Hoàn thành khóa học thạc sĩ tại Đức, chàng trai trẻ Trần Thái Sơn trở về Việt Nam với chiếc vali nặng trĩu. Mở ra, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi bên trong đó là những chi tiết được tháo rời của một chiếc máy lọc nước nặng đến hơn 70 kg. Đây là sản phẩm do chính tay Sơn mày mò chế tạo suốt thời gian học ở Đức. Điều đặc biệt, chiếc máy này không lọc nước thông thường mà lọc nước biển thành nước ngọt - như một mơ ước của những ngư dân đi biển dài ngày.
Tiếp sức cho những chuyến biển xa
Trần Thái Sơn là con đầu trong một gia đình ngư dân nghèo có 4 anh em ở xã Gio Hải, huyện Gio Linh. Mới lên 6 tuổi, cuộc sống gia đình Sơn rơi vào khốn khó. Bố mẹ Sơn đã quyết định rời quê vào Bà Rịa - Vũng Tàu sinh sống. Bố Sơn có nghề biển nên xin đi theo những chuyến tàu của ngư dân địa phương để có tiền lo cho con ăn học.
Bố Sơn đi những chuyến biển dài. Có khi gần cả tháng mới về nhà. Trước mỗi chuyến biển, bố anh cùng bạn thuyền đưa từng bao lương thực, thực phẩm lên tàu để dự trữ. Và chiếm chỗ nhiều nhất trên tàu là nước ngọt để ăn uống, sinh hoạt.
“Đặc biệt là sau những chuyến biển trở về, thường trên tàu cạn sạch nước ngọt để uống. Bố và bạn thuyền kể dù tằn tiện lắm nhưng vẫn không đủ. Có khi phải dùng đến cách nấu nước đá - vốn rất bẩn - ra thành nước ngọt để ăn uống những ngày cuối cùng của chuyến đi. Và sau đó là các bệnh da liễu và tiêu chảy hành hạ bạn thuyền. Đây là hình ảnh “ám ảnh” tôi nhất”, Sơn kể.
Mang những “ám ảnh” đó đến trường nên từ thời sinh viên, Sơn đã mày mò nghiên cứu chế tạo máy lọc nước biển thành nước ngọt cho ngư dân đi đánh bắt xa bờ. Chàng trai trẻ ngồi lì trên máy tính tìm tòi tất cả những tài liệu liên quan đến lọc nước biển để học hỏi và tìm cách. Những chiếc máy sơ khai đã ra đời thời điểm đó với đủ các thử nghiệm dùng giải pháp chưng cất, điện phân nhưng không thành công.
Một may mắn đến với Sơn khi anh được chọn đi học thạc sĩ tại Đức với đề tài nghiên cứu cải tiến kỹ thuật cho nhà máy phân bón Lâm Thao. Tuy nhiên, Sơn vẫn không từ bỏ giấc mơ riêng. “Nó như một cơ duyên gì đó buộc vào tôi, khiến tôi lúc nào cũng nghĩ đến công trình nghiên cứu của mình”, anh Sơn nói.
Để cùng lúc có thể đủ sức và đủ tiền mua các dụng cụ chế tạo cho cả hai dự án, Sơn vừa học, vừa nghiên cứu trên thư viện, vừa đi làm thêm để tự trang trải cuộc sống. Từ tiền học bổng, tiền đi rửa bát thuê, anh đã mua nguyên, vật liệu, thiết kế, chế tạo thành công chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt đầu tiên với công suất 50 lít/giờ. Chiếc máy lọc nước đầu tiên này của Sơn có giá 150 triệu đồng. Học xong thạc sĩ, anh trở về Việt Nam mang theo chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt, hiện thực hóa giấc mơ ấp ủ bấy lâu.
Trần Thái Sơn là một trong những đại biểu tham gia Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ 3, năm 2020, do Trung ương Đoàn tổ chức. Anh hiện là Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Lực và Phát triển Việt (ở xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Mang máy lọc nước về Việt Nam, việc đầu tiên anh Sơn làm sau khi lắp lại chiếc máy là mang đến đội thuyền Minh Song - một đội thuyền lớn chuyên đánh bắt xa bờ ở TP. Bà Rịa lắp tặng cho một chiếc tàu. Sau khi cho chủ tàu xem khả năng vận hành và kết quả thu được vô cùng khả quan của chiếc máy, anh bắt tay vào chế tạo một phiên bản tương tự theo đặt hàng của chủ tàu.
Tuy nhiên, với chiếc máy thứ hai này, Sơn đã cải tiến tăng gấp đôi về công suất. Giá bán của chiếc máy này cũng được “cải tiến” xuống còn 70 triệu đồng. Một ngư dân khác ở địa phương nhận thấy những tính năng ưu việt của chiếc máy nên đã đặt mua 10 chiếc. Tiếng lành đồn xa, đến nay, anh Sơn đã cho ra lò hơn 1.000 máy lọc nước biển lắp trên các tàu cá xa bờ.
“Chiếc máy lọc nước biển hiện nay trên các tàu cá xa bờ có thể lọc được 2 khối nước ngọt mỗi ngày. Điều tôi tâm đắc nhất không phải là lợi nhuận từ chiếc máy này đem lại, mà là nỗi lo thiếu nước ngọt sinh hoạt của ngư dân trong những chuyến biển dài ngày đã không còn. Qua đó, cũng giúp ngư dân yên tâm bám biển hơn”, anh Sơn chia sẻ.
Máy lọc nước ra Trường Sa
Không chỉ mang nỗi “ám ảnh” với chuyện thiếu nước của ngư dân, anh Sơn còn bị “ám ảnh” bởi một hình ảnh khác mà phải đến khi chế tạo thành công máy lọc nước lắp trên tàu cá, anh mới dám thổ lộ. Đó là hình ảnh về những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh giữ biển trời trên các đảo ở Trường Sa cũng như trên các Nhà giàn DK1 ở thềm lục địa.
“Đó là những nơi nước ngọt vô cùng hiếm hoi. Tôi vẫn nhớ rất rõ về một bài báo. Câu chuyện trong bài kể về những gian khổ của người lính đảo. Những người này tắm một ca nước ngọt, khi dội lên người phải đồng thời hứng lại được ca nước đó lúc chảy xuống để dùng tưới rau. Phải có cách nào đó tạo ra nước ngọt cho những nơi này”, anh Sơn nói.
Cơ may đến với anh khi một chương trình của Trung ương Đoàn được khởi xướng. Trong chương trình, tổ chức này đã vận động được một nguồn kinh phí để lắp đặt cho mỗi đảo ở Trường Sa một máy lọc nước biển thành nước ngọt. Với thành quả của mình tạo ra, máy lọc nước của anh Sơn đã được lựa chọn.
Anh đích thân đi khảo sát và trực tiếp lắp đặt 15 máy lọc nước biển thành nước ngọt tại Nhà giàn DK1, 23 máy tại các điểm đảo của Trường Sa. Anh cải tiến máy lọc nước tại các đảo và nhà giàn cho phù hợp với thời tiết khắc nghiệt ở biển và chạy bằng pin năng lượng mặt trời. Máy lọc nước anh Sơn lắp đặt tại các đảo ở Trường Sa có công suất tới 200 lít/giờ.
Từ khi có máy lọc nước ngọt, áp lực về nước ngọt trên các đảo và Nhà giàn DK1 đã giảm đi rất nhiều. Người vui nhất là Sơn khi giấc mơ thứ hai của đời mình đã thực hiện được.
“Thiếu nước ngọt là một thử thách dài kỳ với cán bộ, chiến sĩ trên các đảo của Trường Sa và Nhà giàn DK1 mà hàng chục năm chưa có cách nào giải quyết. Tôi may mắn vì chiếc máy của mình ra đời kịp thời và được góp sức giúp cán bộ, chiến sĩ làm tốt hơn nhiệm vụ canh giữ biển trời”, anh Sơn tự hào.
Chế tạo thành công máy lọc dầu diesel
Chế tạo thành công máy lọc nước biển giúp ngư dân nhưng cơ duyên với nghề biển của anh Sơn vẫn chưa kết thúc. Hiện tại, anh đã hoàn thiện một dự án chế tạo khác cũng vô cùng hữu ích với ngư dân. Đó là dự án chế tạo máy lọc dầu diesel. “Ngoài tính năng vượt trội về đảm bảo môi trường, máy lọc này có thể lọc sạch hoàn toàn dầu diesel giúp tàu tiết kiệm được tối đa mức tiêu hao dầu khi vận hành. Hiện máy này đã được vài trăm tàu cá ở TP. Bà Rịa và các vùng lân cận sử dụng. Trong tương lai, tôi sẽ đưa máy về Quảng Trị phục vụ ngư dân quê mình”, anh Sơn cho hay.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)