 12 chuyên Sinh và Thái Việt Nhật, lớp 12 chuyên Hóa, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đông Hà, Quảng Trị), đoạt Giải Nhất kỳ thi “Nghiên cứu khoa học cấp quốc gia học sinh trung học” năm học 2019 - 2020 được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào giữa tháng 6/2020 đã tiếp thêm động lực, khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm khoa học hữu ích cho cộng đồng ở ngôi trường này.