Đỗ vào trường đại học, cao đẳng mà mình mơ ước nhưng vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên hành trình chinh phục giảng đường của các tân sinh viên còn lắm chông chênh. Hơn bao giờ hết, các em rất cần được tiếp sức đến trường để sớm vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn lên trong học tập...
Vượt khó để đến giảng đường
Hồ Thị Thủy (SN 2005) ở thôn Troan Ra Leo, xã Xy, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) xuất thân trong một gia đình nghèo nhưng luôn vượt khó vươn lên trong học tập, rèn luyện. Thủy vừa đỗ vào Trường Đại học Du lịch Huế, chuyên ngành Quản trị khách sạn. Hiện nay, Thủy đã nhập học nhưng lòng luôn mang nặng lo âu.
“Hơn 8 năm về trước, khi bố chưa mất, kinh tế gia đình em cũng không đến nỗi khó khăn như bây giờ. Ngày cầm giấy báo nhập học trên tay, em cứ phân vân giữa đi học hay ở nhà cùng mẹ làm nương rẫy một thời gian rồi tính chuyện học nghề.
Nhưng mẹ và các anh đều nhất quyết vay mượn tiền để em vào trường nhập học. Ở miền núi, cuộc sống gia đình em chủ yếu dựa vào làm nương rẫy nên chẳng dư giả nhiều. Hơn nữa mẹ tuổi cũng đã cao lại lao động nặng nhọc nên em sợ mẹ không thể gắng gượng nổi để tiếp sức cho em trong 4 năm học “, Hồ Thị Thủy bộc bạch.
Hiểu được những khó khăn, thử thách khi theo học đại học nên từ những ngày đầu vào nhập học, Thủy tìm kiếm việc làm thêm gần nơi mình học.
“Em dự tính sau khi việc học ổn định thì sắp xếp thời gian để đi làm, kiếm thêm thu nhập. Em rất cần một chiếc máy tính để tiện cho việc học nhưng biết mẹ khó khăn nên sẽ nỗ lực làm thêm, tích cóp dần để mua. Mỗi khi nghĩ về mẹ và các anh, em lại càng quyết tâm học thật tốt để sau này ra trường có thể giúp đỡ gia đình vơi đi bớt khó khăn”.
Ước mơ trở thành phiên dịch viên
Sau nhiều năm cố gắng học tập, Phan Thị Thương (SN 2005) ở thôn Tân Xá, xã Ba Lòng, huyện Đakrông đỗ vào Trường Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh, ngành ngôn ngữ Trung. “Điều lo ngại lớn nhất với em là kinh tế gia đình quá eo hẹp trong khi em lại học ở một thành phố lớn với mức học phí, chi phí sinh hoạt khá cao”, Thương bộc bạch.
Hoàn cảnh gia đình Thương khá khó khăn khi bố, mẹ chỉ làm 5 sào ruộng, hoa màu, buôn bán tạp hóa nhỏ lẻ nhưng lại nuôi đến 4 người con, trong đó có 2 con bị bệnh nặng. Thương bị suy thận bẩm sinh từ nhỏ và đứa em gái út mới 4 tuổi cũng bị bệnh lý về tim bẩm sinh. Nhiều năm chữa trị bệnh cho chị em Thương, kinh tế gia đình đã dần suy kiệt.
“Nay căn bệnh của em tiến triển tốt nhưng còn em gái phải tốn kém tiền chữa trị dài lâu. Ban đầu, em dự định sẽ học nghề để nhanh chóng kiếm tiền phụ giúp bố, mẹ lo cho các em ăn học, chữa bệnh, thế nhưng bố, mẹ vẫn một mực để em đến trường. Trong thời gian tới, em sẽ kiếm việc làm thêm và nỗ lực học thật tốt để trở thành một phiên dịch viên trong tương lai. Khi đó, em sẽ có thể phụ giúp bố, mẹ chăm lo cho việc học của các em tốt hơn”, Thương chia sẻ.
Vượt lên nghịch cảnh
Ngày mà Trương Văn Tiến (SN 2005), ở thôn Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh nhận giấy báo nhập học vào Trường Đại học Kinh tế Huế, ngành Quản trị kinh doanh, cả gia đình vui mừng. Nhưng niềm vui nhanh chóng qua đi để lại nỗi lo kinh phí đến trường.
“Ban đầu em dự định sau khi tốt nghiệp THPT thì đi học nghề. Ngày có giấy báo nhập học, em định giấu đi nhưng sợ anh, chị buồn nên em mới công bố. Nhiều năm qua, các anh, chị đã vất vả nuôi em ăn học, em không muốn các anh, chị phải chịu khổ thêm vì em nữa. Nhưng các anh, chị vẫn quyết định cho em học đại học khiến em rất vui nhưng cũng lo lắng”, Tiến bộc bạch.
Hoàn cảnh gia đình Tiến rất éo le. Mẹ qua đời khi Tiến khoảng 8 tháng tuổi, nỗi đau chưa nguôi thì bố cũng qua đời, để lại 10 người con vẫn còn thơ dại. Mồ côi cả bố lẫn mẹ nhưng 10 anh, chị, em Tiến vẫn đoàn kết, nương tựa vào nhau vượt lên nghịch cảnh.
“Mấy năm qua, em nương tựa vào gia đình anh trai thứ nhì và được các anh, chị trong gia đình cưu mang. Là con út nên em được anh, chị ưu tiên cho đi học đại học nhưng em lo lắm. Gia đình các anh, chị còn gặp nhiều khó khăn, có con nhỏ nhưng phải nuôi thêm em ăn học trong 4 năm nữa nên đôi khi em sợ việc học sẽ dừng lại giữa chừng”, Tiến lo lắng.
Thấy các anh, chị đều kỳ vọng, yêu thương nên vừa nhập học Tiến đã chăm chỉ học tập, chủ động kiếm việc làm thêm để trang trải sinh hoạt. “Em sẽ cố gắng để chinh phục được giấc mơ của mình, mong sao sau này kiếm được việc làm ổn định”, Trương Văn Tiến chia sẻ.
Nỗi lo cô sinh viên nghèo
Mặc dù gia cảnh nghèo khó nhưng em Trần Yến Nhi (SN 2005), ở thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh luôn vươn lên đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện. Yến Nhi đỗ vào Trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng, ngành Điều dưỡng.
Nhiều năm nay, bà Trương Thị Thảo mẹ của Nhi bị hở van tim nên hầu như chỉ làm việc nhẹ trong nhà và nội trợ chăm lo cho gia đình. Bố của Nhi làm thợ xây nhưng cũng theo mùa và nhiều bấp bênh. Thấu hiểu gia cảnh khó khăn nên từ khi đang học lớp 10, sau những buổi đến trường, Nhi đã đi làm thêm ở các quán ăn trên địa bàn huyện để phụ giúp gia đình.
“Hiện nay, kinh tế gia đình em chủ yếu dựa vào bố nhưng phải thuốc thang cho mẹ và lo cho 4 chị em ăn học nên thiếu trước hụt sau. Để có tiền cho em theo học đại học, bố mẹ đã chạy đôn, chạy đáo vay mượn từ nhiều nguồn mới gom lại đủ. Em chỉ mong sao trong thời gian tới, sức khỏe của bố, mẹ được ổn định và việc học của em sẽ không dừng lại để con đường chinh phục giảng đường sẽ vơi bớt chông chênh...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)