Cháy mãi ngọn lửa tình yêu nghề giáo

Thanh Trúc |

“Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi/Có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương/Có những bài ca nghe rạo rực lòng người/Bài ca ấy, loài hoa ấy, đẹp như em-người giáo viên nhân dân...”.

Những ca từ trong “Bài ca người giáo viên nhân dân” của nhạc sĩ Hoàng Vân đã nói hết vẻ đẹp cao quý của nghề giáo - nghề thầm lặng gieo mầm tri thức. Những nhà giáo mà chúng tôi đã gặp, được nghe những câu chuyện nghề gắn bó với một tình yêu thiết tha.


“Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”

Rời mảnh đất Duy Xuyên (Quảng Nam) về quê chồng hơn 25 năm qua, Quảng Trị từ một miền đất lạ đã hóa thành quê hương đối với Nhà giáo ưu tú Võ Thị Ly Hương, Tổ trưởng môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Huệ, thị xã Quảng Trị.

Vượt qua những tháng ngày khó khăn buổi đầu, cô Hương đem hết tâm huyết gắn bó với nghề, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo trong dạy và học để khơi dậy hứng thú học tập môn Văn cho bao thế hệ học sinh. Để những bài giảng trở nên sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn học sinh, cô Hương luôn chủ động thiết kế giáo án, viết kịch bản, chỉ đạo Tổ Ngữ văn tổ chức những hoạt động trải nghiệm sáng tạo có ý nghĩa sát với chương trình THPT như “Diễn đàn thơ mới”, “Hát mãi khúc quân hành”, “Khơi dòng hát ru”...

Nhà giáo ưu tú Võ Thị Ly Hương chụp ảnh cùng các học trò - Ảnh: T.T
Nhà giáo ưu tú Võ Thị Ly Hương chụp ảnh cùng các học trò - Ảnh: T.T

Cô Hương cho biết: “Thông qua những hoạt động này, các em nắm vững kiến thức hơn, phát huy tối đa năng lực của bản thân và rèn luyện được nhiều kỹ năng sống bổ ích...Cũng từ những hoạt động trải nghiệm này, học sinh có thể vận dụng, mở rộng để nghiên cứu khoa học”.

Trong năm học 2019-2020, cô Hương đã hướng dẫn 2 em học sinh lớp 12 dự thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật đạt giải Nhì cấp tỉnh với đề tài “Học sinh THPT Nguyễn Huệ với việc giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa hát ru”. Đây là một đề tài đạt giải cao nhất của Trường THPT Nguyễn Huệ từ trước đến nay. Ngoài ra, cô Hương đã tự biên soạn bộ tài liệu ôn thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn để sử dụng trong toàn tổ theo cấu trúc mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong nhiều năm gần đây, đề xuất giải pháp, chỉ đạo tổ thực hiện nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn của tổ hằng năm.

Với những nỗ lực trong hoạt động giảng dạy, Nhà giáo ưu tú Võ Thị Ly Hương từng 2 lần đoạt giải Ba cấp quốc gia cuộc thi “Dạy học theo chủ đề tích hợp” năm 2016 và 2017; được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen về thành tích “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”; đoạt giải Ba hội thi “Sáng tạo kỹ thuật” tỉnh Quảng Trị lần thứ VIII (năm 2018-2019) về giải pháp dạy-học theo hướng trải nghiệm. Với đề tài này, cô Hương đã nhận được “Bằng lao động sáng tạo” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều năm liền đạt chứng nhận sáng kiến kinh nghiệm về phương pháp dạy học.

Nhiều sáng kiến của Nhà giáo ưu tú Võ Thị Ly Hương đã được Sở Giáo dục và Đào tạo xếp loại A như “Dạyhọc theo chủ đề tích hợp liên môn-Một hình thức gây hứng thú và tạo hiệu quả cao cho học sinh trong giờ học Văn”, “Một số kinh nghiệm dạy-học những tiết thực hành Tiếng Việt trong chương trình THPT”... Đặc biệt, đề tài nghiên cứu khoa học: “Giải pháp dạy- học tiết tổng kết chủ đề thơ, truyện trong chương trình THPT theo hướng trải nghiệm” được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận trong phạm vi toàn tỉnh và đã được báo cáo, nhân rộng trong phạm vi Hội đồng bộ môn Ngữ văn cấp tỉnh.

Cô Hương cũng đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp ghi nhận nỗ lực, đóng góp tích cực trong công tác giảng dạy. Năm 2020, Nhà giáo ưu tú Võ Thị Ly Hương vinh dự được Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị chọn dự đại hội thi đua yêu nước toàn ngành tại Hà Nội.

Thầy hiệu trưởng “đi từng nhà vận động học sinh đến lớp”

“Làm công tác quản lý tại một trường học ở địa bàn vùng sâu vùng xa nơi đa phần học sinh là con em dân tộc thiểu số, cái khó nhất là gì?”. Trả lời câu hỏi này không khó, đó là nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là chất lượng đào tạo mũi nhọn ở các môn học, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp khang trang... Nhưng, cái khó nhất và tiên quyết nhất vẫn là “làm cho được” việc vận động con em đến lớp không bị gián đoạn, nhất là sau dịch bệnh, thiên tai...Đó cũng là nỗi trăn trở của thầy hiệu trưởng Trường THCS&THPT Đakrông Trần Đăng An và đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường.

Còn nhớ sau những tháng nghỉ dài do COVID-19, tình trạng học sinh của nhà trường nghỉ học rất nhiều. Không nề hà, thầy An đã cùng các giáo viên lăn lộn về các thôn, bản để vận động học sinh đi học trở lại. “Để việc vận động học sinh đến lớp hiệu quả, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương đến tận nhà học sinh có nguy cơ bỏ học, tìm hiểu hoàn cảnh của các em để vận động gia đình tạo điều kiện cho các em đến trường. Các thầy cô giáo cũng dành thời gian kèm cặp bổ túc thêm kiến thức cho các em học sinh có học lực yếu hơn để các em bắt kịp các bạn”, thầy An chia sẻ.

Thầy hiệu trưởng Trần Đăng An trao phần thưởng cho các em đạt thành tích cao trong học tập - Ảnh: T.T
Thầy hiệu trưởng Trần Đăng An trao phần thưởng cho các em đạt thành tích cao trong học tập - Ảnh: T.T

Thực hiện cuộc vận động “Hai không” với bốn nội dung, cuộc vận “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Hiệu trưởng Trần Đăng An đã nỗ lực cùng với tập thể Ban giám hiệu nhà trường quan tâm đến công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, tích cực tăng cường ứng dụng CNTT nhằm đổi mới phương pháp quản lý và dạy học, đổi mới việc kiểm tra, đánh giá học sinh. Sâu sát chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp trường có hiệu quả và tham gia cấp tỉnh đạt kết quả cao với 2 giải Nhì, 6 giải Ba, 8 giải Khuyến khích. Có một đề tài được chọn dự thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia.

Với việc chú trọng đổi mới trong công tác dạy và học của nhà trường, trong những năm gần đây chất lượng giáo dục toàn diện của trường được nâng cao, tỉ lệ học sinh khá, giỏi tăng. Là một trường miền núi vùng sâu vùng xa song tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT luôn đạt từ 80% trở lên, học sinh đỗ các trường đại học, cao đẳng khoảng 30-35%.

Trong các năm học từ 2019-2022, nhà trường có 5 học sinh đoạt giải Khuyến khích học sinh giỏi văn hóa các bộ môn lớp 12 cấp tỉnh. Đặc biệt năm học 2022-2023, nhà trường có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh, đoạt giải nhất toàn đoàn môn Địa lý.

Thầy An cho biết: “Để nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường, bản thân tôi luôn tìm tòi, nghiên cứu tài liệu liên quan và suy nghĩ bàn bạc, thống nhất trong cấp ủy, Ban giám hiệu về những cách làm hay, phù hợp đem lại hiệu quả cao, kích thích sự sáng tạo, tự học của giáo viên và học sinh. Mong muốn của những người làm nghề giáo ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn như chúng tôi là ngày càng có nhiều hơn các em học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, được học hành mở mang kiến thức để sau này trở về góp phần xây dựng quê hương mình”.

Khơi nguồn đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho học sinh

Là người con của quê hương Thanh Hóa nhưng thầy Lê Công Long, hiện là giáo viên Vật lý, Trường THPT thị xã Quảng Trị lại có nhiều duyên nợ với mảnh đất Quảng Trị khi gắn bó công việc dạy học tại đây kể từ khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế vào năm 2005.

Ngay từ năm học đầu tiên chuyển công tác về tại Trường THPT thị xã Quảng Trị, thầy Long đã nhận được sự tín nhiệm và phân công đảm nhận phụ trách chương trình “Chinh phục đỉnh cao”, mục tiêu để tuyển chọn những học sinh xuất sắc cho chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”. Với tư cách là đồng tác giả phần mềm Olympia RD và Website “The Olympus Online”, thầy Long đã ứng dụng để thiết kế, hướng dẫn, đồng hành, ôn luyện và tổ chức tốt các cuộc thi “Chinh phục đỉnh cao” cho các học sinh tại trường từ năm 2014 -2022 thành công.

Từ cuộc thi này đã giúp nhà trường chọn được các học sinh xuất sắc tham dự cuộc thi “Chinh phục” của tỉnh, cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” cấp quốc gia. Niềm tự hào của nhà trường nói chung và thầy Long nói riêng là một số em đã đạt được kết quả cao trong cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”, để lại được tiếng vang cho giáo dục tỉnh nhà như em Văn Viết Đức đoạt Quán quân Olympia 2015, em Lê Thanh Tân Nhật đã đoạt Á quân năm 2018, em Văn Ngọc Tuấn Kiệt lọt vào vòng chung kết năm 2020...

Thầy giáo Lê Công Long với niềm đam mê hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật - Ảnh: T.T
Thầy giáo Lê Công Long với niềm đam mê hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật - Ảnh: T.T

“Đây là những sân chơi thể hiện năng lực của học sinh, vừa học vừa nghiên cứu, phù hợp chương trình giáo dục phổ thông mới. Với cuộc thi Khoa học kỹ thuật sử dụng kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phù hợp với học sinh có năng lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, thầy cô cần đổi mới phương pháp dạy học, kéo các em ra với cuộc sống, gần với thực tế, đồng thời khơi dậy niềm đam mê đối với học sinh”, thầy Long chia sẻ.

Đam mê nghiên cứu khoa học, luôn có nhiều sáng kiến phục vụ công tác giảng dạy đạt hiệu quả cao, thầy Long cũng được coi là người “trợ duyên” cho các em học sinh thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật chất lượng và đạt giải cấp quốc gia, quốc tế. Xác định việc giảng dạy phải lấy học trò làm trung tâm, thầy Lê Công Long đã chú trọng phát hiện những học sinh ưu tú để bồi dưỡng, giúp các em đạt được kết quả cao trong học tập.

Nhiều năm liên tục từ 2016-2022, thầy Long tham gia hướng dẫn, bồi dưỡng học sinh thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật có chất lượng và đạt giải cao. Thành tích cao nhất là Dự án “Cánh tay robot cho người khuyết tật” của em Phạm Huy đoạt giải Nhất tỉnh, Nhất quốc gia lĩnh vực robot và máy thông minh, đoạt giải Ba quốc tế tại Hoa Kỳ năm 2017.

Không chỉ giữ vai trò trong việc tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh tham dự những cuộc thi trí tuệ mà trong công tác chuyên môn, thầy Long tích cực tham gia các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên ứng dụng CNTT trong dạy học đạt kết quả cao.

Với những cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, nhiều năm liền thầy giáo Lê Công Long được nhận giấy khen từ Sở Giáo dục và Đào tạo, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích trong bồi dưỡng học sinh giỏi tại cuộc thi KHKT năm 2016-2017, năm 2019-2020, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, cùng nhiều danh hiệu, phần thưởng khác...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Người công nhân vững tay nghề, tận tâm gắn bó với ngành điện

An Khanh |

Khi nhắc đến anh Nguyễn Xuân Thiện, công nhân Đội Quản lý đường dây và trạm biến áp thuộc Điện lực Hải Lăng (PC Quảng Trị), chúng tôi nhận được nhiều ý kiến đánh giá cao từ lãnh đạo và đồng nghiệp về sự tận tâm, nhiệt huyết, gắn bó với ngành điện của người công nhân này.

Buồn vui nghề “làm đẹp cho đời”

Thu Thảo |

Kinh doanh hoa tươi là một nghề khá phát triển ở các đô thị hiện nay. Hoa theo người đi vào ngõ ngách của từng ngôi nhà, vào các bữa tiệc rượu đầm ấm, hoa mang cả tấm chân tình, lòng nhiệt thành của người tặng xen lẫn những xúc cảm buồn vui của người nhận quà. Gói gọn trong hoa còn là sự thổn thức, niềm tâm huyết của người bán hoa, những người được ví là “làm đẹp cho đời”.

Bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm truyền thống

PV |

Bao đời nay, cùng với các lễ hội truyền thống, dệt thổ cẩm cũng là niềm tự hào đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Bệnh viện Triệu Hải trao giải Hội thi Tay nghề Điều dưỡng- hộ sinh năm 2022

Bội Nhiên |

Nhằm mục đích phát động và duy trì phong trào thi đua học tập nâng cao tay nghề trong bệnh viện, góp phần bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghề nghiệp trong chăm sóc người bệnh và rèn luyện kỹ năng thực hiện quy trình kỹ thuật chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải (Quảng Trị) vừa tổ chức Hội thi Tay nghề Điều dưỡng- hộ sinh năm 2022.